Âm nhạc rộn ràng vang lên. Tôi cảm thấy cuốn hút ngay từ những ca từ đầu tiên: “Ngày nào còn thơ bé/ Mẹ chỉ tay lên bầu trời xanh/ Mẹ bảo đó là thiên đường nơi có những lâu đài nguy nga, những nàng tiên xinh đẹp dịu dàng...”. Nghe xong, trong tâm tưởng tôi hiển hiện bao hình ảnh tiếp nối. Sau chương trình, tôi được nam ca sĩ Đức Tuấn chia sẻ, đó là sáng tác của nhạc sĩ Ngọc Khuê. Ngọc Khuê từng in dấu ấn trong lòng công chúng yêu âm nhạc bởi các nhạc phẩm về mùa xuân và người lính với những ca khúc tiêu biểu như: “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, “Mãi là em-Mùa xuân”, “Tình yêu với người chiến sĩ”...

leftcenterrightdel
Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhạc sĩ Ngọc Khuê (bên phải) giao lưu với khán giả về ca khúc “Thiên đường của mẹ”. 

“Thiên đường của mẹ” gợi cho người nghe nhớ về một bầu trời tuổi thơ đầy mơ ước. Trong mỗi chúng ta khi còn thơ bé sẽ có những lúc ngước nhìn lên trời xanh vời vợi. Nơi ấy là một thế giới huyền bí chứa bao điều lạ lẫm đối với tâm hồn trẻ thơ. Chắc hẳn cô bé, cậu bé nào cũng ước mình có được đôi cánh để bay lên cao, khám phá những điều chưa biết trên thiên đường đẹp đẽ ấy. Ca khúc như câu chuyện cổ tích bắt đầu bằng những cái “ngày xửa ngày xưa” như vậy.

Vào trung tuần tháng 6-2020, nhạc sĩ Ngọc Khuê tổ chức đêm nhạc “Tình yêu tự hát”. Cảm xúc lại ùa về khi “Thiên đường của mẹ” vang lên. Ý nghĩa hơn khi được nghe lời tâm sự của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Chuyện rằng thuở thơ ấu, cậu bé Khoa hay được nghe mẹ kể chuyện cổ tích. Mẹ cậu chỉ lên trời bảo rằng: “Con có thấy thiên đường ở trên cao không. Những ánh sáng lấp lánh ấy là ngọn đèn trời. Đêm xuống, các nàng tiên bay đi thắp sáng khắp dải ngân hà”. Thế là cậu bé Khoa mở mắt ra để ngắm nhìn, tìm kiếm các nàng tiên, khi trời tím sẫm lại thì đôi mắt trẻ thơ cũng mỏi. Cậu bé ngủ thiếp đi, tỉnh dậy thì bầu trời đã đầy sao. Mẹ cậu âu yếm bảo các nàng tiên chỉ chờ khi nào người trần gian không kiên nhẫn là đi thắp đèn trời. Những hình ảnh đẹp đó theo suốt tuổi thơ để rồi cậu bé ước ao được bay lên “thiên đường”.

Sau này nhà thơ Trần Đăng Khoa có dịp đi máy bay và nhìn ra ngoài thấy toàn mây trắng như cánh đồng làng sau mùa gặt đốt rơm hun chuột khói bay ngàn ngạt. Thế nhưng “cánh đồng” mây ấy rất lạnh lẽo, chẳng có “tà áo nâu và tấm lưng còng của mẹ”. Từ cửa sổ máy bay, nhà thơ nhìn xuống đất bỗng sửng sốt nhận ra ở đó có mái nhà gianh vách đất, phía trước là dậu cúc tần, sau lưng mảnh ao làng. “Ở đó có nàng tiên/ Biết hát ca và cấy lúa/ Biết đến với con khi con đau khổ”. Từ xúc cảm ấy, Trần Đăng Khoa đã viết nên bài thơ “Bức thư viết bên cửa sổ máy bay” để “Kính gửi mẹ của làng quê”.

Cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc đó, nhạc sĩ Ngọc Khuê đã chắp cánh cho những lời thơ bay bổng trở thành khúc ca ấn tượng viết về bộ đội không quân. Giai điệu hào sảng, khoáng đạt nhưng thiết tha, trữ tình. Khúc ca như nói về tâm tình của những người lính bay, dù bay cao giữa trời lộng gió nhưng lòng luôn hướng về mặt đất thân yêu. Bởi “Nơi ấy con có mẹ sau mỗi chặng đường gian nan/ Con lại trở về trong tình thương đôi mắt mẹ/ Con lại cười vang như tiếng sóng giữa bầu trời”. “Thiên đường” có thật nơi mặt đất thân yêu đã nâng cánh bay giúp những người lính bay ngày đêm vững tay lái bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

 Bài và ảnh: VŨ DUY