Sớm hơn mọi ngày, đồng hồ điểm 4 giờ, chị Nguyễn Thị Hồng đã thức dậy chuẩn bị gánh hoa lễ bán của ngày hôm nay. Bởi lẽ, chị phải đến vườn, tận tay hái một loại quả màu vàng ươm, hương thơm ngào ngạt, được ví như một thức quà dân dã không thể thiếu của người Hà Nội khi mùa thu tới - “quả thị”.
 |
Chị Nguyễn Thị Hồng tưới nước để giữ cho giỏ hoa lễ, giỏ thị tươi hơn trước cái nắng hơn 35 độ C của Hà Nội.
|
Đúng 6 giờ 30, sau hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển từ Hoài Đức, chị Hồng đã có mặt ở số 83 Hàng Giấy, bắt đầu ngày mới cùng gánh hàng bán hoa lễ. Chị Hồng cho biết, người dân Hà Nội hiện rất ưa chuộng mâm hoa lễ kết hợp, bao gồm các loại hoa: Nhài, lan tây, ngọc lan, mẫu đơn và quả thị. Một mâm hoa lễ được hoàn thành trong 5-10 phút, giá từ 150.000 đồng, tuỳ thuộc độ to nhỏ mà sẽ có mức giá khác nhau.
Đối với những khách hàng có nhu cầu mua giỏ quả thị đem đi biếu, tặng hay trưng trong phòng khách, cơ quan…, chị Hồng sẽ xếp thành giỏ mini đan bằng cói, dứa vừa phải, kèm thêm hoa ngọc lan, trung bình một giỏ có giá từ 160.000 đồng trở lên.
 |
Giỏ, làn mini, đan thủ công bằng cói, nứa được chị Hồng đặt riêng phục vụ nhu cầu của thị trường.
|
Chị Hồng cho biết, vào mùa thị, mỗi ngày chị bán từ 20-40kg, giá thị năm nay cao hơn các năm dao động từ 150.000-200.000 đồng/kg. Thị phổ biến với 2 loại là thị sáp và thị tròn, giá thì đều ngang nhau nhưng mỗi loại lại có một ưu điểm riêng.
 |
Dù vào đầu mùa nhưng giá thị sáp đã được bán với giá 25.000 đồng/3 quả, thậm chí 10.000 đồng/quả vẫn cháy hàng.
|
“Thị sáp là những quả dẹt, nhỏ đều nhau, hạt lép thơm nức mũi. Thị quả tròn to bằng nắm tay người lớn, nhiều nơi còn gọi là thị muộn nhưng hương thơm lại không bằng”, chị Hồng nói.
Mua tận gốc, bán tận ngọn từ chủ vườn ở Bắc Giang nên anh Văn Thế Quang (quê Hưng Yên) buôn được giá rẻ hơn các đầu mối khác. Giá thị sáp và thị tròn được anh bán với giá từ 130.000-170.000 đồng/kg, ngày nào hết hàng ngày đó, có khi hàng đặt phải chờ mới có.
Những năm trước quả thị đều không được thị trường ưa chuộng nhiều nhưng năm nay lại cháy hàng. Giá cả trên thị trường cũng cao hơn vì các gia đình đều chặt bỏ loại cây mang lại giá trị kinh tế kém này. “Với tình hình này thì đến rằm tháng 7 là không còn hàng để bán”, anh Quang bộc bạch.
Để chuẩn bị cho tiệc quan lớn, bà Nguyễn Hồng Thắm (60 tuổi, quận Ba Đình) đã tất bật chuẩn bị những gói hoa lễ, lẵng thị dâng lên bày tỏ lòng thành kính. Trong ký ức của bà Thắm, ở các đình, chùa cổ đều có một cây thị cổ thụ to được dân làng gìn giữ, còn ở Hà Nội thì chỉ thấy thức quả này khi mùa thu về.
 |
Bà Thắm đang chọn những quả thị tươi, thơm nhất để dâng lên ngày tiệc quan lớn bày tỏ lòng thành kính.
|
Bà Thắm chia sẻ: “Phải đi dọc cả chợ Đồng Xuân, tôi mới tìm được một hàng bán thị ưng ý, các gánh hàng rong khác đều là thị mẫu mã không được đẹp. Tôi thường chọn những quả xanh hoặc vừa chín tới sẽ để thơm khoảng 5-6 ngày”.
 |
Mùa Thu Hà Nội với anh Vũ và nhiều bạn trẻ khác được tổng hòa từ xôi cốm, sấu chín, hương thơm của quả thị.
|
Với anh Hoàng Anh Vũ (32 tuổi, quê Cao Bằng), mùa Thu Hà Nội trong anh là một chút cốm làng Vòng, những quả sấu chín và không thể thiếu hương thơm ngát từ quả thị dân dã. Anh bày tỏ: “Tất cả đã tạo nên tình cảm đặc biệt, vương vấn cho những ai đã từng đặt chân một lần đến Hà Nội vào mùa thu, thiếu một thứ cũng thấy chưa trọn vẹn”.
Diospyros decandra Lour là tên khoa học của quả thị. Theo đó, đây là loại quả tròn, màu vàng, mọng nước, có 6-8 múi mang mùi thơm đặc trưng. Điều đặc biệt là thị chỉ được trồng ở miền Bắc, thời gian chín bắt đầu từ cuối mùa hè cho hết mùa thu.
|
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.