Nằm bên Hồ Tây, Yên Phụ mang trong mình vẻ đẹp yên bình với những ngôi nhà ven hồ, những con đường uốn lượn và cả mái đình vút cong, soi bóng nước. Trước đây, Yên Phụ là một làng cổ ven đô nằm trên trục cửa ô Yên Hoa, phía Bắc của kinh thành xưa. Vì thế, ngôi làng có tên là Yên Hoa. Sau đó, vì kỵ húy mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa nên làng đổi tên thành Yên Phụ. 

 Không gian đình Yên Phụ là nơi sinh hoạt của các câu lạc bộ nghệ thuật.

Mỗi công trình kiến trúc cổ đều mang trong mình nét độc đáo. Với đình Yên Phụ, điều làm nên sự khác biệt thể hiện rất rõ ngay từ khi mới bước vào khuôn viên đình. Trò chuyện với cụ Trương Thị Điệp năm nay đã ngoại cửu tuần và có hơn 40 năm trông đình, chúng tôi thêm hiểu về kiến trúc ngôi đình Yên Phụ. 5 gian tiền tế được thờ dọc, còn hậu cung lại nằm ngang. Cửa vào đình không phải là mặt chính nhà tiền tế mà là đầu hồi phía Bắc. Chính lối kiến trúc dọc tạo cho ngôi đình có chiều sâu với nhiều cung thờ trang nghiêm, lộng lẫy. Chính giữa bờ nóc mái đắp nổi hình song long chầu nhật, bên cạnh có đôi phượng xòe cánh mang ý nghĩa tượng trưng cho long phượng trình tường.

Trong hậu cung thờ tam thánh là: Uy Linh Lang Đại vương, Vương Duy Đại vương và Vương Ba Đại vương. Đức Thánh Uy Linh Lang là Hoàng tử của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng hậu Minh Đức, có công phò vua giúp nước đánh đuổi giặc Nguyên Mông. Hiện nay, đình Yên Phụ còn giữ được khá nhiều văn bia thời Lê. Trong số đó có 3 tấm bia lớn dựng ngoài sân ghi lịch sử, công trạng và những người có công với đình. Một bia đá ở hậu cung gọi là “bia án vua ban”. Tương truyền, trước đây có một người muốn chiếm đất đình. Quan xử cho đình thắng và có giấy trắng mực đen ghi lại nhưng sau đợt lụt giấy bị trôi mất. Người ấy lại muốn chiếm đất. Lần này dân kêu kiện, vua lại xử đình thắng và cho khắc chữ vào bia đá lưu lại muôn đời. Hiện đình còn lưu giữ được 17 đạo sắc phong, ngai thờ, kiệu rước... Với những giá trị về kiến trúc và lịch sử, đình Yên Phụ được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1986.

Đình Yên Phụ là một di tích lịch sử nổi tiếng. Nhờ địa thế, cảnh sắc thơ mộng bên Hồ Tây, ngôi đình trở thành không gian sinh hoạt thường kỳ của các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống trên đất Thủ đô. Có dịp, Câu lạc bộ quan họ Nhị Hà (Hà Nội) cùng liền anh, liền chị ở Bắc Ninh thướt tha áo tứ thân, nón ba tầm về giao lưu quan họ. Đoàn khách bưng cơi trầu đến lễ thánh. Đứng trước hương án, sau lễ tam bái, mọi người cùng ca lên câu hát vào đình. Trong những khách đến thăm đình có đôi bạn trẻ một người Việt, một người Anh. Họ nghe hát rồi lại mải miết ngắm nghía những rồng mây uốn lượn trên bức cốn, cửa võng, những hoành phi câu đối sơn son thếp vàng ngợi ca công đức, cảnh đẹp của ngôi đình. Nguyễn Thùy Linh là người ở phường Yên Phụ chia sẻ: “Bạn em là người nước ngoài nhưng rất thích tìm hiểu văn hóa, kiến trúc Việt. Em đã giới thiệu đình Yên Phụ cùng với nét độc đáo riêng có của ngôi đình để bạn chiêm bái”.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đã có thời điểm đình Yên Phụ xuống cấp hư hại. Bằng tấm lòng tôn kính bậc tiền nhân, người dân Yên Phụ đã chung tay gìn giữ, tôn tạo để ngôi đình trụ vững, đẹp tựa đóa sen hồng thoảng hương thơm bên sóng nước Hồ Tây. 

Bài và ảnh: DIỆP THANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.