Thực hiện kế hoạch khai quật khảo cổ tại phía Tây di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và các cơ quan liên quan đã tiến hành khai quật với tổng diện tích 6.000m2. Triển khai từ cuối tháng 3-2024, đến nay kết quả khai quật tại hiện trường đã làm xuất lộ cơ bản không gian phân bố và những dấu tích quan trọng về nơi ở, nơi chôn cất người chết và nhiều di vật tiêu biểu của di chỉ cư trú mộ táng Vườn Chuối.
 |
Quang cảnh hội thảo. |
Ngoài những di tích liên quan đến quá trình cư trú và mộ táng của cư dân Vườn Chuối đã phát hiện trong những đợt khai quật trước đây, đợt khai quật này trên một diện tích rộng đã phát hiện những di tích lần đầu tiên được biết đến khi nghiên cứu về thời đại kim khí ở miền Bắc Việt Nam. Đó là mặt bằng cư trú giai đoạn tiền Đông Sơn, các khu mộ táng tiền Đông Sơn, khu mộ táng văn hóa Đông Sơn từ sớm đến muộn; dấu tích gia cố mặt bằng sinh sống thời Đông Sơn; dấu vết hố cột của các kiến trúc dạng nhà dài thời Đông Sơn và một số dấu tích thời hậu Đông Sơn. Ngoài ra, đợt khai quật đã phát hiện nhiều dấu tích bếp lửa, lò đúc/nấu đồng, hố đất đen nhiều kích cỡ và một số di tích sinh hoạt khác. Theo GS, TS Lâm Thị Mỹ Dung, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), những phát hiện trên là cơ sở quan trọng để các nhà khoa học nghiên cứu bản đồ gen của người Việt cổ, từ đó hiểu hơn về phong tục tập quán của người xưa.
 |
Các nhà khoa học giới thiệu về các di vật được tìm thấy trong đợt khai quật. |
Tính đến nay, đợt khai quật đã thu được nhiều di vật thuộc các nhóm chất liệu đá, đồng, gốm, xương, sắt… thuộc nhiều giai đoạn khác nhau từ Phùng Nguyên muộn đến Đông Sơn muộn. Trong số này, đồ gốm vụn có số lượng nhiều nhất với khoảng trên 10 tấn gốm đã thu về lưu trú trong kho tạm và còn nhiều cụm gốm tùy táng vẫn đang được lưu trữ tại hiện trường.
 |
Các di vật của người xưa. |
Hội thảo đã thống nhất các phương án di dời các di tích, di vật khảo cổ: Đối với di tích mộ táng, những di cốt còn khả năng nghiên cứu sẽ được đóng hộp chuyển vào kho tạm chờ chuyển giai đoạn chỉnh lý để tiếp tục nghiên cứu về hình thái nhân chủng, vận động, bệnh lý, chế độ dinh dưỡng. Trường hợp những ngôi mộ tiêu biểu có giá trị nghiên cứu sẽ được bảo quản nguyên khối chuyển giai đoạn chỉnh lý. Đối với những vết tích cư trú, những dấu tích còn lưu lại chưa bị phá hủy sẽ được di dời chuyển vào kho tạm phục vụ chuyển giai đoạn chỉnh lý nghiên cứu. Di vật khảo cổ sẽ được đóng vào các khay, hộp lưu trữ trong kho tạm, sau đó chuyển về địa điểm chỉnh lý.
 |
Hiện trường khai quật khảo cổ ở Vườn Chuối. |
Đồng chí Nguyễn Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức mong muốn di chỉ khảo cổ Vườn Chuối sớm được xếp hạng di tích để làm cơ sở pháp lý xây dựng công viên di sản và bảo tồn, phát huy các di tích, di vật tại Vườn Chuối một cách hiệu quả, bền vững.
Tin, ảnh: HOÀI PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.