Bén duyên, thành danh với truyện ngắn đến vậy nhưng đến năm 2024 này, Vũ Thanh Lịch lại thử sức mình ở một thể loại mới của văn xuôi: Tiểu thuyết với tác phẩm đầu tay “Nhặt bóng người” do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành.
Có thể coi “Nhặt bóng người” là tiểu thuyết lịch sử đặc biệt. Thông thường, đối với đề tài lịch sử, các nhà văn sẽ lựa chọn viết về một hay nhiều nhân vật, giai đoạn-triều đại đã qua, chỉ còn tồn tại trong sách vở. Vũ Thanh Lịch không đi theo lối quen thuộc ấy mà đưa ra lựa chọn của riêng mình: Tái hiện lịch sử thông qua những câu chuyện về khảo cổ học.
Như lời thưa cùng bạn đọc ở đầu sách, "Nhặt bóng người" được tạo tác trên cảm hứng từ những di chỉ khảo cổ học ở mảnh đất Ninh Bình giàu bản sắc văn hóa. Cuốn sách là sự tri ân của tác giả đối với những người đang cống hiến cho chuyên ngành trụ cột của lịch sử. Sự tri ân ấy được thể hiện rõ qua hình tượng Tiến sĩ khảo cổ học Trai. Trai là cái tên đầy ẩn ý.
Trong suy nghĩ của Vũ Thanh Lịch, những người làm nghề khảo cổ học cũng như những con trai, cứ lặng lẽ, âm thầm làm việc, “kết ngọc” cho đời bằng cách đưa từng món đồ, từng di vật quý báu bị chôn vùi dưới mặt đất ra ánh sáng, giúp con người đương đại hiểu thêm về những giá trị văn hóa vô giá của các bậc tiền nhân. Cuộc đời của Trai là cuộc đời của một nhà khảo cổ học chân chính. Anh sống chết với nghề, chấp nhận mọi gian khổ, cực nhọc, thậm chí cả những hiểm nguy ảnh hưởng đến sinh mạng trong nghề, chấp nhận cuộc sống thường xuyên xa gia đình, kiên quyết đấu tranh với việc lợi dụng khảo cổ để đưa ra những nhận định, kết luận giả tạo nhằm tìm kiếm những lợi ích vật chất và danh vọng cá nhân.
Qua cuộc đời của Trai, đặc biệt là hành trình xác định, tìm kiếm chủ nhân của chiếc bình gốm quý tìm thấy trong khu khai quật, Vũ Thanh Lịch đã nêu kiến giải của mình về mối quan hệ giữa nghệ thuật và ký ức. Từ xa xưa, con người đã sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để lưu giữ ký ức, kinh nghiệm của mình. Với Vũ Thanh Lịch, nghệ thuật là nơi lưu trữ ký ức của con người một cách bền vững nhất. Những bình gốm tinh xảo, đậm chất mỹ học được chế tạo từ đôi tay tài hoa của các nghệ nhân lò gốm Diên Vĩ không chỉ ẩn chứa trong đó những bí mật về nghề gốm mà còn là cả một câu chuyện về mối tình đầy trắc trở của ông bà chủ.
Như bao tác phẩm văn chương khác, “Nhặt bóng người” còn là tự sự về thân phận con người. Trong gần 200 trang sách, Vũ Thanh Lịch đã dựng nên nhiều thân phận con người khác nhau. Từ con người trong quá khứ đến hiện tại; từ người điên đến người bình thường; từ người già đến trẻ nhỏ; từ người học vấn cao đến người ít học; từ người thành thị đến người nông thôn; từ người dương đến người âm; từ người giàu đến người nghèo... mỗi người đều có hoàn cảnh, nỗi niềm riêng.
Tất cả họ, qua ngòi bút Vũ Thanh Lịch đều có hạnh phúc, có bất hạnh, có buồn, có vui, có sướng, có khổ... Các thân phận ấy chỉ ra rằng cuộc sống của con người vốn không hoàn hảo, được mặt này thì khuyết mặt kia. Vì vậy, con người, về cơ bản đều không bằng lòng với chính mình. Vậy làm sao có thể thoát ra được điều đó? “Muốn là gì thì là thế”-lời Trai nói với bé Mẫn ở đoạn kết tiểu thuyết cũng chính là lời nhắn nhủ của tác giả đối với bạn đọc về con đường thoát khỏi sự ràng buộc của chính bản thân để tìm được bến đỗ bình yên trong cuộc sống hối hả này.
Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.