“Bắc Kạn có suối đãi vàng

Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh”

Đến nơi đây, lòng người không chỉ thanh bình, tĩnh lặng mà còn ngân lên những khúc nhạc hân hoan, rộn ràng bởi những điệu múa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Bắc Kạn. Trong đó, có múa bát, điệu múa cổ có nguồn gốc từ đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Tày…

Trong số những làn điệu dân ca, dân vũ của người Tày, múa bát là một trong những điệu múa có sự phổ biến rộng rãi nhất và được sử dụng thường xuyên hơn cả. Múa bát là điệu múa cổ của người Tày được hình thành trong quá trình lao động sản xuất từ lâu đời. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, múa bát của người Tày Bắc Kạn vẫn được tồn tại, bảo tồn và phát triển trong đời sống tinh thần của người Tày từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Múa bát nối những niềm vui

Chúng tôi đến căn nhà đơn sơ của nghệ nhân Hà Sỹ Hoàn (68 tuổi, người dân tộc Tày) ở thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ông đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian và tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam lĩnh vực: Thực hành và truyền dạy múa bát dân tộc Tày.  

Như một cái duyên và may mắn, khi chúng tôi đến, nghệ nhân Sỹ Hoàn đang miệt mài tập những động tác múa bát uyển chuyển. Giữa đám cỏ xanh mướt, người đàn ông với vóc người đầy đặn, nước da ngăm rắn rỏi, mái tóc muối tiêu dài quá tai cười rạng rỡ nhắc về điệu múa đã theo ông từ những ngày ấu thơ. 

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: backan.gov.vn

Từ đời xưa, khi cuộc sống chưa có loa, đài và các thiết bị giải trí như hiện nay, đồng bào dân tộc Tày đã tự sáng tạo ra nhiều cách vui chơi, giải trí sau giờ làm việc mệt mỏi. Trong các cuộc vui, người người ngồi quây quần bên mâm cơm, sau những chén rượu đầy, mọi người thử gõ bát và đũa với nhau để tạo ra thanh âm vui tai. Tiếng lách cách ban đầu còn nhỏ, rồi lớn dần ở những mâm xung quanh. Có người cao hứng, tay cầm bát và đũa, làm những động tác quen thuộc giống như đang dệt vải. 

Bởi lẽ khi dệt vải thủ công, người ta đã ươm tơ, nén tơ trong bát, còn đôi đũa dùng để đảo đều cho những sợi tơ cuốn vào chiếc đũa. Động tác cứ như vậy mà lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi đủ tơ dệt vải. Người này nối người kia, làm theo những bước thân quen ấy, tạo thành hàng dài đi quanh nhà, không khí trở nên vui tươi, tiếng cười nói rôm rả khắp vùng.  

Ký ức tuổi thơ của ông Hoàn là những cuộc vui đầu xuân, có các bà, các mẹ trong trang phục truyền thống của dân tộc Tày, rộn rã, khéo léo múa bát. Dù cuộc sống là những ngày dãi nắng, dầm mưa, là những đêm trắng xay ngô, giã gạo nhưng đồng bào dân tộc Tày vẫn tạo ra niềm vui từ những công việc tay chân quen thuộc ấy. Trong các đám cưới, đám đầy tháng, mừng nhà mới, lễ hội… hễ có niềm vui là ở đấy có múa bát. Trong những đêm trăng thanh, phụ nữ tập trung nhau lại, sáng tạo động tác cho phong phú, nhịp nhàng để cùng nhau hòa chung nhịp điệu trong các ngày vui của bản làng. 

Múa bát thường được thực hiện trong các cuộc vui, nơi tập trung đông người. Không gian càng rộn rã, hân hoan, múa bát càng thu hút. Bên bếp lửa bập bùng; trong nhà sàn gỗ bóng, hay giữa đám hội cầu mùa múa bát nối ánh mắt long lanh thành vòng tròn lớn, nhịp nhàng và uyển chuyển. Điệu múa hòa nhịp theo thanh âm vui tai của đũa và bát chạm nhau, người quen, người lạ mời nhau đứng lên theo nhịp điệu. Nụ cười nối nụ cười, lòng người cũng vì thế mà quên đi phiền muộn, nối dài thêm tinh thần đoàn kết ở những bản làng. 

Tư thế của múa bát rất đa dạng, gồm đứng thẳng, ngồi xuống, uốn dẻo, cúi về phía trước và ngả về phía sau. Trang phục múa bát đơn giản với quần áo truyền thống của dân tộc Tày. Áo dài được làm bằng vải chàm, có tà trước, tà sau dài đến đầu gối hoặc kheo chân, quần lụa hoặc quần chàm, thường có màu đen hoặc mùa chàm xanh, đen. Ngoài ra còn không thể thiếu thắt lưng, khăn vuông quấn đầu, mấn đội đầu, vòng đeo cổ và bộ xà tích vắt ngang qua eo trước. 

Nhạc cụ chính của múa bát là chiếc bát và đôi đũa, mỗi người múa sẽ cầm hai chiếc bát và một đôi đũa. Điệu múa bát sẽ diễn theo lối diễn tập thể, từ 6 đến 12 người, hoặc dàn dựng theo tiết mục cộng đồng. Tiếng gõ bát sẽ ngân nga lúc trầm, lúc bổng như lời tâm sự, sẻ chia của người phụ nữ về những nhọc nhằn trong việc ươm tơ, dệt vải, đồng thời thể hiện mong muốn, khát vọng của người dân về một cuộc sống ấm no, đủ đầy. 

Có ý nghĩa tinh thần và gắn bó lâu dài với đồng bào dân tộc Tày như vậy, nhưng có một thời gian dài, múa bát đã dần bị bỏ quên, không ai nhắc đến và cũng không ai biết đến. Nhớ về tuổi thơ với điệu múa bát đi theo năm tháng, nghệ nhân Sỹ Hoàn đã đi tìm hiểu, ghi chép lại tư liệu từ những người già ở các bản làng của đồng bào dân tộc Tày để truyền dạy lại cho các đội văn nghệ địa phương. Từ năm 2016 đến nay, ông đã dàn dựng và hướng dẫn cho 26 đội văn nghệ với 244 nghệ nhân, diễn viên toàn tỉnh Bắc Kạn. Từ những đội, nhóm đầu tiên ấy, theo thời gian, múa bát đã trở thành nét đặc trưng riêng mang dấu ấn của đồng bào dân tộc Tày. Năm 2022, nghệ thuật trình diễn dân gian múa bát của người Tày tỉnh Bắc Kạn đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Nhân lên những vòng tròn đoàn kết

Nhắc về những lần đi truyền dạy múa bát ở các làng bản người dân tộc Tày, nghệ nhân Sỹ Hoàn luôn trăn trở với những “vị khách” đặc biệt. Đó là các cụ bà ở tuổi xưa nay hiếm, không đến tập múa mà chỉ ngồi xem ở một góc phòng tập. Các cụ như thể đang trở về một thời tuổi trẻ, lặng lẽ nhớ đến tiếng lách cách tưởng như đã rất xa xưa. Những năm tháng ấy, trẻ con 5 tuổi biết cầm bát ăn cơm đã có thể múa bát, tạo thành một vòng tròn nhỏ riêng trong các lễ hội mừng năm mới.  

Xã Đổng Xá, huyện Na Rì được biết đến là một trong những nơi cư trú đầu tiên của người Tày cổ trên đất Bắc Kạn. Người già ở Đổng Xá cũng không biết múa bát có từ bao giờ, chỉ thấy ai cũng lớn lên theo làn điệu tươi vui, thắm tình đoàn kết, bà Nông Thị Oanh, người cao tuổi ở xã Đổng Xá cũng đang tâm huyết truyền dạy múa bát cho thế hệ trẻ, với bà, múa bát là niềm tự hào và điểm nhấn đặc sắc của văn hóa dân tộc Tày. 

Bà Oanh chia sẻ: Tôi từ nhỏ đã thấy các bà, các mẹ múa bát, không chỉ trong những dịp lễ hội mà có năm đi biểu diễn ở quân khu còn được giải nhất. Thấy các bà, các mẹ múa thích quá đã tập theo. Để thể hiện điệu múa bát, cần sự chính xác về nhịp phách, khéo léo phối hợp giữa tay, chân nhịp nhàng. Người múa vừa bước đi theo những nhịp gõ đều đặn vừa sử dụng chiếc bát và đôi đũa tạo ra âm thanh như một bản nhạc độc đáo. Người múa còn phải chú ý đến việc di chuyển sao cho đều, di chuyển nhịp nhàng để tránh va chạm nhau... Thông qua điệu múa bát kết nối con người lại với nhau hơn, tình làng, nghĩa xóm cũng từ đó mà đi lên. Tôi rất vui vì hiện nay điệu múa bát được nhiều người biết đến. Mong rằng trong thời gian tới, điệu múa này ngày càng được phát triển. 

Với ý nghĩa và độc đáo như vậy, những năm gần đây, làn điệu múa bát đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhờ đó dần khôi phục và phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh. Đầu xuân 2024, múa bát đã được đầu tư và trình diễn công phu với hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, người dân tham gia tại Hội lồng tồng Ba Bể và Hội xuân ATK Chợ Đồn. 

Để phù hợp với nghệ thuật biểu diễn, các động tác múa bát đã được phát triển ngày càng đa dạng. Với đôi đũa và bát, người múa sẽ làm nhiều động tác mô phỏng những hoạt động quen thuộc trong đời sống sinh hoạt như: Cắt lúa, tiên bay, chèo thuyền, coọn nước xoay, xay ngô, giã gạo, khỏa nước… Người múa có thể nhẹ nhàng di chuyển, xếp thành hình chóp nhọn, vòng tròn và chữ cái. Từ đó tạo nên những đặc trưng riêng, thu hút người xem ở mọi lứa tuổi. 

Điệu múa bát độc đáo đã khắc hoạ sinh động và đầy tính nghệ thuật về đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Tày. Người dân lên nương rẫy, lội nước qua suối, chèo thuyền độc mộc... đều hiện lên thông qua những động tác mềm dẻo, cũng vì lẽ đó mà thêm tình yêu lao động, yêu quê hương, xứ sở. Mỗi khi thôn, bản có dịp gặp gỡ, quây quần bên nhau, múa bát góp phần nhân lên niềm vui trong lòng mỗi người, nối rộng thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó. 

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn, hiện nay, nhiều đội văn nghệ dân gian đã được thành lập trên toàn tỉnh Bắc Kạn và được tập huấn về các làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền, trong đó có điệu múa bát. Ngoài ra, các điệu múa dân gian cũng được tổ chức truyền dạy trong một số trường phổ thông dân tộc nội trú, thí điểm thành lập các đội văn nghệ dân gian trong trường học. 

Trong Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Kạn năm 2024, diễn ra từ ngày 27-4 đến ngày 3-5-2024, Bắc Kạn tổ chức màn múa bát với sự tham gia của 1.000 diễn viên. Đây là hoạt động trình diễn nghệ thuật dân vũ lớn nhất của Bắc Kạn từ trước tới nay.

BÍCH PHƯỢNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.