Trong tiết mưa xuân, chúng tôi tìm về làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) để tìm hiểu về múa bồng. Ông Triệu Khắc Sâm, một bô lão uy tín của làng Triều Khúc, cho biết: “Múa bồng gắn với sự kiện Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng tập hợp binh sĩ, đóng quân tại làng Triều Khúc xưa trước khi công thành đánh giặc. Để khích động tướng sĩ và giải trí cho nghĩa quân, ngài cho binh lính đóng giả gái, ăn mặc sặc sỡ, đeo trống múa bồng. Sau khi Phùng Hưng qua đời, để tưởng nhớ ngài, nhân dân Triều Khúc đã lập đình thờ phụng. Cũng từ đó, múa bồng được phục vụ nghi lễ tế thần khi vào đám và là điệu múa hầu thánh, mang tính nghi lễ”.

Theo ông Triệu Khắc Sâm, dù cuộc sống hiện đại nhưng người dân Triều Khúc luôn nhắc nhở nhau giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, trong đó có múa bồng. Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, người dân nơi đây lại mở hội nhằm tưởng nhớ công lao Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và trẩy hội đầu năm. Lễ hội làng Triều Khúc được tổ chức trang nghiêm, văn minh, tạo không khí vui vẻ, diễn ra từ mồng 9 đến 12 tháng Giêng hằng năm. Bắt đầu lễ hội là những nghi lễ truyền thống như dâng hương, rước sắc, nhập tịch, cùng hoạt động văn hóa dân gian như múa rồng, múa lân, đặc biệt là múa bồng.

leftcenterrightdel
Trình diễn điệu múa bồng tại Chương trình “Tết Việt-Tết phố” năm 2024. 

Mỗi lần múa bồng thường có từ 6 đến 12 nam thanh niên thuộc Câu lạc bộ (CLB) múa bồng làng Triều Khúc tham gia. Mặt hoa da phấn, môi son, má hồng, mặc đồ giả gái, khoác trống bồng trước ngực, các chàng trai làng Triều Khúc thể hiện điệu múa bồng lả lơi, quấn quýt bên nhau thu hút mọi ánh nhìn. Được biết, ngoài biểu diễn trong các dịp lễ hội, hầu thánh, thời gian qua CLB múa bồng làng Triều Khúc còn phục vụ các sự kiện văn hóa của địa phương, tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa của huyện Thanh Trì, TP Hà Nội và mới đây tham gia trình diễn tại Chương trình "Tết Việt-Tết phố" năm 2024. Được thành lập từ năm 1985, đến nay CLB múa bồng làng Triều Khúc có 30 thành viên hoạt động thường xuyên.

Làm thế nào để các chàng trai vượt qua sự ngại ngùng khi giả gái? Anh Nguyễn Huy Tuyển, đội trưởng của CLB múa bồng làng Triều Khúc cho rằng, chính tình yêu với làng quê và mong muốn được giữ nét đẹp truyền thống đã giúp anh và các thành viên vượt qua mọi khó khăn. Anh Nguyễn Huy Tuyển cho hay: "Ngày mới biểu diễn trước dân làng, chúng tôi rất xấu hổ, nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Được nghệ nhân Triệu Đình Hồng động viên rằng cần phải giữ hồn cốt truyền thống, thế là chúng tôi cố gắng. Giờ thì không ngại nữa, chúng tôi luôn mong chờ đến Lễ hội làng Triều Khúc để được biểu diễn điệu múa bồng phục vụ nhân dân và du khách".

Bài và ảnh: NGÂN HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.