Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó giám đốc Thư viện Quốc gia:

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý về thư viện

Có câu “Muốn giàu phải đọc báo, muốn làm nghề phải đọc tạp chí, muốn làm người phải đọc sách”. Thư viện là hoạt động văn hóa có ích nhưng không đọc sách không "cháy nhà, chết người" nên không được quan tâm. Chúng tôi đồng ý với thực trạng văn hóa đọc ở nông thôn mà Báo QĐND đã nêu. Hầu hết các thư viện huyện không có kinh phí bổ sung tài liệu. Đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện thiếu, năng lực chuyên môn hạn chế. Có một thực trạng buồn là tại một hội thảo nghiệp vụ, lãnh đạo thư viện tỉnh đã phát khóc vì không có kinh phí để bổ sung tài liệu cho bạn đọc, trụ sở thư viện cũng không được đáp ứng. Lượng tài liệu bình quân đầu người ở nước ta chỉ có 0,36 cuốn sách/người dân. Đây là con số quá nhỏ, không đủ đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

 Tặng sách cho trẻ em nông thôn tỉnh Hải Dương. Ảnh: Lan Dịu 

Chúng tôi đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần hoàn thiện hành lang pháp lý với các quy định làm sao để mạng lưới thư viện phát huy; để các đồng chí lãnh đạo cơ sở quan tâm đúng mức tới hoạt động thư viện; để người làm thư viện tâm huyết tìm cách thu hút bạn đọc... Nếu khó khăn về kinh tế, chúng ta không cần quá chú trọng tới đầu tư xây dựng thư viện hoành tráng xong rồi để sách nghèo nàn. Vấn đề tài liệu thường xuyên được bổ sung mới là quan trọng. Bên cạnh đó, các thư viện tỉnh cần bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người làm thư viện ở cơ sở, để khi có tài liệu họ biết tổ chức kho tài liệu ra sao, thu hút người đọc như thế nào! Bản thân các thư viện đó cần đa dạng hơn các hoạt động văn hóa để thu hút người đọc như: Triển lãm sách báo, tổ chức tuyên truyền giới thiệu sách; phối hợp với NXB để bán sách giá rẻ; luân chuyển sách… với kinh phí ít.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh:

Quan tâm nhiều hơn đến nhân viên thư viện cấp xã

Thư viện ở cấp xã, phường, thị trấn là thiết chế văn hóa quan trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, việc phát triển các thư viện cấp xã được thực hiện nhưng hoạt động lại thiếu bền vững. Nguyên nhân chính là cán bộ chuyên trách công tác thư viện ở xã hầu như rất ít mà chỉ là kiêm nhiệm hoặc phụ trách thêm. Chính điều này đã làm giảm đi sức sống của các thư viện cấp xã. Người thủ thư có tâm, trách nhiệm, năng động, sáng tạo thì hoạt động thư viện mới phát triển bền vững lâu dài. Nhưng ở cấp xã, thường do khung biên chế cán bộ hạn chế nên nhân sự cho thư viện khó sắp xếp, chứ chưa nói đến cần phải có chuyên môn ngành lĩnh vực thông tin, thư viện. Theo tôi, để vực dậy phong trào đọc sách ở nông thôn, bên cạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, các cấp cần quan tâm nhiều hơn đến cán bộ làm công tác thư viện cấp xã; chú trọng bảo đảm đời sống, cơ chế hoạt động, tạo môi trường thuận lợi để người làm thư viện cấp xã phát huy hết khả năng vận động nguồn sách, đẩy mạnh phong trào đọc sách và lan tỏa giá trị nhiều cuốn sách hay, ý nghĩa đến người dân.

Ông Trần Thiện Tùng, đồng sáng lập, quản lý Không gian đọc:

Xây dựng hệ thống cộng tác viên thư viện tư để bảo đảm hoạt động liên tục

Chúng tôi rút ra những kinh nghiệm khi triển khai mô hình Không gian đọc, và đến nay đã có gần 30 điểm trên cả nước. Có những điểm hàng trăm người đến, có điểm chỉ vài người. Những điểm đông người đến xem như Không gian đọc Hy vọng, Không gian đọc Niềm tin (Thái Bình), Không gian đọc Hội An (Quảng Nam), Không gian đọc Củ Chi… Có thể thấy việc xây dựng một thư viện đã là khó khăn, nhưng khó hơn nữa là duy trì nó một cách hiệu quả lâu dài. Nó đòi hỏi người quản lý yêu thích đọc sách, vì khi đó họ sẽ muốn chia sẻ kiến thức, thông tin mà họ đọc qua sách báo cho mọi người. Thêm vào đó, họ là những người thích hoạt động xã hội, thích mang lại lợi ích cho bản thân và cho cộng đồng. Đây là những yếu tố quan trọng nhất, thậm chí còn quan trọng hơn cả những yêu cầu nghiệp vụ.

Ông Trương Văn Út, Giám đốc Thư viện huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Tăng cường nguồn sách cho các địa phương biển, đảo

Được sự quan tâm của các cấp, huyện Côn Đảo cũng xây dựng được trụ sở thư viện khang trang, đa dạng đầu sách cũng như xây dựng các tủ sách của khu dân cư. Tuy nhiên, do cách trở về địa lý, thư viện của các xã đảo, huyện đảo gặp khó khăn hơn trong bổ sung nguồn sách cũng như kinh phí duy trì hoạt động. Theo tôi, trong những giải pháp lâu dài để phát triển văn hóa đọc ở nông thôn, cần tính đến địa phương biên giới, biển đảo, bởi đây là phên giậu quan trọng của đất nước. Đọc sách báo giúp người dân nâng cao kiến thức, cùng chung sức với chính quyền thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giữ vững an ninh-quốc phòng. Mặt khác, hiện nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh, xu hướng đọc sách điện tử là nhu cầu tất yếu. Các thư viện, phòng đọc ở xã đảo, huyện đảo cũng cần có các thiết bị đọc sách điện tử, góp phần đẩy mạnh phong trào đọc sách ở nông thôn.

Chị Bùi Thị Bình, bản Cha Lang, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình: 

Mong quê nhà có nhiều tủ sách thiết thực

Ở bản tôi chủ yếu là người dân tộc Mường và Thái. Gia đình nghèo nên tôi được học hết lớp 12. Tôi nghĩ đó là cố gắng rất lớn của bố mẹ rồi. Tôi biết rằng đọc sách sẽ giúp ích nhiều cho cuộc sống hiện tại của mình. Thỉnh thoảng tôi có mượn bạn bè một số tạp chí để đọc, nhưng chính các bạn cũng không có nhiều. Để nắm bắt thông tin, cứ có sách, báo nào là chúng tôi lại chuyền tay nhau đọc. Ở quê tôi không có tủ sách, thư viện nên quả thực ngoài những cuốn sách mượn được tôi không biết tìm đọc ở đâu. Tôi vẫn ước ao quê mình có một thư viện với thật nhiều báo, tạp chí, đặc biệt là sách, báo cập nhật thông tin, kiến thức về ứng dụng khoa học kỹ thuật, sách dạy người nông dân biết cách chăn nuôi, trồng trọt, sách hướng dẫn chăm sóc gia đình và trẻ em... 

MINH NHÃ - HÙNG KHOA (thực hiện)