Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội ĐAVN bày tỏ sự lạc quan: ĐAVN đang nỗ lực phát huy vai trò và thế mạnh của loại hình "nghệ thuật thứ bảy", nhưng cần có sự hỗ trợ từ nguồn lực nhà nước để ĐAVN có dấu ấn hơn trên phim trường quốc tế. 

Cần mở rộng không gian văn hóa của điện ảnh Việt

Phóng viên (PV): Ông nhìn nhận thế nào về hoạt động của điện ảnh Việt Nam?

PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú: ĐAVN từ khi ra đời đến nay trải qua nhiều bước thăng trầm. Có thể nói, với sứ mệnh của mình, điện ảnh đã có đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của văn học, nghệ thuật và khẳng định giá trị riêng có ở từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Hiện nay, ĐAVN đang hồi sinh mạnh mẽ, có hàng trăm đơn vị sản xuất phim; hằng năm cung cấp từ 45 đến 50 phim truyện điện ảnh ra rạp, chưa kể những thể loại phim khác, như: Hoạt hình, tài liệu, khoa học... là những con số đáng ghi nhận cho sự tâm huyết, sáng tạo của các đơn vị sản xuất phim và người làm phim vì sự phát triển của ĐAVN.

leftcenterrightdel
PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú. 

Kiểm đếm các phim ra rạp năm 2022, đầu năm 2023 và kế hoạch các phim sắp công chiếu trong thời gian tới đây, các đạo diễn, nhà sản xuất có uy tín trong nghề, như: Trấn Thành, Nguyễn Quang Dũng, Lương Đình Dũng, Phan Gia Nhật Linh, Ngô Thanh Vân, Lê Văn Kiệt... đã cho ra mắt nhiều bộ phim kịch bản thuần Việt. Tuy gặp nhiều khó khăn, song giai đoạn sau đại dịch Covid-19 là thời điểm “vàng” để điện ảnh phát triển. Sự nung nấu suốt quá trình dài của đơn vị sản xuất, sự chờ đợi và nhu cầu thưởng thức, giải trí của khán giả tăng, chiến lược dài hơi cho điện ảnh từ phía nhà đầu tư... là động lực thôi thúc bứt phá. Các phim: “Nhà bà Nữ” đạt doanh thu 430 tỷ đồng; “Em và Trịnh” cán mốc 100 tỷ đồng; “Bẫy ngọt ngào” gần 90 tỷ đồng... (theo thống kê từ chuyên trang phòng vé độc lập Box Office Vietnam).

Nâng cao tính hiện đại cho ĐAVN, thời gian qua hầu hết các nhà sản xuất đã đầu tư khá mạnh tay cho hình ảnh, kỹ xảo. Điều đó mang đến cho công chúng những trải nghiệm điện ảnh mãn nhãn, chân thực, kịch tính nhưng cũng tràn đầy cảm xúc. Giới chuyên môn nhận định, nhiều đơn vị điện ảnh tư nhân được thành lập với 4 hoạt động chính, gồm: Sản xuất nội dung (phim điện ảnh và phim serie); dịch vụ sáng tạo; phát triển tài sản kịch bản (IP) và đầu tư phim Việt, sẽ mang tới sự vận động tích cực cho điện ảnh, tạo đà cho bước tiến mới khởi sắc và mạnh mẽ.

PV: Những điểm mới trong Luật Điện ảnh năm 2022, có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 cho thấy sự hòa nhịp của điện ảnh trong đà phát triển chung của kinh tế-xã hội. Ông có cho rằng việc sửa đổi Luật Điện ảnh sẽ góp phần mang lại những tín hiệu tích cực đối với giới làm nghề?

PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú: Luật Điện ảnh năm 2022 có 10 điểm mới cơ bản phù hợp yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, nếu đã xác định điện ảnh là ngành công nghiệp thì cần bám sát thực tế để từng đơn vị có chính sách cụ thể và phù hợp cho sự phát triển. Thí dụ, cần có đánh giá tác động của điện ảnh đối với kinh tế, từ đó có sự quan tâm đặc biệt, dành cho nó sự hỗ trợ tương xứng về chính sách cũng như nguồn lực. Hoặc hiện nay các đơn vị tư nhân đang rất tâm huyết làm phim, được khán giả đón nhận, vậy cần phải có các chính sách hỗ trợ cụ thể cho họ, như giảm trừ thuế; biểu dương những đơn vị làm phim thu hút khán giả...

Đội ngũ làm dòng phim độc lập cũng cần những cơ chế khích lệ. Những bộ phim và tác giả thời gian vừa qua đã rất cố gắng để tìm nguồn tài trợ thực hiện nên mạnh dạn đưa đi tham dự các liên hoan phim quốc tế, nhằm góp phần quảng bá văn hóa, điện ảnh của Việt Nam. Có những bộ phim đã được vinh danh, đoạt những giải thưởng lớn khi trở về nước cần có sự hỗ trợ của Nhà nước từ việc ra rạp, phổ biến rộng rãi trong các tuần phim, tuần văn hóa mang tính quốc gia hoặc địa phương xuất hiện trong bối cảnh phim để phim có giá trị gia tăng sau khi được vinh danh.

Điều cần thiết nữa là mở rộng không gian văn hóa của ĐAVN thông qua các dự án hợp tác quốc tế; hoặc tạo hành lang pháp lý phù hợp để mở rộng cửa đón các dự án điện ảnh quốc tế đến Việt Nam. Thông qua các hoạt động đó tạo điều kiện để nguồn nhân lực làm điện ảnh của chúng ta có cơ hội để cọ xát, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật với các đoàn làm phim lớn.

leftcenterrightdel
Cảnh trong phim "Tro tàn rực rỡ" đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim ba châu lục tổ chức tại Pháp, năm 2022. Ảnh do đoàn phim cung cấp. 

Phim Việt phải sống được trong lòng khán giả

PV: Điện ảnh Việt đang có nhiều cơ hội mới. Song điều mà khán giả chờ đợi, đó là đang thiếu những bộ phim nghệ thuật có tầm ảnh hưởng lớn. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú: Đây luôn là nỗi trăn trở của người làm ĐAVN nhiều năm nay. Một nền điện ảnh phát triển không chỉ có những phim đạt doanh thu cao, có sức hút ngoài rạp chiếu mà phải đa dạng đề tài hơn, đến được với nhiều đối tượng khán giả hơn. Ví dụ, những bộ phim thời gian qua có doanh thu trăm tỷ, nhưng hầu hết là phim thị trường. Dư âm gần đây nhất là “Nhà bà Nữ”, doanh thu 430 tỷ đồng, phim thắng lớn, được đánh giá gần gũi với đời sống. Đánh giá theo thị trường, phim thành công, nắm bắt rất giỏi thị hiếu người xem; ê-kíp sáng tạo hoạt động trên thị trường giải trí có nhiều người hâm mộ kéo theo hiệu ứng lan tỏa tốt, truyền thông, quảng bá chuyên nghiệp. Nhưng phim này chưa chắc sẽ dẫn hướng phát triển cho ĐAVN, mà có thể xem đây là cú hích, tin tưởng người làm phim Việt sẽ làm ra những phim có doanh thu hàng trăm tỷ đồng và đáp ứng thị hiếu của khán giả. Từ đây cũng có thể đặt ra kỳ vọng, những người làm phim trăm tỷ khi họ có tiềm lực, nguồn lực sẽ làm những bộ phim lớn hơn, chất lượng nghệ thuật cao hơn.

Còn để có những phim mang giá trị nghệ thuật cao thì nhất định phải nhờ vào nguồn lực của Nhà nước. Nhất là những đề tài phim về chiến tranh cách mạng, lịch sử, văn hóa, nông thôn, miền núi... Nếu chỉ đầu tư nhỏ giọt thì không thể có tác phẩm, chứ đừng nói tác phẩm chất lượng cao hoặc tác phẩm lớn. Hiện nay, cơ chế chính sách thay đổi nên nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước cho việc sản xuất phim gặp nhiều khó khăn, vấn đề này đang mâu thuẫn với chiến lược phát triển ĐAVN. Năm 2025 có một loạt những ngày kỷ niệm lớn, lễ lớn của đất nước, nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ thì sẽ không thể có những tác phẩm có giá trị, tác phẩm đỉnh cao để có thể phục vụ mọi đối tượng công chúng.

PV: ĐAVN đang hướng đến trở thành một nền công nghiệp điện ảnh. Là một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, Hội ĐAVN có những kế hoạch thế nào để thích ứng và tiếp tục phát huy vai trò trong tình hình mới?

PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú: Hiện nay, chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện ảnh tầm nhìn đến năm 2030 đang hỗ trợ khu vực đơn vị sản xuất phim thuộc Nhà nước, đồng thời khuyến khích điện ảnh tư nhân phát triển theo quy luật tự nhiên của kinh tế thị trường. Đây là sự nỗ lực bảo vệ và tiếp tục phát triển hài hòa nền điện ảnh dân tộc trong thể chế kinh tế thị trường và hội nhập. Để song hành với nền công nghiệp điện ảnh, hội đương nhiên phải luôn đổi mới phương thức hoạt động; chú trọng công tác xây dựng và bồi dưỡng, nâng cao tính nghề nghiệp và chuyên nghiệp trong mọi hoạt động và của đội ngũ hội viên; các hoạt động hỗ trợ sáng tác góp phần tạo điều kiện và khích lệ nghệ sĩ, hội viên huy động năng lực sáng tạo để làm nên những tác phẩm chất lượng. Bên cạnh đó, hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh và Trung tâm Dịch vụ phát triển điện ảnh nhằm hỗ trợ các bạn trẻ đam mê điện ảnh có cơ hội tham gia các khóa bồi dưỡng, tiếp cận với các dự án điện ảnh trong nước và quốc tế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)