Bên cạnh công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, thời gian qua, các đơn vị quản lý di tích tích cực đổi mới cách tiếp cận để tăng sức hút cho các di tích CMKC-“địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng.
Nỗ lực bảo vệ, phát huy giá trị di tích
Đến phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) vào một buổi sáng đầu tháng 10, chúng tôi phấn chấn khi đi trên con đường mới dẫn vào Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc. Nếu như trước đây đường chật hẹp, thường đọng nước mỗi khi mưa xuống thì bây giờ, đường rộng rãi, sạch, đẹp hơn. Việc mở đường nằm trong dự án tu bổ, tôn tạo nhà lưu niệm được UBND TP Hà Nội đầu tư vừa hoàn thành cách đây không lâu. Theo đó, nhà lưu niệm được đầu tư mở rộng sân, vườn, phòng trưng bày... tăng tổng diện tích từ 315m2 lên 1.315m2. Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Đặng Quang Hải, Phó chủ tịch UBND phường Vạn Phúc nói: “Thời gian qua, UBND phường Vạn Phúc đã tích cực vận động 18 hộ gia đình giải phóng mặt bằng để phục vụ cho việc tu bổ, tôn tạo di tích. Người dân đều đồng tình ủng hộ và vui mừng khi nhà lưu niệm được mở rộng để xứng tầm với địa điểm từng là nơi Bác Hồ viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.
 |
Du khách tham quan Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc. |
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc là một trong số gần 400 di tích, điểm lưu niệm CMKC trên địa bàn Thủ đô góp phần tái hiện lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Hà Nội. Hầu hết chủ trương, quyết sách có liên quan đến sự tồn vong của dân tộc, của quốc gia, của Đảng và Nhà nước ta đều ra đời ở Hà Nội. Trong đó có thể kể tới những di tích tiêu biểu được đông đảo người dân cả nước biết đến như: Ngôi nhà 5D Hàm Long-nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên trong cả nước; Nhà lưu niệm 90 phố Thợ Nhuộm-nơi đồng chí Trần Phú dự thảo bản Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng; Nhà số 48 Hàng Ngang-nơi Bác Hồ viết bản "Tuyên ngôn Độc lập"; hồ Hữu Tiệp-nơi chiếc máy bay B-52 của đế quốc Mỹ bị bộ đội ta bắn rơi...
Nhận thức rõ những giá trị của các di tích CMKC, những năm qua, các cấp chính quyền và nhân dân Hà Nội đã tích cực bảo tồn, tôn tạo để các di tích CMKC trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ. Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban quản lý di tích-danh thắng Hà Nội cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong việc kiểm kê, đề xuất lên cấp trên các phương án bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích. Đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 49 di tích CMKC đã được xếp hạng, trong đó có 28 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 21 di tích xếp hạng cấp thành phố; 341 địa điểm lưu niệm CMKC, trong đó có 296 địa điểm đã được gắn biển".
Đổi mới phong cách phục vụ để hấp dẫn du khách
Cùng với gần 6.000 di tích văn hóa-lịch sử tại Hà Nội, các di tích CMKC đã và đang làm giàu kho tàng văn hóa truyền thống của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Bởi vậy, việc bảo tồn, phát huy di tích CMKC trong đời sống đương đại là một nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi các đơn vị quản lý không ngừng đổi mới cách tiếp cận để hấp dẫn khách du lịch. Thời gian qua, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã thu hút một lượng du khách lớn nhờ mở các tour trải nghiệm về đêm, trưng bày nhiều chuyên đề theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Ban quản lý Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc đã không ngừng bổ sung các tài liệu, hiện vật, kết hợp với việc ứng dụng số hóa vào quản lý và trưng bày tài liệu, hiện vật. Ban quản lý Nhà số 48 Hàng Ngang đã bảo quản tốt các tư liệu, hiện vật quý giá của dân tộc... Tuy vậy, vẫn còn nhiều di tích CMKC chưa thực sự hấp dẫn, tư liệu trưng bày chưa đầy đủ nên chưa thu hút được khách tham quan. Các tài liệu, hiện vật trưng bày tại nhiều nơi còn khuôn mẫu, không phong phú như các bảo tàng, do vậy chưa thu hút được du khách đến hoặc trở lại thăm di tích.
Để giải quyết thực trạng trên, ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội cho rằng: “Để phát huy các di tích CMKC, các nhà quản lý cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận và lắng nghe ý kiến của du khách để điều chỉnh kịp thời các hình thức phát huy giá trị di tích; cần hỗ trợ công nghệ hiện đại trong việc trưng bày, thuyết minh và tăng cường các hoạt động tương tác, trải nghiệm để thu hút giới trẻ đến với di tích CMKC. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý cần phối hợp với các nhà trường đưa học sinh đến những di tích CMKC để tìm hiểu thực tế, kết hợp với những bài học trong chương trình, từ đó giúp các em hiểu sâu, nhớ lâu hơn về các di tích và lịch sử văn hóa của dân tộc”.
Nhằm thu hút khách đến với hệ thống di tích CMKC trong thời gian tới, ông Nguyễn Doãn Văn cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để tổ chức sưu tầm tài liệu liên quan đến các sự kiện, nhân vật lịch sử; xây dựng video về những di tích tiêu biểu, hoàn chỉnh chương trình thuyết minh, giới thiệu nội dung di tích để bồi dưỡng năng lực hướng dẫn, thuyết minh cho cán bộ cơ sở. Ngoài ra, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế, hội thảo chuyên đề, trò chơi tìm hiểu kiến thức lịch sử cách mạng... cho các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn để tăng tính hấp dẫn cho các "địa chỉ đỏ".
Bài và ảnh: LINH TÂM