Phóng viên (PV): Thưa ông, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có số lượng lớn các di tích cách mạng kháng chiến nằm ở nhiều quận, huyện khác nhau. Ông đánh giá như thế nào về hiện trạng các di tích này?
Ông Trương Minh Tiến: Trong tổng số 5.922 di tích trên địa bàn, Hà Nội có 25 di tích cách mạng kháng chiến được xếp hạng cấp quốc gia, 17 di tích cách mạng kháng chiến cấp thành phố và nhiều di tích cách mạng kháng chiến chưa được xếp hạng. Trong số đó có nhiều di tích quan trọng như: Ngôi nhà số 5D Hàm Long, nơi chi bộ cộng sản đầu tiên của Việt Nam ra đời; Ngôi nhà 90 Thợ Nhuộm nơi đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng viết bản Luận cương cách mạng tư sản dân quyền; Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…
Mặc dù trong thời gian qua, thành phố tập trung tu bổ các di tích này tương đối tốt, nhưng theo thời gian, một số di tích cách mạng kháng chiến hiện nay đã có hiện tượng xuống cấp. Năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, thành phố đã cho tu bổ lại một số di tích bị xuống cấp trên địa bàn như: Nhà bà Hai Vẽ, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ; Ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang; Pháo đài Xuân Canh,… Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, thành phố tiếp tục tập trung tu bổ theo chủ trương phân cấp tới các quận, huyện.
Đại biểu tham quan Nhà lưu niệm Vạn Phúc (Hà Đông) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm việc và viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Ảnh: THU HOÀI.
PV: Trong thời gian tới, ngành văn hóa Thủ đô sẽ có giải pháp gì để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích cách mạng kháng chiến?
Ông Trương Minh Tiến: Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn, UBND TP Hà Nội vừa ký ban hành Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế-xã hội trên địa bàn TP. Trong đó có quy định đầu tư tu bổ các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến do cấp huyện quản lý và các di tích quốc gia đặc biệt khác (nếu có) khi thành phố giao cấp huyện quản lý sau khi được xếp hạng, công nhận; hỗ trợ đầu tư tu bổ các di tích quốc gia do cấp huyện quản lý. Trong thời gian tới, cùng với các di tích lịch sử văn hóa, thành phố sẽ đầu tư, tu bổ, phát huy giá trị các di tích cách mạng kháng chiến quan trọng do thành phố trực tiếp quản lý như: Di tích lưu niệm Vạn Phúc-Hà Đông (nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến"), nhà số 5D Hàm Long, ngôi nhà 90 Thợ Nhuộm, nhà số 48 Hàng Ngang…
Ngoài ra, Sở VHTT tiếp tục tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường kết nối du lịch đưa du khách đến với các di tích có ý nghĩa quan trọng. Sở vừa hoàn thành tu bổ giai đoạn 1 của di tích lưu niệm Vạn Phúc-Hà Đông và tổ chức khánh thành vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến.
PV: Bên cạnh trách nhiệm của ngành văn hóa, theo ông, các cơ quan, đoàn thể cần làm gì để góp phần bảo vệ, phát huy giá trị các di tích cách mạng kháng chiến?
Ông Trương Minh Tiến: Di tích cách mạng kháng chiến là bằng chứng sống lịch sử góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, do đó cần phải có sự tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể. Theo tôi, đối với đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh,… cần tăng cường hơn nữa các buổi sinh hoạt truyền thống tại các điểm di tích. Ngành giáo dục cần chủ động đưa học sinh, sinh viên đến tham quan di tích nhằm giúp các em hiểu sâu hơn ý nghĩa của di tích đó thay vì chỉ học qua sách vở. Chính quyền xã, phường cần tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia quản lý, bảo vệ di tích.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN HOÀI (thực hiện)