Biết bà khó tính nên lũ trẻ chỉ dám hiếng cặp mắt ươn ướt rồi nuốt nước miếng đánh ực tới vườn táo đang rộ, chứ chưa bao giờ dám bước qua cổng, dù cánh cổng tre ấy chưa khi nào thấy khép. Nghe nói, bà luôn ngóng trông người con đi bộ đội bao năm chưa thấy trở về...
Ngõ nhà bà rộng, sâu hun hút với hai hàng duối xanh rì điểm tô những quả vàng ươm mọng nước. Cái thứ quả gỡ xuống, đưa vào miệng là ngọt đến tận ruột, là thức quà tuyệt hảo của lũ nhỏ. Vặt duối ăn chán, chúng chia phe chơi nhảy lò cò, chơi ném dép, bịt mắt bắt dê... Có đứa phát hiện thằng Hảo chơi “ăn gian”. Thằng Hảo luôn là đứa dẫn đầu trong mọi cuộc chơi. Vì nó to con nhất bọn, lại hay nghĩ ra những trò tinh quái nhất khiến đứa nào cũng nể phục. Nhưng cũng có đứa không thích danh xưng “thủ lĩnh” của thằng Hảo, nên luôn tìm cách bắt lỗi cho bằng được, đó là thằng Đại. Lần này, chơi trò trốn tìm, thằng Đại phát hiện đếm đến 50 là thằng Hảo “nhảy cóc” lên 80, 100 luôn, lại còn “ti hí mắt lươn” dòm xem cái Na, thằng Hiệu trốn ở gốc cây duối nào. Vậy là thằng Đại phùng mang, trợn mắt kể tội thằng Hảo. Thằng Hảo cũng không vừa, mặt nó đỏ gay cãi bay cãi biến. Chúng cãi nhau chí chóe. Cuối cùng thì thằng Đại cũng chịu thua, vì miệng nó không to như thằng Hảo được. Nó ấm ức: “Không chơi với chúng mày nữa!” rồi òa khóc chạy về nhà.
 |
Minh họa: LÊ ANH.
|
Thằng Đại đi rồi, thấy mặt mũi cả bọn đứa nào cũng ỉu xìu, thằng Hảo mới nháy mắt: “Có đứa nào thích ăn táo không?”. “Có chứ, nhưng...”. “Không nhưng nhị gì, để tao!”. Nói rồi thằng Hảo phăm phăm chạy lại cổng nhà bà Lan. Nó rón rén đến bên cây táo gần nhất và xăng xái trèo lên. Những đứa còn lại im thin thít, lấp ló ngoài cổng ngóng vào. Thằng Hảo trèo lên tới cành gần nhất, vặt lấy vặt để đút đầy hai túi quần. Nó thì thào: “Chúng mày vào đây đỡ cho tao!”. Cả bọn đùn đẩy nhau chẳng đứa nào dám nhúc nhích. Bỗng có tiếng vọng từ trong nhà: “Ai ở ngoài đấy?”. Cả lũ kêu ré lên, xua nhau ù té chạy. Cũng còn kịp nghe tiếng kêu “Á!” thê thảm của thằng Hảo. Nó bị ngã rồi. Cú ngã ấy khiến thằng Hảo sứt trán, máu chảy thấm ướt mảnh áo nâu của bà Lan khi bà ôm nó đi viện...
Mùa hè năm ấy trôi vụt qua ký ức của tôi. Cha nói sẽ chuyển cả nhà lên thành phố để tôi có điều kiện học hành. Dù không muốn tôi vẫn phải rời quê. Cũng không có nhiều dịp về làng. Thi thoảng có người làng lên thăm nhà tôi kể chuyện: Cũng mùa hè đó, nhà thằng Hảo gặp biến cố lớn. Bố mẹ nó lên miền ngược buôn bán không may bị tai nạn. Nó thành trẻ mồ côi. Rồi trở thành cháu nuôi của bà Lan. Người làng chép miệng: “Thôi thế cũng đành, anh Bảo hy sinh lâu rồi, mà bà ấy đâu có chịu tin! Bây giờ hai bà cháu nương tựa vào nhau sống qua ngày...”. Cha tôi gật gật đầu ra chiều cảm thông lắm.
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, cũng chẳng chờ đợi ai. Mới đó mà đã mấy mươi năm. Tôi theo nghiệp học hành đúng như sự kỳ vọng của mẹ cha. Thi thoảng quáng quàng về thăm quê rồi phải trở lên thành phố ngay vì những kỳ thi, khóa học vẫy gọi. Có lần tôi gặp Na. Na giờ là giáo viên trường làng, có hai con đủ nếp đủ tẻ. Nó kể, Đại thành ông chủ, có cửa hàng buôn bán xe máy to nhất nhì phố huyện. “Còn Hảo, Hảo thì sao?”. “Bà Lan chăm sóc Hảo tới ngày nó thi đỗ Học viện Biên phòng, quyết tâm nối nghiệp chú Bảo. Nó ra trường thì bà mất nên xung phong đi xa lắm, tới vùng biên giới nào đó. Nhà bà giờ để không, hàng duối cũng bị phá lâu rồi...”.
... Chiều nay nhớ Hảo, tôi ghi vội đôi dòng. Biết đâu vì một sự tình cờ nào đó, nơi miền biên viễn xa xôi, Hảo sẽ đọc được những dòng này của tôi. Biết đâu chúng tôi lại có thể trở về ngõ nhỏ năm xưa cùng chơi xu, đánh đáo, cùng chuyện trò để nhớ về tuổi thơ vụng dại đã không bao giờ trở lại... Biết đâu...
Tản văn của PHẠM THU THỦY