Đến xã Tam Hưng, chúng tôi tìm về nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực-vị trạng nguyên đầu tiên của nhà Hậu Lê và được người đời tôn là “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Nhà thờ gồm ba gian, hai gian bên có hai tấm bia đá cổ ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trực. Gian giữa là ngai thờ và tấm bằng công nhận Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia (năm 2011). Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thinh, cháu 18 đời của cụ Nguyễn Trực cho biết: “Ngày 22 tháng Chạp hằng năm là ngày giỗ của cụ Nguyễn Trực nên con cháu các nơi về dâng lễ rất đông. Nhà thờ vừa là chốn đi về của con cháu trong dòng họ, vừa là nơi thăm viếng, tìm hiểu lịch sử và thân thế Trạng nguyên Nguyễn Trực đối với nhân dân cả nước”.

leftcenterrightdel
Một góc quang cảnh chùa Bối Khê. 

Nằm cách nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực chừng vài trăm mét, Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia chùa Bối Khê từ lâu đã trở thành trung tâm văn hóa tâm linh của nhân dân xã Tam Hưng. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về chùa Bối Khê là một không gian sạch, đẹp được các cụ trong làng giữ gìn cẩn thận. Suốt 30 năm qua, cụ Đặng Thị Liên (90 tuổi) thường xuyên đến chùa quét dọn và hỗ trợ khách hành hương. Cụ Đặng Thị Liên tâm sự: “So với trước đây, chùa Bối Khê hiện thay đổi nhiều lắm. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, chùa được trùng tu, tôn tạo với nhiều hạng mục, mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu đến tham quan, tìm hiểu của du khách. Ngoài ra, Ban Quản lý di tích chùa Bối Khê cũng áp dụng công nghệ, trong đó có bố trí mã QR để phục vụ khách tham quan”.

Đúng như lời giới thiệu của cụ Đặng Thị Liên, chỉ cần một thao tác đơn giản quét mã QR, chúng tôi đã phần nào hiểu được niên đại cùng những giá trị lịch sử-văn hóa chứa đựng tại chùa Bối Khê. Theo đó, chùa Bối Khê có từ thời Lý và được xây dựng quy mô vào thời Trần. Chùa Bối Khê thờ Phật và Đức Thánh Nguyễn Bình An. Đặc biệt, chùa Bối Khê còn lưu giữ được kiến trúc độc đáo với những họa tiết chạm khắc tinh xảo; cùng di tích hầm kháng chiến kiểu mẫu được dân làng đào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hợp, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hưng, chúng tôi được biết chùa Bối Khê là trọng tâm trong quy hoạch phát triển du lịch văn hóa của xã. Theo đó, UBND xã Tam Hưng đã trình các cấp chính quyền kế hoạch nâng cấp, tu bổ, tôn tạo các hạng mục của chùa, gồm: Hệ thống tượng La Hán; nhà vong; hầm địa đạo; mở rộng khuôn viên, bãi đỗ xe; quy hoạch địa điểm máy bay B-52 rơi. “UBND xã Tam Hưng đã xây dựng hồ sơ đề nghị xét duyệt “Tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay” có niên đại từ thời Lý trở thành bảo vật quốc gia và đề nghị trên xem xét, công nhận chùa Bối Khê là di tích quốc gia đặc biệt. Chúng tôi hy vọng hai đề nghị trên được thông qua trong năm 2023 cùng với đợt đón bằng công nhận xã nông thôn mới nâng cao của Tam Hưng; góp phần tạo động lực mạnh mẽ để địa phương thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp”, ông Nguyễn Văn Hợp nhấn mạnh. 

Bài và ảnh: HÀ TRƯỞNG