Điều này dự báo Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với PGS, TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học để hiểu thêm về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Đề cương Luật Dân số, trong đó có nội dung về các biện pháp khuyến khích sinh đủ hai con tại các tỉnh có mức sinh thấp. Những quy định đó đã phản ánh điều gì trong xã hội hiện nay, thưa ông?
 |
PGS, TS Trịnh Hòa Bình. |
PGS, TS Trịnh Hòa Bình: Quyết định khuyến khích sinh con thứ hai nằm trong bối cảnh Việt Nam đã nhiều năm thực hiện kế hoạch hóa gia đình, duy trì mức sinh thấp, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con. Việt Nam đã thực hiện việc kiểm soát mức sinh trên bình diện vĩ mô tương đối tốt, nhưng thực tiễn xã hội nảy sinh gia đình Việt Nam hiện đại đang có xu hướng lười sinh con. Xu hướng đó không có lợi trong các động thái dân số.
Mặt khác, dù việc chống bất bình đẳng giới ở Việt Nam có những bước tiến đáng kể nhưng việc thiên vị giới tính vẫn diễn ra, dẫn tới những “lệch lạc” về cơ cấu dân số. Dự báo đến năm 2030-2040, sẽ có gần 3 triệu đàn ông Việt không có cơ hội lập gia đình. Điều đó cho thấy sự phát triển không như mong muốn về cơ cấu số dân, giới tính. Từ đó đặt ra câu chuyện khuyến khích sinh đủ hai con.
PV: Truyền thống của người Việt thích đông con, giờ đây phải khuyến khích sinh con. Vậy tâm lý xã hội đã thay đổi như thế nào, thưa ông?
PGS, TS Trịnh Hòa Bình: Theo tâm lý truyền thống bao nhiêu con bấy nhiêu của. Tuy nhiên, tư tưởng mới nhiều năm nay tác động đến hành vi dân số, quan niệm về sinh con thay đổi khá nhiều. Thực tế xu hướng gia đình hạt nhân, gia đình hai thế hệ mỗi ngày một nhiều hơn. Con cái chủ động tách ra, không sống cùng bố mẹ, nhưng vẫn có xu hướng sống gần để hỗ trợ. Truyền thống dòng họ, gia đình vẫn giữ nguyên giá trị, thậm chí vẫn được tiếp tục khẳng định trong giai đoạn này, nhưng cách nghĩ của chúng ta đã thay đổi. Các gia đình trẻ hiện nay có mối liên hệ lỏng lẻo hơn với gia đình, ngày Tết một bộ phận có xu hướng đi du lịch chứ không sum họp như trước.
Trong bối cảnh mới, chức năng gia đình đang bị suy giảm, đặc biệt chức năng giáo dục. Cha mẹ trẻ có xu hướng phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường để lo mưu sinh kiếm sống, nhiều áp lực đời thường khiến họ không làm tốt chức năng đó. Gia đình Việt Nam hiện đại đang có những vấn đề.
PV: Nhiều nơi khuyến sinh bằng cách thưởng tiền, hỗ trợ mua nhà, theo ông, ngoài khuyến khích vật chất, cần thêm giải pháp cụ thể nào?
PGS, TS Trịnh Hòa Bình: Câu chuyện bao nhiêu tiền thì tạo thành sự hỗ trợ có ý nghĩa chắc chắn sẽ còn phải bàn dài kỳ. Người ta cho rằng 9 triệu đồng tương đương hai tháng lương của một viên chức trung lưu thì không có ý nghĩa gì với cuộc sống của họ, nhưng ý nghĩa nằm nhiều ở chỗ nó như phần thưởng thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với đất nước khi vấn đề dân số, xã hội đang đặt lên một cách gắt gao. Bởi vậy, nên hiểu số tiền đó mang giá trị tôn vinh, biết ơn của cộng đồng đối với một gia đình, cũng như niềm tự hào của mỗi gia đình khi thực hiện trách nhiệm công dân của họ với sự phát triển đất nước.
Vấn đề dân số đang có ảnh hưởng, tác động đến đời sống, kinh tế-xã hội nói chung về mặt lâu dài. Khi xây dựng chiến lược kinh tế-xã hội đều phải dựa vào chỉ số cơ bản của dân cư, sự tăng trưởng kinh tế, môi trường... Để khuyến khích vợ chồng sinh đủ hai con ở vùng có mức sinh thấp, Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội cần hướng tới xây dựng, tổ chức quản lý nguồn lao động phù hợp cho sự phát triển đất nước. Việc hỗ trợ mua nhà ở xã hội, miễn giảm học phí, bảo hiểm y tế... để giảm bớt gánh nặng cho việc nuôi dạy một đứa trẻ cũng là những gợi ý sáng giá.
 |
Vợ chồng sinh đủ hai con là thể hiện trách nhiệm công dân. |
PV: Thưa ông, hệ lụy của giảm sinh, dân số già ảnh hưởng như thế nào tới phát triển kinh tế-xã hội?
PGS, TS Trịnh Hòa Bình: Chúng ta đã đi qua kỷ nguyên dân số vàng, mà ở đó lực lượng lao động chín chắn về mặt tuổi tác, tri thức, kỹ năng lao động... nếu tận dụng tối đa lợi thế này sẽ đẩy nhanh sự phát triển của đất nước. Khi bước sang giai đoạn dân số già hóa, nhìn vào các quốc gia như Nhật Bản hay một số nước châu Âu đang thiếu hụt lao động, họ phải chấp nhận dân nhập cư với chất lượng dân cư thấp. Còn Việt Nam, một khi dân số già, tạo ra nhiều sức ép về các dịch vụ an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ. Một xã hội hài hòa là khi tháp dân số có sự cân đối.
PV: Làm thế nào để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về việc này, thưa ông?
PGS, TS Trịnh Hòa Bình: Việc này nằm trong chương trình truyền thông giáo dục ở tầm vĩ mô, trở thành chính sách, chủ trương chung của đất nước, có sự lồng ghép vào hàng loạt chính sách kinh tế-xã hội khác của đất nước. Có nghĩa truyền thông tinh tế và khéo léo hơn chứ không phải là công việc của một bộ chủ quản hay cơ quan chuyên môn nào đó. Như vậy mới kích hoạt niềm tự hào, ý thức của mỗi cá nhân, gia đình với xã hội... không phải là truyền thông theo chiến dịch để khi kết thúc mọi cái không còn nữa.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
THU HÀ (thực hiện)