Điều này cho thấy một thực trạng của hoạt động khai thác, kinh doanh âm nhạc trên internet có nhiều vấn đề bất cập.
Cách đây không lâu, ca sĩ Lan Anh bị Công ty BH Media gắn “gậy” bản quyền với bài hát mà chị là người đầu tư sản xuất 100% và đã hoàn thành phần thanh toán tác quyền khi xuất bản album truyền thống, nữ nghệ sĩ quyết định xây dựng và phát triển kênh YouTube cho riêng mình. Có một điều lạ, toàn bộ album của Lan Anh đã phát hành trước đó nhiều năm khi đẩy lên hạ tầng số thì bị tranh chấp tác quyền. Lúc ấy Lan Anh cũng rất bức xúc và chọn cách giải quyết theo hướng tự thỏa thuận với Công ty BH Media. Nhưng sự việc không như mong muốn của ca sĩ Lan Anh, bởi sau đó sản phẩm của chị còn bị đính thêm nhiều “gậy” nữa.
 |
Bản chứng nhận sở hữu trí tuệ tác phẩm “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ Giáng Son. |
Tại sao lại có những đơn vị mà chính người sở hữu bản thu âm không biết hoặc chưa từng làm việc đi nhận về quyền sở hữu và gắn “gậy” ngược, biến những người sở hữu hợp pháp thành người vi phạm? Thực ra đây là một câu chuyện tồn tại lâu nay trong lĩnh vực xuất bản âm nhạc.
Trở lại trường hợp nhạc sĩ Giáng Son và ca sĩ Lan Anh đề cập trên đây. Với Lan Anh, chị là một nghệ sĩ biểu diễn, chọn những tác phẩm mà chị yêu thích để sản xuất và phát hành trong các album âm nhạc. Như vậy, Lan Anh không phải chủ sở hữu tác phẩm mà chị chọn thể hiện. Để được thể hiện hợp pháp, chị đã mua bản quyền từ tác giả hoặc người đại diện hợp pháp của tác giả. Trong khi đó, bên cạnh bài hát nằm trên một văn bản bằng giấy thì toàn bộ các khâu còn lại Lan Anh phải thực hiện. Từ hòa âm phối khí cho đến thu âm và thể hiện. Mỗi một khâu vừa kể ra đều có liên quan đến tác quyền và vì thế, muốn được sở hữu lâu dài bản nhạc hòa âm chị phải thỏa thuận và trả một khoản lương tương ứng với thỏa thuận đó.
Nhưng ngay cả khi đã trả các khoản kinh phí như vậy, Lan Anh cũng không phải là chủ sở hữu 100% tác phẩm, mà chị chỉ là chủ sở hữu của bản thu âm đó mà thôi. Trường hợp Lan Anh muốn khai thác sang một chương trình, hoạt động khác thì chị hoặc người tổ chức cho chị phải thực hiện nghĩa vụ với tác giả. Nói như vậy có nghĩa quyền tác giả của tác phẩm luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng các quyền còn lại cũng không kém phần quan trọng. Phải chăng, trong trường hợp của ca sĩ Lan Anh, đơn vị gắn “gậy” đã có sự thỏa thuận, ủy quyền của chủ sở hữu tác phẩm, đó là tác giả ca khúc. Tuy nhiên, xin nhấn mạnh, chỉ duy nhất chủ sở hữu tác phẩm mới có quyền gắn “gậy” đối với trường hợp của ca sĩ Lan Anh. Bởi vì, ngoài tác giả ca khúc ra thì toàn bộ những quyền còn lại đều thuộc sở hữu của Lan Anh. Trong khi đó, với Giáng Son, việc đánh thẻ bản quyền có thể nhìn thấy rõ ngay sự liều lĩnh của nơi gắn “gậy”. Tác phẩm và bản thu âm do chính nữ nhạc sĩ là chủ sở hữu 100%.
Chuyện xác nhận chủ sở hữu tác phẩm trên không gian mạng đang diễn ra với nhiều nhạc sĩ khác như: Ngọc Khuê, Minh Châu, Lã Văn Cường, Nguyễn Vĩnh Tiến... Các nhạc sĩ từng rơi vào tình huống dở khóc dở cười khi không đăng tải được sản phẩm của mình lên YouTube vì đã có đơn vị khác đăng ký bản quyền mà không hay biết. Điều đó cho thấy một thực tại không minh bạch trong việc khai thác nguồn lợi ích trên không gian mạng.
Xử lý lùm xùm việc nhạc sĩ Giáng Son tố bị gắn “gậy” ngược, BH Media đã tổ chức một cuộc họp báo. Nội dung thông tin hướng tới việc các nhạc sĩ, chủ sở hữu chưa hiểu rõ về quyền bản quyền trên mạng nên dẫn tới hiểu nhầm. Và chính thông tin này như một mồi lửa, thổi bùng thêm sự bức xúc của chính tác giả cũng như giới nhạc sĩ, nghệ sĩ những ngày qua.
Phải nói thẳng, cho dù BH Media có giải thích thế nào thì vẫn chỉ có một kết quả duy nhất, công ty này vi phạm về bản quyền. Tại sao vậy? Bởi vì dù viện dẫn lý do ký kết với Hồ Gươm Audio thì đó là do hai công ty với nhau, trong khi nữ nhạc sĩ và công luận chỉ biết nơi gắn “gậy” bản quyền là BH Media. Thực tế, giữa BH Media với nhạc sĩ chưa có bất cứ thỏa thuận nào, mọi khai thác của BH Media liên quan đến bản thu âm “Giấc mơ trưa” bằng đàn nhị của một nữ nghệ sĩ khác thể hiện việc chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm. Vì thế, bản thu âm đó và BH Media mới là đối tượng vi phạm về bản quyền tác giả.
Cho nên, trong sự việc này, cách giải quyết khôn khéo và giữ được uy tín nhất chính là nhận sai và cam kết rà soát lại hoạt động, các ký kết và minh bạch trong khai thác bản quyền, thực hiện đầy đủ quyền lợi của những người liên quan. Giải quyết vấn đề này không quá phức tạp nhưng cần có lộ trình. Cần luật hóa các quy định trong xuất bản âm nhạc trên hạ tầng số phù hợp với thực tiễn. Phải có các chế tài đủ mạnh để làm hành lang dẫn đường cũng như cảnh báo mức độ an toàn hay không. Cần nghiên cứu cách quản lý hiệu quả nhất có thể đối với hình thức giới thiệu, quảng bá, khai thác tác phẩm âm nhạc trên hạ tầng số.
Ngày 28-10 vừa qua, Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), đơn vị được nhạc sĩ Giáng Son ủy quyền giải quyết vụ việc, cho rằng, BH Media có những sai sót nghiêm trọng, ảnh hưởng tới các tác giả âm nhạc là thành viên của trung tâm, đồng thời không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam. |
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc NGUYỄN QUANG LONG