Đó là trao đổi của nhạc sĩ Giáng Son với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử sáng 30-10.

Bài hát nổi tiếng “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ Giáng Son được rất nhiều người yêu nhạc Việt yêu thích và còn thuộc cả lời ca, giai điệu. Tuy nhiên, gần đây, nhạc sĩ Giáng Son gặp phải tình huống trớ trêu khiến nữ nhạc sĩ vô cùng bức xúc, đó là bị “tố” bản quyền ca khúc này khi đăng tải lên kênh youtube cá nhân. Bài hát bị yêu cầu xác nhận chủ sở hữu từ Công ty BHMedia.

Bài hát của nhạc sĩ Giáng Son khi đăng kênh youtube lại nhận được thông báo xác nhận quyền sở hữu với lý do là bởi bài hát giống với bản đàn nhị “Giấc mơ trưa” do BHMedia sở hữu từ trước đó. Bản đàn nhị do nghệ sĩ Dương Thùy Anh thể hiện.

Chẳng lẽ người sáng tác bài hát lại phải đi chứng minh bài hát đó là của mình từ một đơn vị khác mà nữ nhạc sĩ chưa từng biết.

Được biết, trước đó, vào ngày 28-10, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (Trung tâm) đã có thông báo gửi các cơ quan thông tấn báo chí.

Thông báo nêu rõ: Trung tâm nhận được thông cáo báo chí tại cuộc họp báo ngày 27-10-2021 do Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ truyền thông Bihaco (BHMedia) tổ chức, nội dung thông cáo có nhiều sai sót nghiêm trọng ảnh hưởng tới các tác giả âm nhạc là thành viên Trung tâm, đồng thời không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Nhạc sĩ Giáng Son. Ảnh: Facebook nhạc sĩ

Theo Trung tâm, từ đầu đến cuối thông cáo luôn sử dụng những thuật ngữ không được quy định trong Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam là “bản quyền”, “quyền bản ghi” gây hiểu lầm cho người đọc, trong khi mục đích cuộc họp báo là để tránh hiểu lầm trong sự việc nhạc sĩ Giáng Son sử dụng tác phẩm và bản ghi âm ghi hình của chính mình trên youtube nhưng bị BHMedia xác nhận chủ sở hữu.

Theo quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (LSHTT), chỉ có “quyền tác giả” và “quyền liên quan”, trong đó “Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa” (khoản 2 Điều 4 LSHTT).

Trong mọi trường hợp, quyền liên quan chỉ được bảo hộ “với điều kiện không gây phương hại đến quyền tác giả” (khoản 4, Điều 17 LSHTT). Việc BHMedia xác nhận mình là “chủ sở hữu bản quyền” đối với bản ghi âm ghi hình do chính tác giả gốc sản xuất chắc chắn là hành vi gây phương hại đến quyền tác giả, không hề có hiểu lầm trong sự việc này. Chính vì nhận thức rõ hành vi nên BHMedia đã ngay lập tức phải gỡ bỏ xác nhận chủ sở hữu ngay khi nhạc sĩ Giáng Son lên tiếng trên các phương tiện truyền thông.

Việc BHMedia cho rằng trên youtube có nhiều bản ghi “Giấc mơ trưa” của nhiều chủ sở hữu khác nữa. Trong khi thực tế, tác giả Giáng Son chưa từng chuyển nhượng, bán độc quyền tác phẩm này cho ai cũng hoàn toàn sai so với quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể quyền liên quan chỉ phát sinh “kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả” (khoản 2 Điều 6 LSHTT). Ngoài nhạc sĩ Giáng Son hoặc người được nữ nhạc sĩ này ủy quyền, không có bất cứ cá nhân hay tổ chức nào có quyền chủ sở hữu đối với tác phẩm hoặc bản ghi âm ghi hình tác phẩm “Giấc mơ trưa”.

Hơn nữa, khi giải thích những hiểu lầm về quyền tác giả, quyền bản ghi, BHMedia tiếp tục không sử dụng những quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ, tự nghĩ ra một khái niệm quyền tác giả chỉ gồm vài từ trong khi LSHTT đã dành tới 3 Điều 18, 19, 20 chỉ để quy định về khái niệm “quyền tác giả”.

BHMedia cho rằng nhiều nghệ sĩ chưa hiểu chính xác “Có nhạc sĩ nghĩ mình là người tạo ra tác phẩm đó nên có quyền 100% đối với những bản ghi âm ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình” là sai bởi những nhạc sĩ vừa sáng tác, vừa đầu tư sản xuất ra bản ghi âm, ghi hình tác phẩm của mình như nhạc sĩ Giáng Son thì sẽ có 100% quyền tác giả và 100% quyền liên quan đến quyền tác giả.

Theo nhạc sĩ Giáng Son, nữ nhạc sĩ là người làm trong nghề nên quá hiểu vấn đề bản quyền.

“Tôi không muốn có sự giống nhau trong CD đầu tay của mình nên khi chuẩn bị phát hành CD thì ca khúc “Giấc mơ trưa” đã nổi tiếng. Vì thế, trong quá trình thực hiện bài hát, tôi đều phối mới hoàn toàn. Rõ ràng ngay từ đầu tôi đã rất cẩn thận và chỉ dùng cái gì là 100% quyền tác giả của tôi và quyền liên quan đến tôi, đó là các quyền phối khí, thu âm, ca sĩ, phát hành, sản xuất. Sau đó đương nhiên, tôi đi đăng ký bản quyền”, nhạc sĩ Giáng Son khẳng định.

“Khi sự việc ca khúc của mình bị mất bản quyền, tôi đã đặt ra nhiều câu hỏi và tự tìm nguyên nhân, tìm hiểu sự việc… Tôi phải hỏi lại rõ những quy định của youtube ra sao, rồi làm việc với Trung tâm bản quyền, viết đơn, gửi đơn… nói chung là rất nhiều việc. Điều này mất rất nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người làm nghệ thuật”. Có thông tin nói rằng tôi nhầm nên tôi càng thấy bức xúc hơn. Tôi không thể nhầm và tôi hoàn toàn hiểu những quyền tác giả của mình”, nhạc sĩ Giáng Son cho biết.

Hiện nay, nhạc sĩ Giáng Son cho biết, chị đã làm việc với luật sư của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và đang chờ kết quả chính thức về sự việc ca khúc “Giấc mơ trưa” bị mất bản quyền.

Qua sự việc này cũng là bài học về vấn đề bản quyền âm nhạc đối với những người làm công việc sáng tạo nghệ thuật. Sự việc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nghệ sĩ và người làm nghệ thuật.

GIA KHÁNH