Sân khấu một thời từng có những vở diễn gây tiếng vang           

Trong quá trình hình thành và phát triển, sân khấu truyền thống lấy tính “giáo huấn” làm trung tâm. Thông qua tích truyện, trò diễn để chuyển tải tới người xem bài học về những tấm gương. Tấm gương tốt để mọi người noi theo, những biểu hiện xấu để mọi người xa lánh. Trong nghệ thuật tuồng lấy chữ “trung” làm đầu, điển hình như nhân vật Linh Tá trong vở tuồng “Sơn Hậu” (vở tuồng kinh điển của Việt Nam ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ 18), vì cứu chúa, cứu bạn, Linh Tá một mình ở lại ngăn quân giặc để bạn mình là Kim Lân bồng ấu chúa lánh nạn. Nhưng vì thế cô, lực mỏng Linh Tá bị giặc chém rơi đầu, chàng đã nhặt đầu lên hóa thành ngọn đuốc để đưa bạn qua đèo lánh nạn trong đêm tối. Tấm gương vì nghĩa quên mình của Linh Tá trong vở tuồng “Sơn Hậu” còn in đậm trong tâm trí người xem. Trong nghệ thuật chèo lại lấy “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” làm cơ sở hành động trong mối quan hệ ứng xử. Người xem luôn nhắc đến hình tượng nàng Châu Long trong vở chèo “Lưu Bình-Dương Lễ” tự nguyện thay chồng đi nuôi bạn là Lưu Bình ăn học, nhưng vẫn giữ sự thủy chung trong sáng tuyệt đẹp với chồng.

   Cảnh trong vở chèo "Mật chỉ giữa hoàng cung" của Nhà hát Chèo Quân đội.Ảnh: CHÂU XUYÊN               

Trong thời kỳ cách mạng, đề tài lịch sử là mảnh đất màu mỡ của sân khấu truyền thống. Những tác phẩm về đề tài lịch sử bao giờ cũng có sức truyền cảm, có tác động trực tiếp đến người xem về lòng tự hào chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Nhiều tác giả đã có công đóng góp cho mảng đề tài này được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trên lĩnh vực sân khấu như: Tác giả Tào Mạt với “Bài ca giữ nước”; tác giả Tống Phước Phổ với “An Tư công chúa”, “Lam Sơn khởi nghĩa”; tác giả Thế Lữ với “Đề Thám”... Chiến tranh cách mạng là hiện thực sống động của một thời kỳ hào hùng, song cũng không ít những bi thương. Nhiều tác phẩm sân khấu phản ánh được tầm vóc chiến thắng của dân tộc với góc nhìn đa chiều, đa diện, sâu sắc. Góp phần vào những thành tích này phải kể đến những tác phẩm sân khấu được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh như: “Chị Nhàn”, “Đại đội trưởng của tôi” của tác giả Đào Hồng Cẩm; “Chị Hòa”, “Một đảng viên” của tác giả Học Phi; “Nguyễn Văn Trỗi” của tác giả Trần Hữu Trang...

Trước thời kỳ đổi mới, những tác phẩm phản ánh đề tài xã hội bao giờ cũng được công chúng quan tâm. Nhiều tác phẩm sân khấu có tính dự báo được yêu thích đã tác động tới đời sống tinh thần xã hội. Hiện tượng Lưu Quang Vũ trong đời sống sân khấu lúc bấy giờ là một điển hình và nhiều tác giả có thành tích xuất sắc cống hiến cho sự nghiệp phát triển được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT trên lĩnh vực sân khấu.

Có được những tác phẩm sân khấu giá trị cao, thu hút khán giả, đó là sân khấu đã tích cực thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “VHNT cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Để khẳng định giá trị nghệ thuật các nghệ sĩ sân khấu đã vươn ra tiếp cận hầu hết ở các lĩnh vực, đề tài cần thiết và có lúc còn đi tiên phong so với một số loại hình VHNT khác. Nhiều tác phẩm nghệ thuật sân khấu qua các thời kỳ đã gây được tiếng vang, tạo dư luận cho đông đảo người xem, góp phần làm nên những sự kiện văn hóa. Điển hình như Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1985 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, khán giả và báo chí tại đây đã mệnh danh 5 vở kịch: “Nhân danh công lý”, “Tôi và chúng ta”, “Nhân chứng và lịch sử”, “Mùa hè ở biển”, “Đỉnh cao mơ ước” là 5 “chiếc xe tăng” tiến vào chinh phục khán giả phía Nam về mặt trận văn hóa.

Về nghệ thuật, với ngôn ngữ đối thoại khúc chiết, câu chuyện mạch lạc, rõ ràng, nhiều tác phẩm sân khấu xây dựng được nhân vật trung tâm, tạo mâu thuẫn xung đột đề cao cái thiện, cái cao thượng; phê phán cái ác, cái thấp hèn. Trong cấu trúc kịch bản sân khấu đã tập trung xây dựng được những nhân vật điển hình. NTSK có câu: “Có tích mới dịch nên trò”, trò diễn chính là mảnh đất màu mỡ cho các nghệ sĩ phô diễn "thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần". Đây là những thành tố cơ bản để các nghệ sĩ rèn luyện, tìm tòi sáng tạo, xây dựng nên các trình thức nghệ thuật, góp phần khắc họa hình tượng nhân vật, phấn đấu đưa nền NTSK vươn tới giá trị chân-thiện-mỹ.

Thời nay vẫn thiếu những tác phẩm tạo sức hút lớn đối với khán giả       

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều văn nghệ sĩ cao tuổi vẫn tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp sáng tạo; lớp nghệ sĩ trẻ có nhiều cố gắng tìm tòi cái mới, năng động, tự chủ. Trong cơ chế thị trường, đề tài sáng tác được mở rộng nên các tác giả có nhiều hướng tiếp cận mới. Những giá trị cơ bản của NTSK vẫn được gìn giữ, phát huy trong thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhưng VHNT (trong đó có NTSK) thời gian qua còn bộc lộ một số yếu kém, khuyết điểm như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đánh giá: “Trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá các tác phẩm VHNT còn không ít tác phẩm và hoạt động chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc. Số lượng tác phẩm ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật;... có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí”.

Trong Hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức cuối tháng 11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét: “Thiếu những tác phẩm văn hóa, VHNT lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người”.

Hướng tới những tác phẩm sân khấu đỉnh cao, phản ánh dòng chính của thời đại, xã hội   

Sân khấu là một trong những loại hình nghệ thuật có tính tương tác, gần gũi nhất với công chúng. Khi cảm thụ, thưởng thức tác phẩm NTSK, công chúng được cảm nhận trực tiếp cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài bằng trực giác sống động. Khán giả đến với sân khấu được bình xét, giao lưu thông qua “dàn đế”, tiếng “trống chầu”-hình thức độc đáo mà chỉ có ở NTSK truyền thống Việt Nam. Một nền nghệ thuật cách mạng phát triển không thể thiếu những tác phẩm sân khấu phản ánh dòng chảy chính của thời đại và xã hội. Do vậy, để có những tác phẩm sân khấu tầm cỡ, tạo sức hấp dẫn, sức lan tỏa đối với công chúng, đội ngũ văn nghệ sĩ trên lĩnh vực sân khấu và các cơ quan chức năng nên xem xét, quan tâm tới một số giải pháp như sau:

Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cần tăng cường, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, các tác giả tổ chức đi thực tế cơ sở để bám sát đời sống thực tiễn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để sáng tác nhiều kịch bản có chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân.

Cơ quan chức năng, bộ chủ quản rà soát lại quy chế các cuộc liên hoan nghệ thuật về đánh giá chất lượng nghệ thuật, tránh loạn chuẩn vì bệnh chạy theo thành tích.

Tăng cường công tác đào tạo đội ngũ tác giả, thành phần sáng tạo bằng cơ chế đặc thù nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của đời sống xã hội. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ”. Để tự do sáng tác như thế nào thì các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa phải xây dựng chính sách cụ thể hơn, gạt bỏ những thứ mơ hồ (nêu rõ cái gì được và cái gì không) để văn nghệ sĩ yên tâm sáng tác. Hiện nay, nhiều vấn đề mơ hồ, khiến người sáng tạo chưa mạnh dạn nói những mặt trái của đời sống, góp phần tác động đến sự phát triển xã hội.

Tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu theo các chủ đề. Những kịch bản có chất lượng, được giải thưởng cao, các cơ quan chức năng nên tổ chức đấu thầu dàn dựng; đầu tư hệ thống rạp hát quảng bá, phục vụ nhân dân; đào tạo khán giả bằng các biện pháp như giới thiệu sân khấu vào trường học, tổ chức các câu lạc bộ yêu sân khấu... Ngoài đầu tư cho sáng tác, cần tổ chức các lớp tập huấn cho diễn viên trẻ để nâng cao trình độ về biểu diễn-đài từ-hình thể...

Đẩy mạnh đầu tư chế độ cho đội ngũ lý luận phê bình, có cơ chế, chính sách để tránh tình trạng khen chê thiếu tính chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ sân khấu cần được gửi đi học tập tại các nước phát triển để tiếp nối thế hệ tài năng cho văn học nghệ thuật.

Trong thời kỳ bùng nổ thông tin, có sự cạnh tranh gay gắt về văn hóa trên mạng xã hội, Nhà nước cần xây dựng kênh thông tin để giới thiệu VHNT cho mọi đối tượng xã hội trong thời đại 4.0.

Hy vọng trong thời gian tới, sân khấu Việt Nam sẽ sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng văn hóa con người Việt Nam phát triển và hội nhập.

Nghệ sĩ Nhân dân LÊ TIẾN THỌ, Nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam