Trong bài ông bày tỏ ước mong: “Mỗi giới, mỗi tuổi sẽ có những bài đàn, bài hát hợp với tuổi, với giới đó. Các nhà soạn nhạc sẽ chịu khó học Âu nhạc để mở rộng đường cho tác phẩm, giàu màu sắc đất nước... Âm nhạc Việt Nam sẽ biểu diễn khắp năm châu. Ngay ở kinh đô đất nước này một nhạc sĩ độc tấu cây đàn bầu. Mai ở thành thị khác một nhạc sĩ Việt Nam nữa dạo tấu một bản giao hưởng”.
Một thế hệ nhạc sĩ tài năng với những tác phẩm để đời
Còn nhớ, đầu thế kỷ 20, những nghệ sĩ Việt Nam đã “mang chuông đi đánh đất người” ở Paris nhân một kỳ hội chợ. Nhạc tuồng Việt Nam đã khiến nhà soạn nhạc Pháp thời hiện đại C.Debussy phải trầm trồ tán thưởng. Âm nhạc cung đình Huế cũng khiến cho dân “kinh đô ánh sáng” phải thốt lên kinh ngạc. Đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhạc phẩm Việt Nam đầu tiên vang lên trang nghiêm trên đất Pháp chính là Quốc ca Việt Nam của nhạc sĩ Văn Cao trong dịp Hội nghị Fontainebleau, và đặc biệt khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp cùng thời điểm ấy.
Cũng trang trọng như thế, sau khi Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đặt quan hệ ngoại giao với nước ta, thì bản Quốc ca của Việt Nam luôn là nghi lễ đón tiếp các phái đoàn ta sang thăm các nước khác. Nhờ các cuộc festival sinh viên-thanh niên thế giới, các nhạc phẩm Việt Nam đã được nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn ở nhiều nước. Những tầm vóc đã được hình thành dần qua chiến tranh chống Pháp.
 |
Hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi” tôn vinh âm nhạc hàn lâm Việt Nam. Ảnh: ANH DŨNG |
Đầu tiên phải được kể đến là trường ca Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi-tác giả của Diệt phát xít đã trở thành nhạc mở đầu chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chứng kiến cuộc chiến đấu của quân dân ta trong chiến dịch cầm chân địch ngay trên phố phường Hà Nội, khi ra vùng ngoài chiến sự, từ sự gợi ý cho một nhạc phẩm in trên Báo Độc lập số Tết Đinh Hợi 1947, lại có cơ duyên gặp được cây đàn dương cầm do một người tản cư mang từ Hà Nội ra và để nhờ tại nhà một người dân mà họ đang dừng chân, Nguyễn Đình Thi đã xúc động hồi nhớ lại những ngày đầu Hà Nội chiến đấu. Và trường ca Người Hà Nội đã ra đời đúng mùa xuân đầu tiên của trường kỳ kháng chiến.
Sau Chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947, Văn Cao từ Lào Cai về khi thực hiện xong nhiệm vụ an ninh mở quán “Biên Thùy” để thu nhập tin tức nơi biên giới. Nhạc sĩ đã được chỉ huy pháo binh Doãn Tuế đưa đi dọc sông Lô còn những đám cháy âm ỉ của trận chiến đánh chìm tàu giặc. Giữa mùa đông rét mướt của núi rừng Việt Bắc, khoác trên mình tấm chăn dọc, nhạc sĩ đã tìm được cảm hứng để cho ra đời Trường ca sông Lô bất tử. Ngày nhạc sĩ Hoàng Việt sang du học ở Nhạc viện Sofia (Bulgaria), ông đã hát trường ca này để được hội đồng thẩm định cho vào học khoa sáng tác của nhạc viện. Cũng thời gian ấy, bản vasle Làng tôi của Văn Cao được dịch ra tiếng Nga, lan truyền khắp các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.
Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác sau khi trụ bám chiến lũy Hà Nội và thúc giục đồng đội bằng các hành khúc: Mơ đời chiến sĩ, Thủ đô huyết thệ (thơ Trịnh Ngọc Báu), thì cùng Trung đoàn Thủ Đô rút lên Việt Bắc, bắt đầu cuộc trường chinh trong trường kỳ kháng chiến. Cảm hứng về sự dấn thân của trung đoàn, nhạc sĩ đã viết Trường chinh ca (lời Lê Minh) và Lô giang cùng thời với Văn Cao, là hai hợp xướng gây xúc động lòng người.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận khi rong ruổi dọc bờ sông Thao phía bên Hạc Trì (Phú Thọ) đã gặp những nữ du kích trẻ trung, xinh đẹp chèo thuyền đưa đoàn quân đi. Cảm hứng về cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh của dân tộc với sự dấn thân của cả những cô gái quê hiền lành đã khiến ông viết ra hợp xướng Du kích sông Thao. Các hợp xướng nói trên tạo lập đỉnh cao âm nhạc của thời chống Pháp, cũng chính Đỗ Nhuận là người góp vào dòng hành khúc thế giới một dòng suối hành khúc Việt Nam thuần khiết với những: Hành quân xa, Trên đồi Him Lam và Chiến thắng Điện Biên độc đáo.
"Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" với các bản hợp xướng ở Chiến khu Việt Bắc là bản trường ca Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương viết về cuộc chiến đấu ở Bình Trị Thiên. Điều đáng nói là trong nhạc phẩm này, Nguyễn Văn Thương đã đưa âm hưởng dân ca miền Trung vào giai điệu của mình rất ngọt ngào và da diết. Bên cạnh đó là Bộ đội về làng của Lê Yên, phổ thơ Hoàng Trung Thông, mang âm hưởng dân ca rất nhuần nhuyễn. Còn Nguyễn Xuân Khoát thì khép lại thời chiến tranh và mở ra thời hòa bình bằng hợp xướng Ta đi tới phổ thơ Tố Hữu cùng những ước mơ về sự phát triển của âm nhạc nước nhà.
Hòa bình ở miền Bắc đã đưa không khí rạo rực của chiến thắng vào phong trào hát hợp xướng ở các tỉnh lớn, các trường đại học và trung cấp dào dạt những làn sóng của dàn đồng ca. Họ hát để tiếp tục vinh danh các hợp xướng thời chống Pháp và lại mê mải với những bản hợp xướng mới như Sóng cửa Tùng của Doãn Nho, Miền Nam anh dũng và bất khuất của Phạm Tuyên. Khi dàn nhạc giao hưởng được thành lập, trong chương trình biểu diễn của họ có các tác phẩm giao hưởng: Thành đồng Tổ quốc của Hoàng Vân, Quê hương của Hoàng Việt... Đây là những tác phẩm được sáng tác trong thời gian các nhạc sĩ du học ở các nhạc viện và biểu diễn tại lễ tốt nghiệp, được dàn nhạc giao hưởng nước ngoài trình tấu trước khi vang lên ở Việt Nam.
Hừng hực khí thế chống Mỹ, cứu nước, từ ca khúc đến hợp xướng, từ các tiểu phẩm khí nhạc đến giao hưởng..., Việt Nam có một nền âm nhạc kháng chiến độc đáo, khiến thế giới phải khâm phục. Miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn độc lập khiến cho lòng người được giải phóng thực sự khi đón xem các chương trình biểu diễn nhạc kịch, giao hưởng do “binh đoàn âm nhạc” từ Bắc mang vào các nhà hát phía Nam khoảng một tháng sau ngày 30-4-1975.
Âm nhạc thời đổi mới có những dấu ấn mới
Âm nhạc bác học có nguy cơ chìm xuống do thiếu kinh phí hoạt động sau ngày thống nhất đất nước. Rồi tiếp nhận dàn nhạc điện tử cùng dòng nhạc nhẹ ra sao cũng đầy lúng túng. Rất may là mùa thu 1980, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn giành giải nhất Cuộc thi piano quốc tế Chopin với tư cách là nghệ sĩ châu Á đầu tiên đoạt giải, đã phần nào khiến thiết chế phải nhìn nhận lại việc chăm chút để tạo dựng những đỉnh cao âm nhạc thời kỳ mới. Và quả nhiên, khi đã “cùng tắc biến” thì thời mở cửa đã hướng dân tộc tới một tương lai thực tế hơn những ảo tưởng cũ. Thời mở cửa cũng là thời hồi sinh âm nhạc hàn lâm sau nhiều năm tháng lao đao. Đấy là thời giao hòa giữa thế hệ âm nhạc đã định hình qua thời gian với thế hệ âm nhạc bắt đầu độ chín.
Ngay từ đầu những năm đổi mới, sự xuất hiện của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân với bản Rhapsodie Việt Nam đã tạo dựng nên một đỉnh cao âm nhạc cho thời kỳ mới. Rhapsodie Việt Nam luôn mở đầu cho những chương trình của học trò thầy A.Leman tại Học viện Âm nhạc quốc gia Moscow mang tên Tchaikovsky. Năng lực sáng tạo của nhạc sĩ này hừng hực qua năm tháng với những fantasia-symphony Mỏ đất, Trổ một từ chất liệu chèo cho dàn nhạc giao hưởng. Tác phẩm âm nhạc của Đỗ Hồng Quân đã được biểu diễn tại nhiều nước Pháp, Nga, Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore... và xuất bản tại Nga và Mỹ. Gần đây nhất là concesto cho đàn bầu và dàn nhạc tham gia festival âm nhạc ở Colombia. Bên cạnh khí nhạc, Đỗ Hồng Quân còn viết kịch hát và đặc biệt là nhạc kịch Lá đỏ tôn vinh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đấy là một sự nghiệp đỉnh cao tiếp bước thế hệ cha anh. Song hành với Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc có cùng thời gian tu nghiệp nâng cao ở Nhạc viện Paris. Tác phẩm Ngày hội của anh đã được biểu diễn ở nhiều nước; nhạc phim của anh đoạt giải Kim Tước ở Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải 2005. Nhạc sĩ Võ Đăng Tín cũng có tác phẩm giao hưởng được dàn nhạc Nhật Bản và dàn nhạc Boston (Mỹ) trình tấu nhiều lần. Là một cậu bé của Phong trào Đồng khởi Bến Tre, kỷ niệm về những năm tháng ấy, bản thơ giao hưởng Ký ức Đồng khởi của anh đã được biểu diễn ở Nhật Bản và nhất là ở Mỹ.
Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân đã khởi đầu cuộc chinh phục âm nhạc của thế hệ từ 7X trở đi. Nếu người thầy của anh là nhạc sĩ Trần Trọng Hùng có giao hưởng thơ Trở về Điện Biên được trình tấu ở Cộng hòa Liên bang Đức, thì Vũ Nhật Tân đã tiếp bước bằng giải nhất Cuộc thi sáng tác Saint-Germain-en-Laye tại Pháp với tác phẩm Ký ức năm 1995 với thiên hướng đi theo nhạc đương đại. Vũ Nhật Tân đã học soạn nhạc điện tử với thầy Cenrence Albertson Barlon và nhạc đương đại tại trường Cologne (Liên bang Đức) và tiếp tục tại trường San Diego (Mỹ). Từ đấy anh trở về với tâm niệm đưa âm hưởng dân tộc vào nhạc đương đại qua nhiều tác phẩm như: Nhịp đơn, nhịp kép; Áo đơn áo kép... gần đây nhất là tác phẩm Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ. Các tác phẩm đều được biểu diễn ở Nhật Bản, Mông Cổ, Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Mỹ. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng với các bản giao hưởng số 1, số 2 và các tác phẩm Một nửa cõi trầm, Cánh diều xanh vang lên ở nhiều nước trên thế giới.
Tiếp tục chinh phục những tác phẩm âm nhạc đỉnh cao
Vậy tác phẩm âm nhạc đỉnh cao của Việt Nam có hay chưa? Thực tế chúng ta đã có. Tuy nhiên chúng ta lại chưa nghĩ đó là đỉnh cao. Chỉ cần một Nguyễn Thiên Đạo có tên trong hai từ điển Le Petit Larousse, Le Petit Robert, hay một Đặng Thái Sơn-người thầy đào tạo ra các nghệ sĩ quốc tế, là thế giới đã biết đến Việt Nam. Cứ nghe những Rhapsodie Việt Nam của Đỗ Hồng Quân, Ký ức Đồng khởi của Võ Đăng Tín, Ngày hội của Đặng Hữu Phúc, Thăng Long của Đàm Linh... là đã nhìn thấy truyền thống đánh giặc ngoại xâm, lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam thì đấy đã là những đỉnh cao, cổ vũ con người trước mọi thử thách để hãnh diện cùng âm nhạc hàn lâm của nhân loại.
Chúng ta vẫn phải tiếp tục con đường chinh phục đỉnh cao này. Vậy bên cạnh sự nỗ lực sáng tạo của các nhạc sĩ, chính là sự thông hiểu của bộ máy làm công tác quản lý văn hóa của Nhà nước để chia sẻ, tạo điều kiện và trở thành "bà đỡ" đắc lực cho những đứa con Phù Đổng ra đời. Nhắc lại một chút chuyện cũ. Thời chống Mỹ, cứu nước, khi nhạc sĩ Chu Minh trở về nước cùng bản giao hưởng Tuyến đầu từ nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc), ông cứ nghĩ sẽ được công tác ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), nơi ông có thể phát huy hết năng lực với vốn kiến thức có được trong thời gian tu nghiệp. Nhưng những người làm công tác tổ chức lại yêu cầu ông lên công tác ở Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc. Ở đó, dù rất được tiếng là đi gieo mầm văn hóa để “miền núi tiến kịp miền xuôi” nhưng cũng có thể là sự phí phạm vốn liếng ông học tập mấy năm ở nước ngoài. Như vậy, điều quan trọng là phải biết sử dụng con người đúng chỗ để phát huy tài năng của họ. Sau này, nhờ sự can thiệp của lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nhạc sĩ Chu Minh đã đạt được ý nguyện về làm thầy dạy sáng tác âm nhạc ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nhờ thế mà ông đã đào tạo ra biết bao nhạc sĩ nổi tiếng như: Phó Đức Phương, Đức Minh, Ngọc Đại, Đức Trịnh...
Trong thời “bình thường mới” hôm nay, rất cần sự tương tác, liên kết giữa Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ban, ngành liên quan. Đó là điều kiện cần, và điều kiện đủ chính là tình yêu, tâm huyết và tinh thần cống hiến, sáng tạo hết mình của đội ngũ nhạc sĩ để cho ra đời những tác phẩm âm nhạc có tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Sau cùng, liên quan đến giáo dục lâu dài, phải dạy cho thế hệ trẻ khả năng am hiểu và thưởng thức âm nhạc càng ngày càng đông đảo hơn, thì họ mới biết trân trọng những đỉnh cao âm nhạc của Việt Nam và tự hào về nó.
Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA