Vở opera “Công nữ Anio” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam công bố dàn dựng. Đây là hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản vào năm 2023. Dự kiến, vở opera sẽ được công diễn vào tháng 9-2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

“Công nữ Anio” là vở opera dựa trên lịch sử, truyền tải về mối quan hệ của hai quốc gia đã có từ thời xa xưa. Đây là câu chuyện về mối tình của Araki Sotaro-một thương nhân Châu Ấn thuyền (thuyền thương mại chủ yếu sang các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17) từ thời đại Azuchi Momoyama đến thời Edo.

Ông đã đi từ Nagasaki đến nhiều địa phương ngày nay là miền Trung Việt Nam. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên tin tưởng và đồng ý gả công nữ về làm vợ Sotaro. Sotaro đã đón công nữ Ngọc Hoa đến Nagasaki làm vợ. Công nữ được người dân tại Nagasaki yêu mến gọi với cái tên Anio. Nàng sinh sống suốt quãng đời còn lại tại Nagasaki. Ngày nay, lễ rước kiệu đón công nữ Anio vẫn tiếp tục được tái hiện trong phân cảnh “Châu Ấn thuyền” 7 năm một lần, tại lễ hội Nagasaki Kunchi ở Nagasaki từ ngày 7 đến 9 tháng 10 hằng năm.

Vở opera “Công nữ Anio” được Việt Nam và Nhật Bản phối hợp dàn dựng.

Dự án nhạc kịch được khởi xướng bởi những người Nhật Bản đang sinh sống tại Việt Nam, trong đó có Giám đốc Âm nhạc kiêm Chỉ huy trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam Honna Tetsuji. Đại diện cho dự án, Chỉ huy trưởng Honna Tetsuji cho biết, vở opera lấy mô típ từ câu chuyện có thật trong lịch sử và sẽ được đội ngũ nghệ sĩ hai nước chung tay hợp tác nhằm hướng đến buổi công diễn tại Việt Nam thật tốt đẹp. Ngoài việc dàn dựng và công diễn tại Việt Nam, vở opera sẽ được truyền bá ra thế giới với mục đích lưu truyền câu chuyện đến thế hệ mai sau như một minh chứng cho mối quan hệ ngoại giao-nghệ thuật và tình cảm gắn bó giữa hai quốc gia.

Đảm nhận phụ trách âm nhạc, nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng cho biết, “Công nữ Anio” là dự án nghệ thuật vô cùng ý nghĩa với cả hai quốc gia. Trước đây, ngôn ngữ opera chỉ dành cho người chức sắc, quý tộc châu Âu. Nhưng ở đây, dự án mang opera đến cho nhân dân hai nước, hội tụ nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp hàng đầu.

Đây cũng chính là cơ hội trao đổi và học tập nghề nghiệp của các nghệ sĩ, cũng như những nhà sản xuất nghệ thuật Việt Nam. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết thêm, kịch bản hoàn toàn bằng tiếng Nhật. Phía bạn đã dịch sang tiếng Việt; hiện đã được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và nghệ sĩ Hà Quang Minh (người sáng tác phần lời Việt) hiệu đính. Tuy nhiên có chút khó khăn với ê kíp nghệ sĩ hai nước, như: Phải làm việc qua online, nhiều phân cảnh nhạc sĩ phải viết nhạc với tiếng Nhật dựa trên kịch bản có lời thoại, thậm chí lời ca bằng tiếng Nhật...

Chỉ huy trưởng Honna Tetsuji cho rằng, do dịch Covid-19 đang ngày càng lan rộng, sự giao lưu, hợp tác quốc tế đang bị gián đoạn, giống thời điểm mà nhân vật chính trong câu chuyện “Công nữ Anio” đã phải đối mặt. Mặc dù vậy, ông tin tưởng sự nỗ lực của ê kíp nghệ sĩ thông qua sự kiện dàn dựng vở nhạc kịch “Công nữ Anio” trở thành một biểu tượng thúc đẩy tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.

Bài và ảnh: NHẬT MAI