Đề tài phong phú, dàn dựng hấp dẫn

Sân khấu Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội rực rỡ ánh đèn. Tiếng đàn, tiếng nhạc vang lên rộn rã như thúc giục khán giả nhanh bước chân vào khán phòng. Hai bên cánh gà, diễn viên chuẩn bị đạo cụ đầy đủ, trang điểm phấn son rực rỡ. Tất cả đã sẵn sàng để trình diễn trong Liên hoan sân khấu không chuyên Hà Nội năm 2023. Tham dự liên hoan, 18 đội đến từ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô thể hiện các loại hình biểu diễn như: Kịch ngắn, chèo, tuồng, cải lương...

Đội thi huyện Sóc Sơn mang đến tiểu phẩm “Giàu giả, nghèo thật”. Đây là một tiểu phẩm hài có nhiều tình tiết thú vị. Một hộ dân chuẩn bị đón con dâu tương lai về ra mắt nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên phải đi mượn khắp xóm các vật dụng trang trí. Trong khi đó, địa phương chuẩn bị đón đoàn công tác xóa đói, giảm nghèo về khảo sát để hỗ trợ. Trước tình thế đó, cán bộ địa phương đề nghị hộ dân phải giả nghèo khi tổ công tác đến và đóng giàu khi con dâu tương lai tới thăm. Tình huống kịch có sự mâu thuẫn tạo sự lôi cuốn cho khán giả. Đặc biệt, những câu thoại cùng diễn xuất của các diễn viên đã đem đến tiếng cười hài hước, dí dỏm nhưng cũng rất sâu sắc. Anh Trương Quốc Khánh, cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Sóc Sơn cho biết: “Từ khi nhận kịch bản, các thành viên trong đội đều cố gắng luyện tập lời thoại, động tác. Do là diễn viên không chuyên nên mọi người chưa có nhiều kinh nghiệm, chủ yếu là xem cách diễn xuất trên YouTube sau đó tự tập, chỉnh sửa cho nhau”.

leftcenterrightdel
 Các diễn viên không chuyên của quận Hai Bà Trưng trình diễn hoạt cảnh chèo “Gặp lại người xưa”. 

Lấy ý tưởng từ vụ cháy xảy ra trên địa bàn, đội thi quận Thanh Xuân dàn dựng vở kịch ngắn “Bài học đắt giá”. Hình ảnh lực lượng cứu hộ nỗ lực giúp đỡ người dân thoát khỏi “giặc lửa” được tái hiện trên sân khấu kết hợp với ánh sáng, âm thanh trở nên sống động. Không đi sâu vào những mất mát, đau thương, vở kịch là bài học nhắc nhở mọi người luôn đề cao ý thức phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn trong sinh hoạt.

Các tiết mục tham gia liên hoan phản ánh đời sống của quần chúng nhân dân trong sinh hoạt, lao động sản xuất. Nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng được chuyển thể bằng hình thức sân khấu trở nên sinh động, hấp dẫn như việc thực hiện pháp luật, đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh...

Nét đặc sắc trong phong trào sân khấu không chuyên Thủ đô là việc khai thác thế mạnh của các loại hình nghệ thuật truyền thống và phát huy năng khiếu của các diễn viên “tay ngang”. Vì thế nhiều tiểu phẩm, trích đoạn nổi tiếng được trình diễn trong liên hoan đã tạo được ấn tượng tốt như: Trích đoạn chèo “Chuyện tình làng Vũ Đại” (đội huyện Đan Phượng), “Việc làng” (đội huyện Thạch Thất), vở tuồng “Nước mắt người viễn khứ” (Câu lạc bộ Tuồng Dương Cốc của huyện Quốc Oai), “Cõng vợ đi xem hội” (đội quận Hoàn Kiếm)...

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, Trưởng ban giám khảo cho biết: “Những đề tài của cuộc sống qua các tiết mục sân khấu trở nên sống động, truyền tải nhiều ý nghĩa sâu sắc. Các đội đã đầu tư về nội dung cùng cách dàn dựng công phu, hấp dẫn. Với nét duyên dáng trong diễn xuất, các diễn viên không chuyên có cách thể hiện chân thực, dung dị, chạm tới cảm xúc của khán giả”.

Khơi dậy niềm đam mê nghệ thuật sân khấu

Hoạt động biểu diễn sân khấu không chuyên của Thủ đô thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia. Mỗi địa phương khai thác thế mạnh của các diễn viên quần chúng để xây dựng vở diễn, luyện tập các tích trò. Đội thi quận Hà Đông đem đến liên hoan trích đoạn “Thị Mầu lên chùa”. Diễn viên thể hiện là em Trịnh Lâm Minh Hà (10 tuổi) trong vai tiểu Kính Tâm và em Nguyễn Phương Linh (14 tuổi) thủ vai Thị Mầu. Các em thể hiện tốt khả năng diễn xuất, hát múa trên sân khấu. Sau vai diễn, Nguyễn Phương Linh chia sẻ: “Em phải dành nhiều thời gian luyện tập điệu bộ, ánh mắt, lời hát để làm toát lên một Thị Mầu lẳng lơ, chanh chua. Được lên sân khấu biểu diễn là cơ hội để em thể hiện niềm đam mê với nghệ thuật chèo”. 

Trong căn nhà của bà Nguyễn Thị Minh Tâm ở phố Bạch Mai, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng có dựng một sân khấu nhỏ. Đây là điểm hẹn của các thành viên Câu lạc bộ Nghệ thuật dân gian Tâm Thành sinh hoạt vào dịp cuối tuần. Trong câu lạc bộ có người cao tuổi, sinh viên, cán bộ văn hóa đều là những người yêu nghệ thuật dân gian truyền thống. Bên cạnh sinh hoạt đàn hát, câu lạc bộ còn dàn dựng các vở diễn, trích đoạn sân khấu. Nhờ có đội nhạc công và diễn viên lên đến hơn 20 người nên việc biểu diễn khá thuận lợi.

Ở các địa phương trên địa bàn Thủ đô, hoạt động biểu diễn sân khấu không chuyên được khán giả nồng nhiệt đón nhận. Các vở kịch ngắn, tiểu phẩm, trích đoạn sân khấu được trình diễn trong dịp lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền lưu động... Thông qua hình thức sân khấu hóa, các nội dung được truyền tải một cách dung dị, dễ hiểu, sát với thực tiễn đời sống của nhân dân. Mỗi tác phẩm được trình diễn sẽ góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa quê hương, bồi đắp các giá trị thẩm mỹ, xây dựng lối sống lành mạnh trong khu dân cư. 

Bà Lý Thị Thúy Hạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội cho biết: “Phong trào sân khấu không chuyên Thủ đô được các địa phương tổ chức đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật của quần chúng nhân dân. Qua những đợt liên hoan, hội diễn, các diễn viên được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Đây cũng là dịp để bồi dưỡng những nhân tố trẻ, tiềm năng, có năng khiếu diễn xuất, trở thành hạt nhân phong trào tại cơ sở, qua đó thúc đẩy hoạt động sân khấu không chuyên Thủ đô ngày càng phát triển”.

Bài và ảnh: VŨ DUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.