Một trong những biểu hiện sinh động nhất đó chính là văn hóa ẩm thực. Trong môi trường hội nhập, để xây dựng các sản phẩm, hình thức du lịch thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế ở phân khúc hạng sang, văn hóa ẩm thực là một lợi thế đặc trưng. Tính hội tụ, đa dạng các sắc thái văn hóa ở TP Hồ Chí Minh mang đến lợi thế là sự phong phú, đa dạng về ẩm thực. Trên cùng một con đường nhưng đầu đường, cuối đường, thậm chí là ở từng khu vực tương ứng lại có những sắc thái ẩm thực khác nhau. Chính vì sự đa dạng, phong phú ấy nên để tìm một cái gì đó mang tính đặc trưng, thương hiệu ẩm thực của TP Hồ Chí Minh thì lại rất khó. Thiếu dấu ấn chiều sâu của văn hóa ẩm thực nên du lịch ở TP Hồ Chí Minh chủ yếu phát triển bề rộng, nghĩa là số lượng du khách đến đây rất đông, nhưng tỷ lệ du khách lưu trú dài ngày thì lại có mức độ.

leftcenterrightdel
Những quán ăn mang phong cách ẩm thực khẩn hoang trên khu ẩm thực Cao Thắng (quận 10) luôn thu hút đông đảo thực khách. 

Bàn về giải pháp khắc phục hạn chế nêu trên, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Minh Quốc cho rằng: Ẩm thực không đơn thuần chỉ là nghệ thuật chế biến, quảng bá, kinh doanh món ăn, mà dấu ấn thương hiệu, dấu ấn văn hóa ở trong nó là sự tích tụ bề dày truyền thống của đất và người. Nó chứa đựng các giá trị về địa lý, lịch sử, phong tục tập quán, đặc trưng lao động sản xuất...

Thế nên, khi đến TP Hồ Chí Minh, về văn hóa ẩm thực cái gì cũng có, nhưng lại thiếu cái đặc trưng. Nói về phở, ở TP Hồ Chí Minh không thể ngon như phở Hà Nội, dù vẫn có các thương hiệu lớn từ Hà Nội đưa vào. Muốn ăn bánh canh, người ta nghĩ ngay đến bánh canh Trảng Bàng (Tây Ninh). Hỏi bún mắm, câu trả lời là đặc sản miền Tây Nam Bộ. Các quán mì Quảng ở TP Hồ Chí Minh nhiều đấy, trưng bày thiết kế rất bắt mắt đấy, nhưng về bản chất đó chỉ là “cánh tay nối dài” của ẩm thực xứ Quảng. Bún bò Huế cũng thế, hủ tiếu Nam Vang cũng vậy... Thế nên khi đến đây, du khách có thói quen chỉ lưu trú ngắn ngày rồi lại đi các địa phương khác. Mà sự hạn chế ở phân khúc lưu trú, mua sắm, tham quan, nghỉ dưỡng... là một thiệt thòi trong phát triển ngành công nghiệp không khói.

Để khắc phục vấn đề này, cần khơi dậy mạnh mẽ sắc thái văn hóa truyền thống. Lịch sử hình thành đời sống xã hội đô thị Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh là lịch sử khai khẩn. Cái gốc của ẩm thực vùng này là ẩm thực khẩn hoang. Phát triển, quảng bá ẩm thực khẩn hoang (thiên về các món nướng, gỏi, lẩu...) cần gắn với bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử khai khẩn. Bên cạnh các khu bảo tồn thiên nhiên còn lưu giữ nét hoang sơ, cần đẩy mạnh công tác sưu tầm, quảng bá các giá trị văn hóa khai khẩn gắn với phục dựng sự kiện, tôn vinh công lao của hiền nhân.

Việc tổ chức các liên hoan, lễ hội như “Lễ hội ẩm thực Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh xưa và nay” vừa qua và kế hoạch xây dựng các phố ẩm thực chính là những hình thức, giải pháp cụ thể để thực hiện vấn đề mang tính chiến lược này.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRẦN THẮNG