KHÓC CHA

Âm dương cách biệt đôi đường

Thương cha ở cõi vô thường đơn côi

Nỗi đau chẳng cất nên lời

Nhòa trong hương khói bời bời lệ chan

 

Biết rằng trời đất hợp tan

Sao lòng con mãi muôn vàn âu lo

Công cha chẳng thể đếm đo

Keo sơn phụ tử con đò bến sông

 

Tình cha sâu nặng máu hồng

Phòng cha đèn sáng mà không thấy người

Bây giờ ngăn cách cha ơi

Ai lo cơm cháo ở nơi suối vàng

 

Cha ơi nước mắt hai hàng

Đời cha tần tảo thân mang khó nghèo

Nuôi đàn con nhỏ leo nheo

Sớm hôm dầm suối ngược đèo thương con

 

Giờ thì thôi hết vuông tròn

Mình cha lạnh lẽo bóng còn thấy đâu

Trách trời tầm tã cơn ngâu

Nhìn lên di ảnh quặn đau khôn cùng

 

Âm dương cách biệt ngàn trùng

Sớm chiều nước mắt lưng tròng thương cha

Từ nay cha ở cõi xa

Chúng con đã mất cha già. Từ đây!...

leftcenterrightdel
Minh họa: TÔ NGỌC 

Bài thơ lục bát gồm 24 câu, được chia làm 6 khổ, mỗi khổ 4 câu. Những câu thơ lục bát nối nhau như đôi dòng nước mắt buồn thương của người con rỏ xuống trong giờ phút sinh ly tử biệt:

Âm dương cách biệt đôi đường

Thương cha ở cõi vô thường đơn côi

Nỗi đau chẳng cất nên lời

Nhòa trong hương khói bời bời lệ chan

Vẫn biết rằng sinh lão bệnh từ là quy luật của trời đất, của vạn vật. Cha mẹ của tất cả chúng ta rồi cũng sẽ đến một ngày không còn nữa. Dù có được chuẩn bị trước về tâm lý nhưng nỗi mất mát ấy rõ ràng không gì có thể bù đắp. Nỗi đau của người con cứ thế nghẹn ngào, ứa ra như thấm đẫm cả không gian và thời gian. Nhớ về bao kỷ niệm, nhớ về công lao trời bể của cha, biết bao câu ca dao viết bằng lục bát có lẽ cũng ùa về trong lòng mỗi người đọc như một sẻ chia và đồng cảm:

Công cha nặng lắm ai ơi

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang

Hay:

Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ngời ngời Biển Đông

Sang đến khổ thơ thứ ba, “phòng cha đèn sáng mà không bóng người” là câu thơ giản dị mà cảm động. Một đối nghịch tương phản giữa trước đây và bây giờ, giữa không và có. Thường thì khi người đi vắng, phòng cũng sẽ tắt đèn. Nhưng bây giờ, người đã vắng xa nhưng mọi thứ dường như chưa kịp làm quen với điều mất mát ấy. Mọi thứ vì thế mà còn nguyên vẹn, bắt đầu từ ánh sáng trong phòng. Còn nhớ nhà thơ Tố Hữu trước đây khi viết bài thơ Bác ơi cũng đã có một câu thơ nói về căn phòng và ánh đèn: Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa/ Phòng lặng rèm buông tắt ánh đèn. Căn phòng và ánh đèn trong thơ Tố Hữu được miêu tả theo quy luật: Người không còn thì phòng lặng, đèn tắt. Còn câu thơ của Nguyễn Đăng Độ lại nổi bật lên sự tương phản như một niềm thảng thốt mà con người còn chưa muốn tin đây là sự thật.

Tình cha con qua bao tháng năm như những thước phim quay chậm lần lượt hiện về trong nỗi nhớ, trong dòng hồi tưởng của nhà thơ. Một cuộc sống lớn lên trong đói nghèo thiếu thốn chắc chắn sẽ làm con người ta nhớ nhiều hơn là một cuộc sống lớn lên trong đầy đủ no ấm. Cho đến khi đã có một cuộc sống tốt hơn, người ta lại càng nhớ và trân trọng về bao gian khó mà mình đã trải qua:

Cha ơi nước mắt hai hàng

Đời cha tần tảo thân mang khó nghèo

Thường thì hai chữ “tần tảo” hay được dùng để nói về người mẹ, dành cho người phụ nữ, nhưng ở đây đã được tác giả dùng cho người cha. Có thể cảm nhận hoặc đoán rằng, người cha trong cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã có những tháng năm kiêm cả vai trò của người mẹ trong việc chăm sóc, nuôi nấng con cái. Tình cha con ấm áp vượt qua những năm tháng nghèo khó cũng đã từng in dấu trong biết bao lời thơ nét nhạc:

Và con nhớ mãi những ngày tháng qua

Kỷ niệm năm nào khó phai trong lòng---

Nhớ hoài tuổi thơ bên cha

Gian khổ ngày đêm chăm lo

Mong muốn con được lớn khôn

(Tình cha – Nhạc và lời: Ngọc Sơn)

Tôi muốn quên đi tháng với ngày

Cha đi lượm quả ngọt rừng

Cho con đỡ đói qua đêm

Tôi muốn quên đi đôi chân trần

Cha đi lượm từng hạt thóc

Cho con một bữa cơm chiều

(Đôi chân trần – Nhạc và lời: Y Phôn Ksor)

Dòng hồi ức đi từ xa về gần, từ quá khứ lại trở về với thực tại. Con người lại đối diện với nỗi đau. Trời xanh như cũng đồng thanh đồng khí sẻ chia với lòng người để thành những cơn mưa rơi xuống:

Trách trời tầm tã cơn ngâu

Nhìn lên di ảnh quặn đau khôn cùng.

Nhà thơ Trần Quốc Thực cũng đã từng có những câu thơ cảm động về di ảnh của người mẹ, cũng là người mẹ nghèo ở một vùng quê:

Con thiêm thiếp mẹ về lối ngõ

Bậu cửa trơn mẹ ngã mặt sưng vêu

Tỉnh giấc bàng hoàng con dụi mắt

Hình mẹ trên ban bão đánh xiêu

(Thần cảm 2)

Cả hai người con đều nhìn di ảnh mà thấy lòng đau xót. Người mẹ của nhà thơ Trần Quốc Thực thì cho đến lúc mất đi vẫn còn nghèo. Người con thi sĩ nghèo viết về người mẹ nghèo trong một giấc mộng chập chờn từ mê sang tỉnh. Còn người con trong bài thơ Khóc cha nhìn di ảnh như là một câu chuyện của thực tại, của giờ phút xiết bao buồn thương này.

Phải kính yêu cha đến mức nào, người con mới có thể viết nên những câu thơ nhiều day dứt đến thế. Trách trời xanh hay chính là oán trách cả sự vô tình của Tạo hóa khi bày ra nỗi chia biệt một ngày phải đến trong cuộc đời tất cả mỗi con người. Là một người con có hiếu, lớn lên từ một miền quê nghèo, Nguyễn Đăng Độ vào quân ngũ rồi lập nghiệp ở phương xa, trong lòng anh luôn cảm thấy canh cánh một nỗi niềm mắc nợ, đau đáu vì chưa vẹn tròn chữ hiếu với cha già ở quê. Cho nên khi người cha không còn nữa thì tất cả cảm xúc đã dâng trào và gửi cả vào những dòng lục bát.

Bốn chữ “âm dương cách biệt” mở ra trong khổ đầu bài thơ và quay trở lại trong khổ thơ cuối cùng. Nước mặt quyện vào hương khói trong những câu thơ đầu và lại hiện diện trong những câu thơ cuối khép lại tác phẩm. Những câu thơ nối tiếp nhau như dòng cảm xúc không gì ngăn nổi, cứ thế ùa ra trong niềm nhớ thương, trong tình yêu vô hạn với người cha. Điệp khúc “từ nay”… “từ đây” trong hai câu thơ cuối như nỗi buồn thương còn kéo dài mãi mãi, những xót xa còn vang động như bao con sóng vỗ mãi vào lòng người.

Khóc cha của Nguyễn Đăng Độ là bài thơ lục bát sâu nặng, nhiều cảm xúc về tình phụ tử trong giờ phút chia lìa sinh tử. Nhà thơ bằng tình yêu của mình đã cất giùm tiếng lòng cho biết bao người con trong cuộc đời. Chắc trên cao xanh kia, người cha của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ cũng an lòng và vẫn luôn dõi theo từng bước đi, từng nỗi niềm người con của mình.

(Đọc bài thơ "Khóc cha" của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ)

Tiến sĩ ĐỖ ANH VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.