 |
Ông Kha (bên trái), ông Thành (bên phải) và mẹ con chị Hoa. |
“Cháu sinh ra chưa một lần được gặp cha. Lớn lên, do di chứng của chất độc da cam, cháu bị khối u máu ở mặt và ngày càng to ra, trùm kín nửa mặt, ruồi bu vào thật khổ. Chồng cháu chắc sợ quá, bỏ luôn bốn mẹ con cháu, cuộc sống thật khốn khổ. May mà có các chú, các bác cựu chiến binh, nhất là bác Kha, bác Thành cứu giúp, đưa cháu đi chữa bệnh liên tục 4 năm trời. Cháu như được gặp lại cha mình, các bác đã lo cho cháu như tình cha con. Nay bệnh đã giảm tới chín mươi phần trăm, cháu đã tự lao động được để nuôi các con cháu nên người. Ơn này, suốt đời cháu ghi lòng tạc dạ”. Đó là lời tâm sự của chị Trần Thị Hoa, khi chúng tôi tới thăm gia đình chị ở xóm 4, thôn 2, xã vùng sâu Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng).
Câu chuyện nghĩa tình của cựu chiến binh Lâm Đồng với đứa con của người liệt sĩ này thật cảm động. Chị Hoa sinh năm 1970, là người con duy nhất của liệt sĩ Trần Văn Hương ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ông Hương lên đường tòng quân bảo vệ Tổ quốc khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Ông tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam và đất bạn Lào. Ngày 18-3-1972, ông hy sinh anh dũng trên đất bạn khi chưa một lần được nhìn mặt đứa con gái yêu quý của mình. Bố hy sinh được mấy năm, thì mẹ đi bước nữa, chị Hoa ở với bà. Năm 1986, chị theo bà vào khai hoang lập nghiệp ở huyện vùng sâu Bảo Lâm. Lớn lên, Hoa lấy chồng sinh con, rồi bất ngờ bệnh phát ra do di chứng chất độc da cam từ người cha bị nhiễm ở chiến trường. Chị bị đau đớn về thể xác và buồn chán về tinh thần. “Có lúc phải lẩn tránh mọi người vì khuôn mặt gớm ghiếc của mình”-chị nói.
Đầu năm 2001, Thiếu tướng Phạm Văn Kha (lúc đó là Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lâm Đồng) trong chuyến công tác xuống các xã vùng sâu vùng xa, ông được nghe ông Nguyễn Bá Thành, Phó chủ tịch Hội CCB xã Lộc Lâm (xã có hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số) kể chuyện về hoàn cảnh của người con liệt sĩ Trần Văn Hương. Ông Kha liền đề nghị đưa tới thăm chị Hoa ngay. Xót xa với cảnh ngộ của chị Hoa, ông về bàn với anh em cơ quan CCB huyện và tỉnh vận động CCB và các cơ quan đoàn thể các cấp giúp chị. Hội Phụ nữ huyện Bảo Lâm nhận làm nhà tình nghĩa cho chị Hoa; Hội CCB lo việc chữa bệnh cho chị…
Đọc trên báo Quân đội nhân dân cuối tuần, mục Khoa học và Đời sống đưa tin ở Bến Tre có người bị khối u lớn ở mặt đã được Viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương ở TP Hồ Chí Minh chữa khỏi. Ông Kha, ông Thành đi ngay thành phố Hồ Chí Minh tìm chỗ chữa bệnh cho chị Hoa. Nghe nói chữa loại bệnh đó phải tốn cả trăm triệu đồng, lúc đầu các ông phát hoảng, lấy tiền đâu bây giờ? Bởi vậy, hai ông đã trực tiếp gặp Giáo sư, bác sĩ Lâm Ngọc Ấn, Viện trưởng Viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương và bác sĩ Phương, bác sĩ Nguyệt giúp việc cho Giáo sư Ấn. Nghe các ông trình bày tỉ mỉ hoàn cảnh của chị Hoa, người con duy nhất của liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cảm động trước ân tình và nghĩa cử cao đẹp của các cựu chiến binh, Giáo sư Ấn đã đồng ý tiếp nhận chữa trị miễn phí và ông đã trực tiếp phẫu thuật chữa bệnh cho chị Hoa trong suốt 4 năm ròng. Giáo sư Lâm Ngọc Ấn nói: “Thật may mắn cho cháu Hoa có đồng đội của bố-những Bộ đội Cụ Hồ. Trong chiến đấu họ sẵn sàng hy sinh để giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; trong đời thường họ sống thật ân tình và sẵn sàng làm mọi việc để giúp người thân của đồng đội”.
Mừng đến rơi nước mắt, ông Kha, ông Thành trở về Lâm Đồng vận động anh chị em CCB quyên góp thêm tiền của và tổ chức đưa chị Hoa đi TP Hồ Chí Minh chữa bệnh. Hội đứng ra lo tàu xe đi lại, ăn nghỉ, chăm sóc, thuốc thang. Chị phẫu thuật lần đầu vào tháng 12-2001, mọi người thật lo lắng. Do tính chất phức tạp của bệnh lý, nếu sau phẫu thuật mà không có tiến triển tốt coi như chị Hoa khó qua khỏi. Chị nằm viện kéo dài hàng tháng, ông Thành phải huy động cả vợ và con gái thay nhau đi TP Hồ Chí Minh chăm sóc chị Hoa. 4 năm trời, trải qua 5 lần phẫu thuật, với đôi bàn tay tài hoa và sự ân cần của Giáo sư Ấn và các bác sĩ Viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương, với tình thương bao la của các chú, các bác cựu chiến binh, chị Hoa đã qua cơn hiểm nghèo và cơ bản khỏi bệnh. Chẳng những giúp chữa bệnh, Hội CCB còn mua cho chị Hoa 3 sào chè (3.000m2), một con bò sữa 5,5 triệu đồng, mua tôn lợp lại nhà bếp, chuồng heo để chị có điều kiện tăng gia sản xuất, nuôi dạy con cái.
Khi tôi đề nghị chụp ảnh chị và các con, chị Hoa nói vui: “Khuôn mặt cháu đã gần trở lại xinh đẹp như xưa rồi chú ạ!”. Bác Kha, bác Thành không nói gì, chỉ thấy những giọt nước mắt đầy vui sướng trên khuôn mặt hai người cựu chiến binh già!
Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ LONG