Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về quá trình xây dựng Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)?

Ông Đinh Thế Vinh: Tôi cho rằng, Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã được biên soạn công phu, nghiêm túc, thể hiện đầy đủ những quan điểm cơ bản và chính sách mới của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Dự thảo đã tôn trọng và kế thừa những nội dung còn giá trị hiện hành và phù hợp với tình hình mới của Luật Lưu trữ năm 2011.

Ngoài ra, dự thảo đã bổ sung nhiều quy định mới về: Quản lý cơ sở dữ liệu; lưu trữ tài liệu điện tử, tài liệu số; phát huy giá trị tài liệu; lưu trữ tư, hoạt động dịch vụ lưu trữ và có sự đồng bộ với nhiều luật liên quan. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, các cơ quan chức năng đã tham vấn ý kiến của Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam qua văn bản, hội nghị, hội thảo và tọa đàm. Một số ý kiến góp ý của Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam đã được tiếp thu, chọn lọc và bổ sung vào các phiên bản dự thảo luật gần đây. 

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam Đinh Thế Vinh. 

PV: Hiện có nhiều ý kiến đóng góp về quy định liên quan đến hoạt động dịch vụ lưu trữ. Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về nội dung này?

Ông Đinh Thế Vinh: Trong dự thảo luật có các quy định thể hiện chính sách xã hội hóa hoạt động dịch vụ lưu trữ của Nhà nước đã được quy định từ Luật Lưu trữ năm 2011. Các ý kiến cho rằng chỉ nên để hai hoạt động thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cùng với đó, cần bổ sung hoạt động dịch vụ "Chỉnh lý khoa học tài liệu lưu trữ".

Sở dĩ nhiều ý kiến đề nghị bổ sung dịch vụ này vì dịch vụ đã được quy định trong Luật Lưu trữ năm 2011 và được thực hiện trong nhiều năm qua, đưa lại hiệu quả tốt. Đồng thời theo quy định ở mục Điều khoản chuyển tiếp của dự thảo luật, hoạt động này vẫn cần tiếp tục thực hiện trong thời gian nhiều năm nữa vì tình trạng tài liệu lưu trữ chưa được chỉnh lý theo đúng quy định của khoa học lưu trữ vẫn còn phổ biến. 

Xem xét lại quy định tại khoản 3, Điều 53, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định như khoản a, điểm 1, Điều 36 Luật Lưu trữ năm 2011: "Có đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ tại cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ cấp tỉnh". Nếu quy định như điểm b, khoản 3, Điều 53 dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) là: "Được cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lưu trữ cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đóng trụ sở cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trữ", thì một cá nhân, tổ chức muốn tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ phải có 3 giấy phép gồm: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận kinh doanh ngành nghề đầu tư có điều kiện; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trữ. Nhiều giấy phép như vậy rất dễ chồng chéo, trùng lắp, gây khó khăn cho doanh nghiệp. 

PV: Liên quan đến điều khoản thi hành, ông có kiến nghị gì về bổ sung quy định về khen thưởng, xử phạt trong hoạt động lưu trữ?

Ông Đinh Thế Vinh: Đây là một đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn của ngành lưu trữ ở Việt Nam. Trong thời gian qua, việc tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực lưu trữ nói chung và Luật Lưu trữ năm 2011 nói riêng không được thực hiện một cách nghiêm túc. Nhận thức về tầm quan trọng của việc lưu trữ tài liệu của một bộ phận lãnh đạo và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động hiện đang công tác tại các cơ quan, tổ chức rất thấp.

leftcenterrightdel
Hoạt động nghiệp vụ lưu trữ tại một đơn vị thuộc Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam. Ảnh: VĂN SƠN

Do vậy, lĩnh vực lưu trữ cần có chế tài đủ mạnh để bảo đảm các quy phạm pháp luật trong ngành lưu trữ đi vào cuộc sống một cách rõ nét hơn. Nếu không quy định rõ vấn đề này, tình trạng vi phạm hoặc không thực hiện những quy định của pháp luật về lưu trữ sẽ tiếp tục diễn ra như: Cán bộ, công chức không lập hồ sơ, các đơn vị không nộp hồ sơ vào lưu trữ cơ quan, các cơ quan là nguồn nộp lưu không nộp hồ sơ vào lưu trữ lịch sử... 

Hậu quả của việc không quy định chế tài ngay trong Luật Lưu trữ hay không chỉ rõ vận dụng theo quy định tại luật nào thì sẽ lại tiếp tục diễn ra tình trạng tồn đọng, tích đống tài liệu không được lập hồ sơ như những năm trước đây. Về quy định chuyển tiếp, một số ý kiến cho rằng thời hạn 5 năm để các cơ quan là nguồn nộp lưu trữ phải hoàn thành việc chỉnh lý, sắp xếp tài liệu lộn xộn theo đúng yêu cầu để lưu trữ là rất khó khả thi.

Vì cho đến thời điểm hiện tại ở cấp huyện, cấp xã, tài liệu hầu như chưa được chỉnh lý, chưa được phân loại, chưa được xác định giá trị... Trong khi theo quy định của dự thảo luật mới, tài liệu có thời hạn bảo quản vĩnh viễn từ cấp xã đã phải đưa về lưu trữ tập trung tại lưu trữ lịch sử tỉnh. Nên cần xem xét, có thể quy định thời hạn từ 5 năm thành 10 năm cho vấn đề này. Tôi hy vọng, Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ được hoàn thiện với phiên bản tốt nhất trước khi trình ra Quốc hội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN ANH VIỆT (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.