Nhà báo Hà Đăng ngồi bên kệ sách, mái tóc bạc phơ, nụ cười hiền hậu. Khi tôi hỏi chuyện liên quan đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ông lần từng trang sách cũ như lật giở những ký ức thời gian. Hơn 60 năm, chuyện cũ được ghi chép lại đầy đủ, chân thực. Thế rồi, ông chậm rãi kể bằng chất giọng ấm áp của người miền Nam Trung Bộ.

Khi mới về Báo Nhân Dân, phóng viên Hà Đăng được phân công vào Ban Nông thôn do nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Bổng phụ trách. Ban có hai công việc chính, một là theo dõi về sản xuất, hai là tuyên truyền cải cách ruộng đất và tổ đổi công.

leftcenterrightdel
Nhà báo Hà Đăng kể chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. 

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, miền Bắc cơ bản đã hoàn thành chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp, đưa nông dân vào làm trong hợp tác xã. Tuy nhiên, trong năm 1960, thiên tai, sâu bệnh làm lúa mất mùa, khiến phong trào sản xuất trầm lắng, không ít người băn khoăn không biết làm tập thể hơn hay làm cá thể. Bác Hồ mời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến giao nhiệm vụ: Hiện nay, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp trầm lắng vì thiên tai, dịch bệnh khiến nông dân mất mùa, chú phải tìm một điển hình tiên tiến để phát động phong trào thi đua yêu nước, xua tan bầu không khí trầm lắng ở nông thôn, đưa phong trào hợp tác hóa nông nghiệp tiến lên.

Kể về lĩnh vực nông nghiệp thì không thể không nhắc đến “Gió Đại Phong”. Một mô hình mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã dành công sức tìm hiểu, đúc kết và nhân rộng thành phong trào rộng lớn. Đây cũng là mô hình mà nhà báo Hà Đăng có kỷ niệm sâu sắc. Ông kể lại: “Đầu năm 1961, hội nghị tổng kết hợp tác hóa ở Quảng Bình được tổ chức. Trong hội nghị, Hợp tác xã Đại Phong được biểu dương. Nhận thấy đây là một điển hình hay nên sau khi đại hội kết thúc, tôi đã xin phép lãnh đạo tỉnh Quảng Bình về viết bài”.

Chính ở Đại Phong, phóng viên Hà Đăng đã thấy được cái hay của một hướng phát triển hợp tác xã mới và viết bài “Ba lần đuổi kịp trung nông”, phản ánh một thực tế là trong xã, số trung nông vào hợp tác xã chưa nhiều, chỉ có những gia đình nghèo, ít ruộng đất, gia đình bần cố nông mới vào, mức sống của họ rất thấp. Hồi ấy, Đảng đề ra khẩu hiệu đuổi kịp mức sống trung nông và phát động Phong trào phá “xiềng 3 sào”. Nhiều nơi tính bình quân mỗi người không được 3 sào ruộng đất nên phải vừa tăng vụ, vừa khai hoang thêm. Lần thứ nhất, hợp tác xã tập hợp các bần cố nông có mức sống thấp, dùng phương thức sản xuất hợp tác nâng mức sống của họ lên "đuổi kịp" mức sống trung nông. Các bần cố nông khác thấy vậy lại xin vào hợp tác xã. Sau đó, một hợp tác xã khác có mức sống thấp cũng xin gia nhập hợp tác xã có mức sống trung nông, hình thành nên một hợp tác xã lớn, khiến mặt bằng chung bị tụt xuống. Nhờ phương thức sản xuất hợp tác để kéo dần mức sống lên, đến lần thứ ba thì hợp tác xã lớn đó đã "đuổi kịp" mức sống trung nông. Bài viết xong được đăng trên Báo Nhân Dân ngày 9-1-1961.

Nhà báo Hà Đăng kể lại: “Tôi nhớ khi bài báo mới ra, Bác Hồ gọi điện cho lãnh đạo Báo, khen đây là một điển hình tốt. Liền đó, ngày 11-1-1961, Báo Nhân Dân đăng bài của Bác ký tên T.L, nhan đề là “Một hợp tác xã gương mẫu”.

Bác viết: “Trong khoảng ba năm, từ một hợp tác xã 23 hộ nghèo khó phát triển đến ngang với mức sống trung nông và đang có đà tiến lên nữa. Có kết quả đó là vì: Họ tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Họ không sợ khó, sợ khổ, họ khéo tổ chức, họ đoàn kết chặt chẽ, họ quyết tâm phấn đấu để tiến lên”. Bác cũng chỉ thị cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh trực tiếp đi nghiên cứu và viết về kinh nghiệm ở Đại Phong. Ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng đoàn cán bộ đã vào Đại Phong. Khi về, Đại tướng đích thân viết bài điều tra mang tính tổng kết sâu sắc về Đại Phong, trong đó nêu lên rất nhiều kinh nghiệm hay.

Cũng từ đó, phong trào học tập Đại Phong nổi lên khắp cả nước làm dậy lên làn “Gió Đại Phong”. Là Đại tướng trong Quân đội nhưng được Đảng giao trực tiếp phụ trách mảng nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có những cống hiến quan trọng, góp phần tạo nên luồng gió mới trên đồng ruộng miền Bắc, xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Kể chuyện về “Đại tướng nông dân”, nhà báo Hà Đăng thể hiện niềm kính trọng sâu sắc trước một tài năng lớn, một nhân cách mẫu mực. Dù phụ trách mảng nông nghiệp hay được giao bất cứ công tác gì, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thật xứng “sáng trong như ngọc một con người”.   

Bài và ảnh: VŨ DUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.