Tọa lạc trên đường Phạm Hùng và nằm trong cụm các công trình có kiến trúc độc đáo của Thủ đô. Với khuôn viên rộng hơn 50.000m2, tòa nhà gồm bốn tầng nổi và hai tầng hầm, chiều cao 30.7m, diện tích xây dựng 11.952m2, diện tích sàn xây dựng 30.208m2, chính khuôn viên rộng rãi và kiến trúc độc đáo đó đã làm cho bảo tàng trở thành một điểm đến quen thuộc của khách tham quan trong và ngoài nước khi nhắc đến thủ đô Hà Nội.
Đến thăm nơi lưu giữ những ký ức của Hà Nội vào những ngày mùa thu. Được “thực mục sở thị” những hiện vật, hình ảnh mang đặc trưng của mảnh đất nghìn năm văn hiến, trong một không gian thấm đẫm màu sắc lịch sử, màu của thời gian, du khách như được trở về quá khứ, chạm tay vào một Hà Nội xưa cũ.
 |
Người xem được "thực mục sở thị" những hiện vật mang đặc trưng Hà Nội. |
Giá trị di sản và ký ức về một Hà Nội xưa
Kho cơ sở của Bảo tàng Hà Nội hiện đang lưu giữ hơn 70.000 tài liệu, hiện vật với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau. Đây là những di sản văn hóa quý giá, là tiềm năng, nội lực để Bảo tàng tổ chức các cuộc trưng bày, giới thiệu về lịch sử phát triển hàng nghìn năm của Thăng Long- Hà Nội- Thủ đô văn hiến; nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị văn hóa.
Mùa thu năm nay, Bảo tàng giới thiệu đến công chúng 3 trưng bày giới thiệu những nét văn hóa, lịch sử đặc sắc của Hà Nội xưa.
Trong đó điểm nhấn là triển lãm “Nếp xưa”. Trưng bày gợi lại cuộc sống của các gia đình khá giả thành thị với nhiều hiện vật phong phú và những tư liệu được sưu tầm trong nước và nước ngoài, giúp công chúng hiểu rõ hơn về đời sống thời kỳ này. Đồng thời truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước cho thế hệ hôm nay và mai sau; tạo sự kết nối giữa văn hóa truyền thống và văn hóa đương đại. Nội dung trưng bày giới thiệu gần 200 tài liệu hiện vật theo 4 nội dung chính được gợi nhớ lại và đan xen trong không gian đầy ắp những giá trị di sản và ký ức về một Hà Nội xưa.
Đến tham quan Bảo tàng Hà Nội và trải nghiệm không gian các trang phục áo ngũ thân truyền thống đã đem lại nhiều điều thú vị cho em Nguyễn Thu Hằng (sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội).
Sinh viên Nguyễn Thu Hằng cho biết: Trang phục của người Hà Nội có nhiều thay đổi về chất liệu, kiểu dáng theo thời gian. Những tên phố như Hàng Đào, Hàng Vải, Hàng Giầy, Hàng Nón…đã nói lên sự phong phú về trang phục. Ngoài trang phục ra thì trong cách ăn mặc của người Hà Nội còn có nhiều thứ phụ trang đi kèm như: Giày, dép, mũ, nón, ô, đồ trang sức để làm tăng vẻ đẹp ngoại hình. Hiện nay, làng Trạch Xá, xã Hoà Lâm, huyện Ứng Hoà, Hà Nội vẫn còn giữ được nghề may áo dài, áo ngũ thân truyền thống.
Trong không gian của triển lãm “Nếp xưa”, người xem còn được chiêm ngưỡng hình ảnh ngôi nhà biệt thự 2 tầng theo phong cách kiến trúc Pháp của người Hà Nội xưa. Sự kết hợp văn hóa truyền thống với nét văn hóa phương Tây đã tạo nên những biến đổi tích cực của người Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoà, Trưởng phòng Trưng bày- Tuyên truyền Bảo tàng Hà Nội cho biết: Ngoài việc tổ chức các chuyên đề trưng bày ngắn hạn phục vụ khách tham quan, Bảo tàng Hà Nội xác định nhiệm vụ chính, trọng tâm trong giai đoạn hiện nay là tập trung thực hiện dự án trưng bày thường xuyên Bảo tàng Hà Nội. Chúng tôi đã thực hiện xong phần nội dung trưng bày, thiết kế kỹ thuật, hiện đang tiến hành các thủ tục để tổ chức thi công trưng bày. Phấn đấu hoàn thiện đón tiếp khách tham quan vào cuối năm 2024. Triển lãm “Nếp xưa” sẽ trưng bày đến hết năm 2022. Đây là triển lãm mà cán bộ, nhân viên Bảo tàng đầu tư nhiều công sức, thời gian để sưu tầm hiện vật, sắp xếp trưng bày…Tất cả phải tạo điểm nhấn đặc sắc của Hà Nội, qua đó mang đến cho người xem nhiều điều thú vị, hấp dẫn.
 |
Du khách tham quan không gian trưng bày "Nếp xưa" tại Bảo tàng Hà Nội.
|
“Địa chỉ đỏ” của văn hoá Thủ đô
Theo xu hướng phát triển chung của ngành bảo tàng đó là phải luôn đổi mới trưng bày và công tác nghiệp vụ thì mới đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, gắn bảo tàng với cộng đồng. Bảo tàng Hà Nội cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa cho biết: Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Sở Văn hoá và Thể Thao, Bảo tàng Hà Nội đã nỗ lực mở cửa đón khách tham quan, đưa Bảo tàng trở thành địa chỉ văn hoá của Thủ đô bằng cách cho ra đời những chuyên đề mới, với nội dung hấp dẫn để phục vụ công chúng.
Một trong những trưng bày thể hiện sự đổi mới của Bảo tàng Hà Nội đó là trưng bày chuyên đề “Hà Nội - đất trăm nghề” được giới thiệu tại nhà phố cổ khu sân vườn của Bảo tàng Hà Nội. Trưng bày giới thiệu những tư liệu lịch sử, hình ảnh, hiện vật về 5 làng nghề: Gốm Bát Tràng; Mây tre đan Phú Vinh; Dệt lụa Vạn Phúc; Thêu Quất Động; Đậu bạc Định Công.
Trong không gian của “Hà Nội - đất trăm nghề”, du khách được hiểu rõ hơn về thời điểm sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, nhân dân khắp nơi kéo về kinh thành và vùng ven kinh thành để sinh cư, lập nghiệp. Người dân về Thăng Long, mang theo cả các nghề từ thuở cha sinh, mẹ đẻ đã dạy cho họ. Làng nghề Hà Nội tập trung chủ yếu ở ven đô. Khu vực hồ Tây có nhiều làng nghề trồng hoa, rau, cây cảnh, làm giấy... Vùng Hà Đông tập hợp các làng trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Tả ngạn sông Hồng với làng Bát Tràng nổi tiếng làm đồ gốm. Đầu thế kỷ 20, một số nghề mới hình thành như may âu phục, đóng giầy, chụp ảnh…Sau 1954, các hợp tác xã thủ công được thành lập, sản xuất mang tính tư nhân mai một. Từ 1986, với chính sách đổi mới, sự phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, các hợp tác xã dần dần giải thể, nghề thủ công truyền thống gặp không ít khó khăn. Một số làng năng động, thay đổi mặt hàng, cải tiến kỹ thuật, tăng cường giao thương nên hồi phục và phát triển. Năm 2019, Hà Nội có 1.350 làng nghề, hơn 300 làng được công nhận là làng nghề truyền thống. Làng nghề có mối quan hệ mật thiết với khu "36 phố phường", vừa để tiêu thụ sản phẩm vừa cung cấp thợ cho các phố nghề.
 |
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại phòng trưng bày của Bảo tàng Hà Nội.
|
Trưng bày chuyên đề “Cổ vật tiêu biểu Bảo tàng Hà Nội” được bài trí giữa không gian trung tâm của tầng 1 toà nhà Bảo tàng đã tạo ấn tượng đặc sắc cho người xem bởi 4 nhóm hiện vật (tổng cộng 24 hiện vật) được công nhận là Bảo vật Quốc gia gồm: Trống đồng Cổ Loa và sưu tập lưỡi cày đồng trong lòng trống: Niên đại văn hóa Đông Sơn, khoảng 2500 - 2000 năm cách ngày nay; Chuông Thanh Mai: Niên đại năm 798; Chân đèn gốm: Niên đại niên hiệu Diên Thành 5 (năm 1582); Long đình gốm Bát Tràng: Niên đại thế kỷ 17.
Mỗi bảo vật trên thể hiện rất cao về trình độ kỹ thuật và nghệ thuật là một trong những giá trị cốt lõi của con người Thăng Long - Hà Nội, mảnh đất Kinh kỳ tinh hoa hội tụ. Đây là nguồn sử liệu quan trọng về lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội cần được gìn giữ và phát huy giá trị.
Hà Nội hiện nay đã rất khác so với Hà Nội ngày xưa, từ kiến trúc, phố phường, đến diện tích, đó là do quy luật của sự phát triển. Và để nuôi dưỡng tình yêu với Hà Nội, cần lưu giữ trong mỗi người những ký ức đẹp, về mảnh đất Kinh kỳ. Để từ đó hiểu được văn hóa truyền thống, cùng chung tay gìn giữ, tiếp nối phù hợp, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: GIA KHÁNH