Cơ hội trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt thân thương…

Hằng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, bà con kiều bào dù đã sinh sống lâu năm hay đang học tập, công tác ngắn hạn ở nước ngoài đều cố gắng thu xếp công việc để về quê đón Tết. Đây là nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc mà người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước đều luôn cố gắng giữ gìn. Vậy nên, trong đoàn kiều bào về dự "Xuân quê hương" 2019, có những người năm nào cũng về quê ăn Tết, có người 10 năm mới trở lại quê hương, nhưng cũng có người lần đầu tiên trở về... Tất cả đều chung một niềm vui được quê hương chào đón nồng hậu, được thấy đất nước đổi mới không ngừng. Ông Vũ Đức Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc xúc động chia sẻ: “Sau một năm làm việc vất vả, bà con kiều bào ai cũng muốn trở về đoàn tụ với gia đình để tận hưởng không khí đầm ấm, thân thương và háo hức của ngày Tết trên quê hương mình. Mỗi lần về Việt Nam, tôi đều bất ngờ và rất vui mừng khi được tận mắt chứng kiến sự phát triển của đất nước”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng bà con kiều bào đến dâng hương tại đền Ngọc Sơn và thực hiện nghi thức thả cá chép theo phong tục truyền thống tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.  Ảnh: Trọng Hải   

Dù không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, song tình yêu với mảnh đất quê hương của ông Kimble Ngô, kiều bào Canada, đã lớn dần qua những lời kể của bà, của mẹ. Ông chia sẻ, đây là năm đầu tiên ông tham dự chương trình "Xuân quê hương". Chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa và mang đậm bản sắc dân tộc trong khuôn khổ chương trình là cơ hội quý báu để bà con kiều bào gặp gỡ, trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt thân thương, xóa đi khoảng cách về địa lý và sự khác biệt về điều kiện sống.

Ngỡ ngàng Việt Nam

Bà Trần Thị Sâm, kiều bào ở Pháp là đại biểu cao tuổi nhất trong đoàn kiều bào về dự chương trình "Xuân quê hương" năm nay. Bà Sâm cho biết, đây là lần đầu tiên sau 10 năm bà mới có dịp trở về quê hương. Người phụ nữ 85 tuổi bày tỏ ấn tượng trước sự thay đổi nhanh chóng của Việt Nam, điều mà bà không thể tưởng tượng được khi ở Pháp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng bà con kiều bào đến dâng hương tại đền Ngọc Sơn và thực hiện nghi thức thả cá chép theo phong tục truyền thống tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Trọng Hải

Người phụ nữ từng được gặp Bác Hồ này đến nay vẫn còn nhớ như in thời gian tham gia hoạt động của cộng đồng kiều bào từ khi mới sang định cư tại Pháp năm 1958. Ngôi nhà của bà Trần Thị Sâm từng là nơi hội họp và đón tiếp rất nhiều phái đoàn Việt Nam từ trong nước sang, cả thời chiến và thời bình. Giờ đây, tuổi đã cao nhưng bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện trong nước và công tác cộng đồng người Việt tại Pháp.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, kiều bào ở Mỹ, cũng ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của Việt Nam. “Vào những năm 90 của thế kỷ trước, lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam cùng với đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ. Khi đó, đất nước mình vẫn còn nghèo, phần lớn người dân đi xe đạp. Ở Hà Nội có một khách sạn lớn duy nhất là khách sạn Thắng Lợi do Cuba xây dựng. Còn bây giờ Việt Nam đã thay đổi rất nhiều”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng bà con kiều bào đến dâng hương tại đền Ngọc Sơn và thực hiện nghi thức thả cá chép theo phong tục truyền thống tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Trọng Hải

Sự ngạc nhiên của các kiều bào không có gì lạ nếu nhìn vào thành tựu kinh tế của Việt Nam trong năm qua. Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn: Năm 2018, 9/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội vượt và 3 chỉ tiêu đạt. Lần đầu trong 10 năm, nền kinh tế tăng trưởng 7,08%. GDP đạt 245 tỷ USD… Đến nay, Việt Nam có 27 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, là nước duy nhất trong ASEAN có quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ nhóm G7 và 13/20 nước G20. Việt Nam là một trong 6 nước sớm nhất thông qua việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Với sự phát triển về mọi mặt, nhiều điểm nhấn diễn ra trong những năm qua, như: Tổ chức thành công APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) cùng hàng loạt thành tựu nổi bật khác về kinh tế, văn hóa, thể thao, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng tầm. “Bà con kiều bào cũng tự hào khi ngày càng được trân trọng và đánh giá cao. Những chuyển biến tốt đẹp ấy càng khiến ấn tượng về Việt Nam trong lòng kiều bào sâu đậm hơn, thôi thúc chúng tôi đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình để xây dựng Tổ quốc và chờ đợi một bước đột phá của đất nước trong thời đại mới”, ông Vũ Đức Vinh khẳng định.

Những cánh én làm nên mùa xuân đất Việt

Vững tin vào tương lai tươi sáng, nhiều kiều bào bày tỏ mong muốn được góp sức xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, 2018 là năm bản lề đối với Việt Nam khi tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới, nhất là trong bối cảnh thời đại Cách mạng công nghệ 4.0. “Bên cạnh đó, 2018 cũng là năm thành công đối với Việt Nam khi chúng ta ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) hay Hiệp định CPTPP. Đây là hai hiệp định ở tầm mức rất cao, sẽ giúp Việt Nam hội nhập nhiều hơn với thế giới”, TS Nguyễn Trí Hiếu tin tưởng nói.

Làm trong ngành ngân hàng từ nhiều năm nay nên ông Hiếu cho rằng, với việc Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 14-1-2019, dự kiến trong thời gian tới, ông và các đồng nghiệp sẽ đưa ra nhiều sản phẩm, chương trình nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, để thu hút nguồn lực kiều bào nhiều hơn nữa, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất Chính phủ Việt Nam cần cung cấp nhiều hơn nữa thông tin về tình hình phát triển đất nước, cũng như mở rộng bộ phận chuyên trách về kiều bào ở các bộ, ngành. Ông Hiếu cũng nhấn mạnh việc cải thiện thủ tục hành chính, coi đây là một trong những yếu tố thu hút kiều bào trở về xây dựng quê hương.

Nếu như ông Hiếu mong muốn góp sức trong việc phát triển ngành ngân hàng thì bà Nguyễn Thị Bích Yến, kiều bào ở Áo, lại hướng tới việc giữ gìn bản sắc dân tộc thông qua Dự án "Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu". Bà Bích Yến cho biết, hằng năm, vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, cùng với bà con trong nước, cộng đồng kiều bào Việt ở nhiều nước trên thế giới cũng tổ chức dâng hương hướng về đất Tổ. Tuy nhiên, hoạt động này còn mang tính nhỏ lẻ, chưa thống nhất, chưa theo một kịch bản chung, chưa thu hút được bà con kiều bào và bạn bè quốc tế... nên việc quảng bá văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa tâm linh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở nước ngoài hiệu quả chưa cao. Vì vậy, từ năm 2015, ý tưởng và Dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” ra đời. “Năm 2018, dự án được tổ chức ở 4 nước châu Âu, gồm: Cộng hòa Séc, Liên bang Nga, Hungary, Cộng hòa Liên bang Đức. Năm 2019, chúng tôi sẽ triển khai dự án ở 3 nước châu Á”, bà Bích Yến cho biết.

Đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, ông Kimble Ngô, một chuyên gia về Blockchain, nhà sáng lập Ampmarketing Blockchain và đại diện của nhóm Blockchain NEM.io tại Việt Nam cho rằng, thế hệ trẻ hiện nay rất thông minh, năng động và có ý chí vươn lên, nhưng những cống hiến của họ cho đất nước vẫn chưa được phát huy tối đa. Trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp và thực hiện hoài bão, ông Kimble Ngô mong muốn từ những kinh nghiệm và kiến thức của mình sẽ góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp và có sự phát triển bứt phá mạnh mẽ.

PHƯƠNG LINH