Khẳng định giá trị lịch sử và cách mạng của Nhà và Hầm D67, GS, TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, đây là một công trình kiến trúc quân sự giản dị nhưng giá trị sử dụng rất cao. Nhà và Hầm D67 là một trong những di tích văn hóa quân sự quý giá thời đại Hồ Chí Minh ở thế kỷ 20.

Năm 1966, Mỹ bắt đầu dùng không quân đánh phá Thủ đô Hà Nội. Năm 1967, mức độ đánh phá ngày càng ác liệt. Để bảo đảm nơi làm việc của cơ quan Tổng hành dinh trong chiến tranh, Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng một ngôi nhà trong khu A, thành cổ Hà Nội (nay là Hoàng thành Thăng Long). Ngôi nhà thiết kế năm 1967, được gọi là Nhà D67. Trong di tích Nhà D67 có phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương; phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Hầm D67 (còn gọi là hầm Quân ủy Trung ương) sâu 9m, được xây dựng kiên cố để chống bom. Cửa hầm làm bằng thép tấm. Hầm có 3 cầu thang lên xuống. Cầu thang phía Nam thông với Nhà con rồng, hai cầu thang phía Bắc thông với Nhà D67. Đây là nơi họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khi cần thiết, là phần quan trọng trong kết cấu Nhà D67.

Khách quốc tế tham quan phòng họp Nhà D67. 

Trong cuốn “Tổng tập Hồi ký” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2000, trang 1.225), ông viết: “Ngôi nhà mái bằng ẩn kín dưới những tán lá cây dày đặc với những căn hầm làm việc kiên cố, nơi đã từng diễn ra nhiều cuộc họp cơ mật của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, hôm nay lại chứng kiến một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định. Lần cuối cùng, ý chí và trí tuệ của Đảng được tập trung cao độ, lập kế bày mưu, hạ quyết tâm giành toàn thắng”.

Trong chiến dịch lịch sử mùa xuân 1975, tại Nhà D67 diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Với tinh thần: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng” (điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi toàn quân, ngày 7-4-1975), toàn quân, toàn dân ta đã tiến tới thắng lợi cuối cùng. Trưa 30-4-1975, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã đón tin giải phóng miền Nam trong niềm hân hoan vô bờ bến. Mọi người ùa ra sân “Nhà con rồng” mừng vui, xúc động trào nước mắt.

Cùng với các công trình kiến trúc xưa của Hoàng thành Thăng Long, hệ thống di tích cách mạng kháng chiến là một phần cấu thành trong khu di sản này. Di tích Nhà và Hầm D67 được phục hồi và mở cửa đón khách tham quan từ năm 2004. Từng hiện vật ở đây đều gợi nhớ về một thời gian khổ và oanh liệt của một dân tộc anh hùng.

Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đã chọn di tích cách mạng Nhà và Hầm D67 là nơi Triển lãm “Con đường thống nhất”. Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội: Nhân dịp này, Trung tâm triển khai kế hoạch chỉnh lý tổng thể di tích Nhà và Hầm D67, nghiên cứu phục hồi màu gốc của di tích; bước đầu triển khai thực hiện đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin diễn giải về Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67”. Trong thời gian thực hiện đề án, câu chuyện “Nhà và Hầm D67, hành trình đến ngày toàn thắng” được diễn giải bằng công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và gia tăng trải nghiệm của du khách, đặc biệt là giới trẻ khi đến tham quan tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài và ảnh: VŨ HẢI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.