Hai tiếng “tập thể” trong sáng là thế, tốt đẹp là thế, chung đúc sức mạnh một thành hai, hai thành bốn và cứ thế nhân lên mãi, nhưng đã và đang bị lợi dụng, biến tướng theo chiều hướng xấu. 

Có thể nhắc tới những vụ án điển hình liên quan đến Công ty Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông vận tải), Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), vụ tham nhũng đất đai, khai thác khoáng sản liên quan đến hàng loạt cán bộ đầu tỉnh ở Lào Cai... Các vụ tham nhũng, bày trò chia chác tiền của, đất đai không dừng lại ở hành vi của một vài cá nhân có chức quyền mà nó là một dây chuyền, một đường dây ngầm của cả một tập thể ban lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp. Những người này có quyền hạn, có người "chống lưng", trong đó có cả những vị trợ lý của cán bộ cấp cao, dân gian thường gọi là “cáo mượn oai hùm”; “cua cậy càng, cá cậy vây”.

Những hành vi tham nhũng, tiêu cực không chỉ là vết lở loét nhức nhối trong lĩnh vực kinh tế (nhất là việc quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước) mà nó “di căn” đến cả các cơ quan bảo vệ pháp luật-những nơi cần có “bàn tay sạch”. Rồi gõ cửa đến cả những lĩnh vực xưa nay vốn được xã hội trân trọng như nhà giáo, thầy thuốc; như các nhà ngoại giao lịch lãm, đạo mạo.

leftcenterrightdel
Tranh minh họa: Chinhphu.vn 

Rất nhiều vụ việc trước khi lộ diện không ai có thể hình dung nổi. Nổi cộm là vụ “chuyến bay giải cứu” xảy ra ở Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao). Đây là một đường dây siêu lợi ích nhóm hết sức nguy hại. Có khoảng 100 doanh nghiệp đã chi số tiền “bôi trơn” lên tới hơn 170 tỷ đồng. Có tới 21 cán bộ đã thản nhiên đút túi từ 1 tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng. Rồi vụ quan tham “ăn đất" ở Lào Cai khiến người dân phẫn nộ. Hơn 20 lãnh đạo chủ chốt của tỉnh này, trong đó có người từng là bí thư, chủ tịch, một thời “phán như thánh” về đạo lý ở đời, đã bị truy tố, kỷ luật. Có người trong số đó đau xót nói với con cháu rằng dính vào tiền bạc mới thấy cái bạc bẽo của đồng tiền.

Rõ ràng đó là những hành vi tham nhũng mang tính chất tập thể. Nói là “mang tính” vì thật ra họ cũng không bàn bạc thành chủ trương, kế hoạch và giao nhiệm vụ gì cụ thể cho ai, mà chỉ là những câu thì thầm, những gợi ý, những cái gật đầu đầy bí hiểm. Anh không tố tôi thì tôi im lặng cho anh. Tôi nhận thì anh cứ yên tâm mà nhận. Thật là: “Cầm lòng bán cái vàng đi/ Để mua những thứ nhiều khi không vàng”.

Chuyện quan to, sếp nhỏ “chưa động mõ đã gõ thớt” thời nay chẳng hiếm. Từ tham nhũng lớn đến tham nhũng vặt hoành hành đã lâu và chưa thể tiệt nọc, dù rằng Đảng ta và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, quyết liệt đấu tranh phòng, chống. Không chỉ có tham nhũng lớn mà tham nhũng vặt cũng mang tính tập thể. Tham nhũng vặt ví như bệnh ghẻ lở, hắc lào, tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng xấu xí, gây bứt rứt, khó chịu. Nó cũng thành ổ nhóm tham lam, đường dây "ăn tạp". Đường dây ấy hằng tuần, hằng tháng phải chung chi cho cấp trên, nếu không thì bị gây khó dễ, thậm chí bị điều chuyển sang những nơi không có “lộc lá” gì.

Phát hiện tham nhũng có dây dợ lằng nhằng đã khó, xử lý càng khó hơn. Nhưng những gì con người chưa biết thì có trời biết, đất biết, lương tâm biết. Còn tham nhũng mang tính tập thể thì trước sau cũng sẽ bị bại lộ, phanh phui.

Điều người dân mong mỏi nhất là mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền luôn tự nhắc mình: Đừng để ngọn lửa ý chí cách mạng chập chờn giữa cơn bão danh và lợi. Đừng để hai tiếng "tập thể" bị hiểu theo nghĩa xấu. Là cán bộ, đảng viên của Đảng; là chiến sĩ cộng sản chân chính mà vẫn cố tình sa chân vào ổ nhóm tham lam, đường dây “ăn tạp” thì không những tự “bôi tro trát trấu” vào uy tín, danh dự, tư cách bản thân mà còn làm ô danh cả gia đình, dòng họ và làm tiêu tan sự nghiệp của chính mình. Đến khi rơi vào vòng lao lý mới ngày đêm hối hận và tự cắn rứt lương tâm mình. Nhục thay!

HẢI ĐƯỜNG