Có một thông tin từng thu hút sự chú ý của dư luận, đó là một quốc gia phát triển đã cho ra đời một loại mặt nạ làm bằng silicon siêu thực tới mức rất khó có thể phân biệt chúng với khuôn mặt người thật. Sau khi hoàn thành, các nhà nghiên cứu đã làm thử nghiệm đối với hai trăm người nhìn vào các bức hình xem họ có phân biệt được chính xác khuôn mặt nào có đeo mặt nạ hay không. Kết quả có tới 1/5 số người không nhận diện được đâu là mặt người thật và đâu là mặt người đeo mặt nạ.

leftcenterrightdel
Tranh minh họa: Báo Phụ nữ 

Thời đại công nghệ 4.0, các nhà khoa học tạo ra mặt nạ siêu thực giống như mặt người thật không có gì khó. Và loại mặt nạ này quả là có thể làm rối mắt người xem, nhưng nếu nhìn kỹ, nhìn lâu thì trước sau cũng nhận ra, bởi bản chất nó vẫn là mặt nạ tĩnh, mặt nạ đồ vật, mặt nạ “chết”. Thế nhưng trong xã hội, điều đáng lo hơn là có những người đeo một thứ mặt nạ bên ngoài rất tươi tắn, tử tế chỉ nhằm làm tấm bình phong che đậy bản chất mờ ám, dối trá của mình. Người đời gọi đó là người đeo “mặt nạ sống”.

Gọi là “mặt nạ sống” vì cái mặt nạ này có thể thiên biến vạn hóa, thể hiện dưới muôn hình vạn trạng trong từng hoàn cảnh ứng xử, cốt để mang lại lợi ích cho người mang chiếc mặt nạ đó. Thậm chí không ít người đeo “mặt nạ sống” thường có mưu cao kế sâu, “tiếu lý tàng đao” (nụ cười giấu dao), “khẩu mật phúc kiếm” (miệng có mật ngọt, bụng mang đao kiếm). Ông cha ta gọi đó là những người “Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”, hay “Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao”.

Có ý kiến rằng: Đồng xu tuy hai mặt nhưng chỉ có một mệnh giá; con người tuy một mặt nhưng sao lại có nhiều kẻ sống hai lòng? Người xưa có câu “Sông sâu mười thước dễ đo/ Con người một thước không đo nổi lòng”. Những người “không đo nổi lòng” không ai khác chính là những kẻ hai lòng, sống hai mặt một cách hết sức giảo hoạt để dễ bề kiếm chác, chiếm đoạt lợi ích (vật chất, tinh thần) một cách tinh vi mà người đời không dễ bề nhìn thấy.

Sống trong cuộc đời, có lúc vì hồn nhiên, chất phác, đôi khi nhẹ dạ, tự tin và lại bị thu hút, hấp dẫn bởi những vẻ hào nhoáng bên ngoài mà cách nhìn nhận của chúng ta thường thấy phần nổi của tảng băng, trong khi phần chìm sâu bên dưới mới nói lên bản chất của sự việc thì chúng ta hoặc là thờ ơ không để ý, hoặc là không đủ tỉnh táo, sáng suốt để nhận diện thấu đáo. Hệ quả kéo theo là những người đeo “mặt nạ sống” vẫn len lỏi, quẩn quanh lượn lờ trước mặt mà chúng ta không hề hay biết.

Người nào đeo “mặt nạ sống” cũng đáng ngại. Nhưng quan ngại hơn là một bộ phận quan chức thời nay tinh vi “đeo” chiếc mặt nạ ấy trên khuôn mặt họ mà người đời không dễ trông thấy bằng mắt thường. Bởi họ đã khôn khéo ngụy trang nhân cách, bên ngoài thì “tô son trát phấn” bằng những lời nói có cánh, ý tứ hay, diễn thuyết giỏi, hùng biện tốt; khi trên đăng đàn, ở chốn đám đông, đứng trước tập thể thì thể hiện ta là người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu lòng người”, chuyện gì họ cũng có thể nói như “rót mật vào tai” người nghe, nhưng thực chất bản tính lại nhỏ nhen, ích kỷ, làm cái gì cũng chỉ muốn mang lợi lộc cho mình trước hết mà không hoặc rất ít nghĩ đến lợi ích của người khác, của tập thể, cộng đồng. Dạng quan chức này có đặc điểm chung là thường nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo; giọng điệu thì tươi tắn, hào sảng, nhân nghĩa nhưng thực tế đó chỉ là tấm bình phong để che đậy, giấu giếm bản chất tham danh háo lợi của mình.

Tuy nhiên, như người đời đúc kết, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, “phấn son” được tô điểm trên những khuôn mặt đeo mặt nạ ấy sẽ dần phôi pha, mai một. Đối với những người ngụy trang nhân cách bằng thứ mặt nạ siêu tinh vi, nếu không bị “lột trần” bởi sự quang minh chính đại của luật pháp thì trước sau cũng bị rơi rụng trước hàng triệu “con mắt thần” soi xét của nhân tâm, đạo lý.  

CHÍNH NGÔN