Tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa

Theo đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, các hoạt động tổng kết sẽ được triển khai trên 3 trụ cột, có sự gắn kết chặt chẽ, đó là: Nghiên cứu khoa học; các hoạt động, sự kiện; công tác thông tin, tuyên truyền. Từng tuyến nhiệm vụ đều được cụ thể hóa, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, thu hút sự tham gia của các cơ quan chủ chốt trong lĩnh vực VHNT.

Đối với tuyến nghiên cứu khoa học, nội dung tổng kết bao gồm 5 nhiệm vụ khoa học, với sự tham gia của Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các hội VHNT chuyên ngành Trung ương và địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tổ chức các hoạt động tọa đàm, tiến tới tổ chức hội thảo ở từng lĩnh vực. Trên cơ sở đó sẽ tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”.

Bên cạnh đó có nhiều hoạt động, sự kiện ý nghĩa thể hiện mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa văn nghệ sĩ với vận mệnh quốc gia, dân tộc. Các hội VHNT sẽ phát động, tổ chức trong các cấp hội và hội viên cả nước sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT với chủ đề “Chung một cơ đồ Việt Nam”. Tổ chức triển lãm, bình chọn, tôn vinh các tác phẩm VHNT tiêu biểu trong giai đoạn 1975-2025, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

leftcenterrightdel
Một tiết mục trong Chương trình "Giai điệu Việt Nam" do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, tháng 3-2024. Ảnh: VƯƠNG HÀ 

Đặc biệt, trong dịp này sẽ tổ chức Hội nghị văn nghệ toàn quốc, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu. Tại hội nghị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại; từ đó củng cố niềm tin, khát vọng cống hiến, cùng xác định tầm nhìn, tâm thế, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ đối với tương lai đất nước. Trong khuôn khổ hội nghị, tổ chức đoàn tàu Thống Nhất đưa các đại biểu từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội; tổ chức dâng hương báo công các Vua Hùng tại tỉnh Phú Thọ và nhiều hoạt động quan trọng khác.

Công tác thông tin, tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, trong đó trọng tâm là các cơ quan báo chí, truyền thông sẽ tập trung phản ánh đậm nét nội dung, ý nghĩa, thành tựu của VHNT và vai trò, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà; tăng cường quảng bá các tác phẩm xuất sắc của nền VHNT Việt Nam nửa thế kỷ qua. Các nhà xuất bản tổ chức xuất bản mới hoặc tái bản các tác phẩm VHNT tiêu biểu, xuất sắc.

Đề ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật

Tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo diễn ra vào trung tuần tháng 4-2024, nhiều ý kiến cho rằng: Cần xác định là tập trung vào nghiên cứu khoa học, dựa trên những luận cứ khoa học để đánh giá sát đúng nền VHNT của nước nhà sau 50 năm. Trên cơ sở các nghiên cứu khoa học này để giúp cho việc hoạch định chủ trương, chính sách thời gian tới; đồng thời góp phần trước mắt trực tiếp cho vấn đề xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Các hoạt động tổng kết sẽ làm sáng tỏ những câu hỏi then chốt mà bấy lâu nay chưa có sự lý giải đầy đủ, chưa thống nhất trong nhận định. Chẳng hạn: Vì sao chưa có nhiều tác phẩm xứng tầm với thành tựu lớn lao của công cuộc đổi mới? Phải làm thế nào để giới thiệu, quảng bá VHNT Việt Nam ra nước ngoài hiệu quả? Ứng xử thế nào về tiếp nhận VHNT nước ngoài ở Việt Nam? Thực trạng, xu hướng phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ và công chúng của VHNT?

Dẫn ví dụ từ câu chuyện quảng bá VHNT Việt Nam ra nước ngoài chưa hiệu quả, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết: Đây là một “lỗ hổng” của VHNT mà chúng ta phải tìm cách khắc phục. Quảng bá tác phẩm VHNT không phải vì tên tuổi cá nhân hay hội nhóm nào đó mà vì mục đích chung, đó là: Để độc giả toàn cầu hiểu về đất nước, con người, về văn hóa truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam thông qua tác phẩm VHNT có giá trị phổ quát.  

Cho ý kiến chỉ đạo về các hoạt động tổng kết, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh: Tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước là nhiệm vụ rất lớn, với các hoạt động tương đối phong phú, toàn diện, với tinh thần “Nhìn lại để bước tiếp”.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thành việc xây dựng kế hoạch bố trí nguồn lực bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện; việc tổ chức các hội thảo khoa học cần huy động sự tham gia và đóng góp của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, bảo đảm chất lượng các báo cáo khoa học, góp phần xây dựng báo cáo tổng kết trình Ban Bí thư; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để tổ chức thành công Hội nghị văn nghệ toàn quốc tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất theo chỉ đạo của Ban Bí thư; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác tuyên truyền về các hoạt động tổng kết, từ đó phản ánh đậm nét nội dung, ý nghĩa, thành tựu của VHNT và vai trò, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà.

HÀM ĐAN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.