Đây là sự kiện do tỉnh Gia Lai tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11-1945/23-11-2024). Chương trình Ngày hội được xây dựng theo hướng đổi mới, đa dạng và phong phú, kết hợp hoạt động trình diễn và trải nghiệm các hình thức nghệ thuật, trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực... của các dân tộc. Qua đó phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Gia Lai, thu hút du khách đến với phố núi Pleiku.

 
Các hoạt động trải nghiệm tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024.

Theo đó, Ngày hội Di sản văn hóa năm nay sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn như: Diễn tấu cồng chiêng; hòa tấu nhạc cụ dân tộc; trình diễn khèn, sáo của đồng bào Mông; múa xòe của người Mường; hát then, đàn tính của người Tày, Nùng; múa sạp của người Tày, Thái; nghệ thuật chèo, dân ca quan họ Bắc Ninh của dân tộc Kinh; dân ca, dân vũ của dân tộc Chăm, trình diễn áo dài di sản…

Du khách sẽ được trải nghiệm mặc áo dài, mặc trang phục các dân tộc để chụp ảnh check in; được hướng dẫn làm gốm Chăm, đan lát; nặn tò he, thưởng thức nghệ thuật thư pháp, trà đạo, bút lửa; tham gia các trò chơi dân gian kết hợp với trải nghiệm ẩm thực của các vùng miền trong cả nước.

Trong khuôn khổ chương trình của Ngày hội, Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Tây Nguyên trong hội họa Việt Nam” với hơn 60 tác phẩm hội họa giới thiệu đến người xem thông qua hình thức trưng bày truyền thống và trình chiếu kỹ thuật số.

Tin, ảnh: SƠN TÙNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.