Cuốn sách dày 450 trang (khổ 20x26cm), bao gồm cả các tản văn và ghi chép của nhạc sĩ. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Đỗ Bảo.

Phóng viên (PV): Theo anh, sách nhạc có vai trò như thế nào với người làm âm nhạc?

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Sách nhạc đóng vai trò rất quan trọng đối với một người làm nhạc chuyên nghiệp. Tôi trưởng thành cũng từ những cuốn sách. Tôi biết chắc chắn phải có những cuốn sách thì người ta mới giỏi được.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo đề cao vai trò không thể thiếu của sách nhạc đối với người làm âm nhạc.

Những năm đầu tiên, nếu mình không tập những bài nhạc trong sách thầy mình cho mình, thì làm sao có tôi bây giờ. Có những người không đi từ những cuốn sách nhạc nhưng vẫn nổi tiếng vì những lý do nào đó. Nhưng những người được đánh giá cao đều phải đi từ hạt giống căn bản, nhất là những bản nhạc. Ca sĩ phải giở bản nhạc ra hát, nhạc sĩ phải giở bản nhạc ra phối, không thể thiếu được.

PV: Ra sách “Đỗ Bảo: Ca khúc giai đoạn 1997-2022”, anh mong chờ gì từ độc giả?

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Tôi có ý định viết sách đồng hành với viết những bản nhạc của mình. Khi bắt tay viết, tôi nhận ra, ngoài viết nhạc, hóa ra viết văn cũng là niềm yêu thích của mình.

Âm nhạc của tôi đến nay dù được nhiều người yêu thích, nhưng vì sự phức tạp của hòa thanh, khúc thức, nên xem ra vẫn khó phổ cập so với mặt bằng chung. Vì vậy, hy vọng cuốn sách sẽ là công cụ, phương tiện hữu hiệu giúp lan tỏa âm nhạc của tôi và cũng là những giá trị sáng tạo mà tôi đóng góp cho nền âm nhạc.

 
 Cuốn sách được nhạc sĩ giới thiệu với hy vọng đóng góp vào sự phát triển chung của âm nhạc Việt Nam.

Cuốn sách đặc biệt dành cho những người học nhạc, làm nhạc, chơi nhạc có thể tìm hiểu và thể hiện chính xác âm nhạc của Đỗ Bảo. Bên cạnh các văn bản ca khúc kèm hòa thanh, phần đệm cho piano, cũng có sẵn những bài cho nhạc cụ độc tấu do chính tôi chuyển soạn.

PV: Bìa cuốn sách đề giá 1 triệu đồng. Anh có nghĩ giá sách khá cao so với mặt bằng giá sách hiện nay ở Việt Nam?

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: So với sách về âm nhạc, tôi nghĩ đây không phải là số tiền lớn. Nhất là khi so với hầu hết sản phẩm tiêu dùng ngày nay, hay so với cát-xê của giới nghệ sĩ. Tuy nhiên, khi niêm yết giá sách, tôi cũng đã rất trăn trở và tự hỏi suốt nhiều năm. Tạm thời mức đó hài hòa để mình đạt được mọi mục đích. Nếu để kiếm tiền, mình đã không bỏ ra nhiều năm làm sách. Hiện nay, để sở hữu một bản nhạc qua mạng, người dùng phải trả 3-5 USD, trong khi sách của Đỗ Bảo gồm 100 bài hát.

PV: Anh có cho rằng mình “chơi trội” khi ra sách nhạc, trong khi hầu hết các tác giả, nghệ sĩ âm nhạc thường ra hồi ký?

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Để làm nên cuốn sách này, tôi cũng trải qua hành trình 7-8 năm gian nan, để trăn trở là sẽ đưa gì, thông điệp gì đến người đọc. Đúng là công trình ra đời trong hoàn cảnh các nhạc sĩ hầu như không còn xuất bản sách nhạc, thay vào đó là hồi ký. Cuốn sách này kết hợp cả hai hình thức đó. Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn người đọc, nhất là người chơi nhạc thêm hiểu âm nhạc của mình, cũng như góp thêm một chút về kiến thức âm nhạc.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo gắn với tên tuổi của các nghệ sĩ trong vai trò sáng tác, chơi nhạc, phối khí. 

Tôi cũng nghĩ không phải mình chơi ngông. Mình làm đúng chuẩn suy nghĩ của mình, trong phạm vi mình có thể làm và mình muốn làm. Mình đam mê và trưởng thành từ những trang nhạc. Hồi đi học, có khi tôi xuống thư viện, giở cuốn sách nhạc ra, thấy giống như mình được chắp cánh. Mình biết, chỉ cần cầm cuốn này về chơi lên, là mình được “bay”.

Những dự án “Nhật thực” (2002), “Cánh cung 1” (2004) lúc đó tôi làm vẫn là những thứ rất mới. Mọi người lúc đấy vẫn đang ở trong tiến trình đi tìm hiểu, ai tìm ra trước, tìm được nhiều hơn thì mang về chia sẻ. Tôi chắc mình cũng là một trong những người năng nổ trong việc đi tìm và thể nghiệm những cái mới. Khi các dự án đó thành công, những nhạc công giỏi nhất ở Hà Nội nhìn vào tổng phổ đã thốt lên “nhìn lằng nhà lằng nhằng nhưng đánh lên hay thế”.

Để làm được, tôi đọc sách, tìm hiểu trên internet, học phần mềm soạn nhạc, chép nhạc trên máy tính; rồi đi mua đĩa thư viện âm thanh mẫu quốc tế. Vì thế, tôi cho rằng âm nhạc của tôi là kết quả của việc “trồng cây” lâu năm. Tôi không tự hào là người đi tiên phong. Chỉ là đam mê. Trẻ thì cứ muốn tìm kiếm. Muốn nói bằng giọng điệu của mình lúc đấy, khao khát thể hiện cái tôi của mình ở thì thanh xuân. Cuốn sách này chứa đựng ít nhiều những suy nghĩ như thế.

PV: Năm nay, ngoài cuốn sách nhạc, anh có ý định nào khác với âm nhạc?

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Nhiệm vụ ở Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội của tôi cũng khá dày và tôi đang cùng các đồng nghiệp tham gia chuẩn bị cho việc thành lập Dàn nhạc giao hưởng Quân đội.

Trung tá, nhạc sĩ Đỗ Bảo (thứ ba, từ phải sang) - với vai trò đạo diễn âm nhạc trong chương trình hòa nhạc "Bài ca thống nhất", kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - chụp ảnh chung cùng các đồng nghiệp. 

Về cá nhân, tôi đang lên kế hoạch gặp gỡ người hâm mộ, sẽ làm chuỗi các chương trình biểu diễn quy mô nhỏ ở các thành phố. Mỗi buổi đón 200 đến 400 khách, ngoài trời hoặc trong nhà. Tôi đến chơi, đệm hát cho 1-2 ngôi sao và mời 1-2 ca sĩ giỏi nhất ở địa phương đấy. Coi như buổi gặp những người yêu mến âm nhạc của mình ở vùng đấy, ký tặng giao lưu với những bạn mua sách có thể sẽ đến. Có thể khó nhưng sẽ cố gắng làm.

PV: Cảm ơn nhạc sĩ Đỗ Bảo về cuộc trò chuyện này!

HÀ VƯƠNG (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.