MV “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy và cộng sự ra mắt tháng 3-2025, đã tạo nên một cơn sốt trên các nền tảng âm nhạc với hàng loạt thành tích ấn tượng. Sau 2 tháng phát hành, đến nay, MV này đã thu hút 185 triệu lượt người xem trên YouTube. Sự thành công của MV “Bắc Bling” khẳng định sự lan tỏa mạnh mẽ của một sản phẩm âm nhạc mang đậm màu sắc dân gian kết hợp với hơi thở hiện đại.

Tạo nên sức hút của MV "Bắc Bling" trước hết là ở sự khéo léo lồng ghép những giá trị văn hóa Kinh Bắc vào sản phẩm âm nhạc một cách tinh tế. Đó là sự hồn nhiên, mộc mạc của người dân Bắc Ninh với câu hát quan họ, tà áo tứ thân, chiếc nón quai thao, tục têm trầu; là những địa danh nổi tiếng như chùa Dâu, đền Đô, đền Bà Chúa Kho, làng gốm Phù Lãng... Việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa rap và dân ca cùng vũ đạo trẻ trung với sự xuất hiện của gần 300 người dân địa phương đã mang đến cho MV một làn gió mới mà vẫn gần gũi với công chúng, tạo nên một bữa tiệc văn hóa sống động.

Hình ảnh trong MV "Bắc Bling" tôn vinh nét đẹp trang phục của các liền anh, liền chị quan họ. Ảnh: ĐỖ PHÚC 

Có thể nói rằng, MV “Bắc Bling” đã vượt qua ranh giới của một sản phẩm giải trí thông thường để trở thành nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa âm nhạc với bản sắc văn hóa, du lịch. Với sự kết hợp khéo léo giữa truyền thống và hiện đại, MV “Bắc Bling” không chỉ là một sản phẩm âm nhạc bắt tai mà còn góp phần lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc đến với khán giả trẻ.

Trước ca sĩ Hòa Minzy, sự thành công của nhiều nghệ sĩ trẻ như Hoàng Thùy Linh với “Để Mị nói cho mà nghe”, “Gieo quẻ”; Bùi Xuân Trường (Double 2T) với “À Lôi”; Hà Myo với “Xẩm Hà Nội”... cùng nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng khác đã mở ra một xu hướng âm nhạc mới, có sức ảnh hưởng đến thế hệ trẻ và việc giữ gìn văn hóa dân tộc. 

Những năm gần đây, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đồng thời mở ra các trào lưu văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều trên không gian mạng. Bên cạnh trào lưu hình thành trong nước, những dòng chảy văn hóa từ nhiều quốc gia cũng dần xâm nhập và có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến đời sống tâm lý, tình cảm của người trẻ hiện nay. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự giao thoa văn hóa giữa các quốc gia là xu thế tất yếu. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và internet, những luồng văn hóa bên ngoài có thể xâm nhập vào dòng chảy văn hóa Việt Nam. Điều này khiến nhiều giá trị truyền thống có nguy cơ bị phai nhạt. 

Thế hệ trẻ là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi văn hóa toàn cầu và cũng chính là nhóm có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong dòng chảy của xã hội hiện đại, “cơn lốc” văn hóa ngoại lai liệu có càn quét đi những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc? Làm thế nào để giữ hồn văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ? Liệu các bạn trẻ ngày nay có thực sự chỉ đang chạy theo xu hướng thời đại mà quên đi những giá trị văn hóa truyền thống?

Trước những vấn đề đó, việc phòng ngừa các làn sóng “xâm lăng” văn hóa ngoại lai để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ hiện nay là vô cùng cần thiết.

Nghệ thuật truyền thống phải được sống trong đời sống, văn hóa truyền thống phải được đem ra quảng bá mới phát huy hết giá trị và có đất để “nảy mầm”. Thực tiễn thời gian gần đây cho thấy, nhiều người trẻ biết dựa vào văn hóa truyền thống để làm nguồn cảm hứng thăng hoa sáng tạo. Không chỉ âm nhạc mà cả hội họa, điện ảnh, thời trang, ẩm thực, du lịch... đã trở thành phương tiện để các bạn trẻ quảng bá, giới thiệu văn hóa dân tộc ra thế giới. Đưa văn hóa truyền thống vào trong sáng tạo nghệ thuật, để văn hóa truyền thống trở thành chất liệu, nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ trẻ sáng tạo là việc làm rất cần thiết, cần được đẩy mạnh. Cần tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích người trẻ dám nghĩ, dám làm, nhân rộng những mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên nền tảng văn hóa truyền thống, để lan tỏa giá trị văn hóa Việt tới cộng đồng quốc tế theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII: “Phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo, sáng tạo, có sức lan tỏa để quảng bá, giới thiệu ra thế giới”.

Sự thành công của MV “Bắc Bling” không chỉ mở ra một hướng đi mới trong sáng tạo nghệ thuật mà còn là chất xúc tác quan trọng để thế hệ trẻ trân trọng hơn các giá trị văn hóa truyền thống. Để các giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy trong điều kiện hội nhập quốc tế, thế hệ trẻ cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình, có nhiều hơn nữa những đóng góp thiết thực trên các lĩnh vực sáng tạo, góp phần giữ gìn hồn cốt văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa. 

ĐỖ PHÚC ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.