Bên cạnh đó, với mục đích giúp quân đội các nước có cơ hội giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị cũng như có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về nền văn hóa xứ bạch dương, quân đội Nga đã tổ chức một số buổi biểu diễn văn nghệ cho quân nhân các nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Myanmar.

Qua giao lưu văn nghệ, đoàn quân đội các nước có cơ hội hiểu thêm về đất nước, con người và truyền thống văn hóa xứ bạch dương, cũng như tình yêu của người dân Nga dành cho Tổ quốc. Những ca khúc quen thuộc, nổi tiếng mang đậm bản sắc văn hóa Nga từng gắn bó với nhiều thế hệ người Việt Nam và các nước như: Đôi bờ, Kachiusa... đã nhận được sự cổ vũ nhiệt liệt của khán giả.

 Giao lưu văn nghệ giữa quân đội các nước.

Trong một chương trình, Ban tổ chức giới thiệu tiết mục do đoàn Trung Quốc chuẩn bị. Trong bộ quân phục chỉnh tề, quân nhân Trung Quốc khuấy động khán phòng với màn nhảy đẹp mắt và ngỏ ý muốn mời người lên nhảy cùng. Với các quân nhân đã quen với nắng gió thao trường, quen với kỷ luật điều lệnh, điều này quả không dễ. Giữa lúc đó, một sĩ quan Việt Nam-với sự cổ vũ nhiệt tình của đồng đội-đã tự tin bước lên sân khấu. Màn trình diễn điệu nhảy điêu luyện của anh khiến hàng trăm quân nhân các nước có mặt trong hội trường reo hò thán phục, tiếng vỗ tay vang dội không ngớt cho đến khi tiết mục kết thúc.

Các sĩ quan Nga trong Ban tổ chức cũng bất ngờ trước hiệu ứng đang lan tỏa tích cực từ tiết mục biểu diễn kết hợp giữa hai quân nhân Trung Quốc và Việt Nam. Ngay khi chương trình kết thúc, hàng trăm quân nhân ríu rít bắt tay, chào hỏi nhau. Dường như mọi e dè, khoảng cách về ngôn ngữ, màu da, quốc tịch lúc này đã được xóa nhòa. 

Người sĩ quan Việt Nam đó là Trung tá Lê Đức Tiệp, tiến sĩ, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, hiện đang thuộc biên chế Viện Tên lửa và Kỹ thuật điều khiển, Bộ môn Kỹ thuật điện, chuyên ngành tự động hóa. Anh đã có tổng cộng 10 năm sinh sống, học tập, nghiên cứu tại Nga. Những tháng ngày trên xứ bạch dương, xa gia đình, xa bè bạn, anh dồn toàn bộ tâm trí vào việc học. Khi mới sang, chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Nga là một khó khăn với nhiều sinh viên quốc tế. Quyết tâm phải giỏi tiếng Nga, anh đã tìm tới lớp học dancesport (khiêu vũ thể thao), bởi với anh, đây vừa là một môn nghệ thuật vừa là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, và hơn hết, có nhiều cơ hội thực hành giao tiếp với người bản xứ.

“Tiếng Nga của tôi được cải thiện nhanh chóng, lợi hơn nữa là nhờ dancesport, tôi có thêm nhiều hiểu biết về văn hóa, đất nước, con người Nga tốt bụng và đôn hậu, càng thêm yêu và gắn bó với xứ bạch dương... Khiêu vũ cũng giúp tôi trở nên tự tin về bản thân và có thể dễ dàng hòa nhịp cùng bạn bè quốc tế trong các sự kiện chung của sinh viên tại Nga”, Trung tá Lê Đức Tiệp chia sẻ. Dần dà, anh trở thành người hướng dẫn trong nhiều lớp học dancesport. Một trong những học trò của anh sau này trở thành người nổi tiếng, đó là kiện tướng dancesport Đặng Thu Hương, người cùng với kiện tướng Phan Hiển trở thành cặp đôi vàng trong giới dancesport Việt Nam, thường xuyên đi thi đấu và giành nhiều huy chương vàng trong các giải khiêu vũ quốc tế.

Điều thú vị là sau nhiều năm mất liên lạc, vừa qua, khi xem được clip màn khiêu vũ ngẫu hứng của quân nhân Việt Nam và Trung Quốc trên mạng xã hội, kiện tướng dancesport Đặng Thu Hương đã nhận ra người thầy dạy khiêu vũ cho mình thuở nào và tìm cách kết nối lại liên lạc với anh.

Cùng với Trung tá Trần Xuân Trung, Trung tá Lê Đức Tiệp là một trong hai giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự được Bộ Quốc phòng chọn làm phiên dịch cho đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Cả Tiệp và Trung từng nhiều năm học tập và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Nga. Am hiểu văn hóa Nga, nên ngoài nhiệm vụ phiên dịch, hai anh còn là người tham vấn cho đoàn về văn hóa nước sở tại, nhằm xây dựng một hình ảnh thống nhất và thân thiện, văn minh của đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, bởi rất nhiều thành viên trong đoàn là chiến sĩ trẻ, lần đầu tiên tham gia một sự kiện lớn ở nước ngoài và có thời gian khá dài sinh hoạt trong một môi trường xa lạ cùng nhiều bạn bè tới từ các quốc gia khác nhau.   

“Ngoại giao văn hóa là quá trình tương tác hai chiều, giới thiệu những nét đặc sắc của mình với nhân loại và tiếp thu những nét đẹp của cộng đồng quốc tế. Ngoại giao văn hóa góp phần làm nên sức mạnh mềm của Việt Nam”. Đó là chia sẻ của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc. Và tôi tin, với những gì đã và đang thể hiện trên xứ bạch dương, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ; đồng thời thực hiện rất thành công vai trò “sứ giả văn hóa”, là cầu nối giúp lan tỏa hình ảnh con người Việt Nam đầy tính nhân văn, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế.

Bài và ảnh: HÀ PHƯƠNG (từ thủ đô Moscow, Liên bang Nga)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan.