Chúng tôi đến thăm nhà văn Hoàng Quốc Hải nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2022), ông là nhà văn đã dành trọn 6 thập kỷ cho những trang văn về một Hà Nội văn minh, thanh lịch và cả hoài niệm với Thăng Long - nơi gửi gắm cho hậu thế nhiều bài học lịch sử quý báu. 

Nhà văn Hoàng Quốc Hải sinh năm 1938 trong một gia đình nền nếp Nho giáo, để có được sự am hiểu tường tận nhiều lĩnh vực bản thân ông đã trải qua nhiều năm phấn đấu, tự học và rèn luyện. 

 Nhà văn Hoàng Quốc Hải sinh năm 1938 trong một gia đình nền nếp Nho giáo, để có được sự am hiểu tường tận nhiều lĩnh vực bản thân ông đã trải qua nhiều năm phấn đấu, tự học và rèn luyện.

Dành trọn cuộc đời văn học với Hà Nội

Với những người yêu mến văn học thì chẳng xa lạ với cuốn “Ký sự ven Hồ” của nhà văn Hoàng Quốc Hải được xuất bản ngày 10-10-2014, mừng 50 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Thông qua tập ký sự, nhà văn cho bạn đọc xa gần những kiến thức thật tỉ mỉ, thật sâu sắc một cách tinh tế về cảnh và đất ven hồ Tây. 

Hình ảnh những con người sống quanh Hồ Tây được nhà văn tái hiện một cách chân thực và sinh động. Ông cho hay: “Họ cần cù chịu khó chắt chiu giọt nắng giọt sương, mồ hôi nước mắt để cống hiến cho đời những cành đào, cây quất, ấm trà sen đượm hương, miếng bánh cốm dẻo thơm hay điệu ca trù da diết níu kéo... Con người ven hồ Tây - người Hà Nội với những thú chơi thanh cao, tao nhã luôn để lại ấn tượng khó phai trong lòng độc giả”.

Thong thả trà dư tửu hậu đãi khách, nhà văn kể cho chúng tôi về sử sách Trung Hoa mô tả về Hồ Tây (Dâm Đàm): “Thành Thăng Long có cái hồ mà giữa trưa nắng không nhìn thấy mặt trời, chim bay va vào nhau rơi xuống lộp độp. Nước Giao Chỉ là loại người chuyên sống dưới nước, họ có thể đi dưới nước cả buổi mà không cần ngoi lên thở…”.

Phải là người mang tình yêu chan chứa và sâu đậm mới có thể hiểu, cảm nhận sâu sắc về mảnh đất ngàn năm văn vật. Nhà văn xúc động: “Hà Nội và Thăng Long, hai cái tên chẳng thể tách rời trong tôi, Hà Nội là hiện tại còn Thăng Long là trầm tích. Chúng ta nhìn vào hiện tại để hiểu được những gì của Thủ đô đổi mới nhưng nhìn vào quá khứ chúng ta như nhìn vào một tấm màn sương đục”. 

Cũng chính vì lẽ đó mà nhà văn đã dành trọn cả cuộc đời văn học của mình để tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử nơi đây. Bàn làm việc của ông lúc nào cũng có rất nhiều chồng sách lịch sử, sách tra ngày âm dương, sách niên biểu các triều đại, sách ấn chương Việt Nam…

Điều tôi ngạc nhiên chính là phong cách làm việc cùng phương tiện làm việc của ông. Hiếm còn một nhà văn nào vẫn sử dụng bút máy để viết văn, loại mực ông dùng là mực Parker. Bất cứ nơi nào ông ngồi sáng tác hay viết bản thảo đều giống như một cửa hàng bán văn phòng phẩm, nào là lọ mực, bút, kính lúp… từng chồng bản thảo dài mấy trăm trang, nét chữ ngay ngắn như bộ đội duyệt binh. 

Nhà văn Hoàng Quốc Hải cùng vợ là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng - 2 sắc màu khác biệt cả trong văn chương lẫn cuộc đời nhưng lại gắn bó bù trừ cho nhau. 

Ngòi bút sống lại triều đại Lý - Trần

Với nhà văn Hoàng Quốc Hải, sử học là biển lớn, cần bổ sung không ngừng. Bởi ông quan niệm: “Cái tựa đúng hôm qua chưa phải đã là khuôn vàng thước ngọc cho hôm nay”.

Cái duyên đưa đẩy trong cuộc đời nhà văn đến với lịch sử của Việt Nam. Theo ông, lịch sử Việt Nam có sự hào hùng và đau thương. Khi bắt tay tìm hiểu cụ thể những con người làm ra lịch sử, ông thấy rằng lịch sử được làm ra bởi những người tài ba, anh kiệt có tâm với non sông đất nước, giống nòi, thế hệ sau cần phải hiểu biết và trân trọng họ. 

Trên hành trình gắn bó với từng trang văn, cây bút để có những tài sản quý giá từ đam mê, tài sản lớn nhất của nhà văn Hoàng Quốc Hải chính là bộ tiểu thuyết lịch sử về hai thời đại oanh liệt nhất, phát triển nhất của Việt Nam - Tám triều vua Lý và bộ Bão táp triều Trần, thời gian kéo dài hơn 400 năm. 

Trước ông, Việt Nam chưa từng có tác phẩm nào đồ sộ đến vậy. Ở thế kỷ XV, Việt Nam mới chỉ có văn xuôi nhưng đến đầu thế kỷ XVIII đã xuất hiện cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên - Hoàng Lê Nhất Thống chí. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết lịch sử cũng chỉ mới đề cập tới những xung đột trong lịch sử của dân tộc khoảng hơn 30 năm (cuối thế kỷ 18, từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa năm 1767 đến lúc Nguyễn Ánh lên ngôi vua năm 1802). 

Ông cho hay: “Tiểu thuyết lịch sử có quyền hư cấu, tưởng tượng nhưng các sự kiện lịch sử diễn ra trong tác phẩm phải đảm bảo yếu tố trung thực, có tính logic lịch sử của dân tộc. Những tư liệu lịch sử đáng tin cậy và quý giá ấy phải có được đều phải trải qua cả một hành trình gian nan hiểu biết sâu rộng về văn hóa, phải là nhà văn hóa thực sự với vốn tri thức uyên bác của mình”. 

Ngòi bút của nhà văn đã làm sống lại lịch sử của triều đại Lý - Trần. Do đó, khi đọc tiểu thuyết lịch sử ông viết, nhiều độc giả bày tỏ niềm vui khi họ có sự hiểu biết thêm rất nhiều về lịch sử dân tộc. Tất cả đều tự hào với lịch sử hào hùng của cha ông, các tác phẩm của ông viết rất sống động, phong phú về sử liệu, tính nghệ thuật cao. 

Tám Triều Vua Lý (Trọn bộ 4 tập) viết về nhà Lý từ khi khởi nghiệp đến khi kết thúc (1009 – 1225) trải dài 216 năm trong tiến trình lịch sử Việt Nam. 

Nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng bày tỏ: “Qua từng tác phẩm của mình, tôi muốn làm sống lại trang sử hào hùng của dân tộc. Xuất phát từ sự kính phục tiền nhân, họ không chỉ anh hùng ngoài chiến trận mà còn sống rất hào hoa, lịch lãm và trí tuệ”.

Chỉ khi đọc tác phẩm của ông, chúng ta mới thấy được dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam, hiểu biết thêm những giá trị nhân văn, phẩm giá, tài năng của cha ông ta và lòng tự hào với lịch sử của dân tộc. Ông chính là kho tư liệu sống lưu giữ những giá trị quý báu về lịch sử dân tộc Việt Nam. Dòng chảy của lịch sử cứ thế cuồn cuộn sống lại, tuôn trào như dòng thác nhập vào những trang văn viết của ông.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải sinh năm 1938 tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Ông đạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017; Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1970 (truyện "Ông Giám đốc như tôi đã biết"); Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2008 (bộ "Bão táp triều Trần"); Giải Thành tựu văn học trọn đời năm 2020 do Hội Nhà văn Hà Nội trao tặng.  

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC