Tám mươi tuổi, bà tôi hãy còn khỏe mạnh và tinh anh lắm. Có ba người con nhưng bà chẳng chịu ở chung với ai cả. Bà bảo, chừng nào còn cầm được cái cuốc, chừng đó, bà chưa muốn phiền lụy đến cháu con. Hằng ngày, bà cần mẫn cuốc tơi doi đất bên hông nhà trồng đủ loại hoa, thứ quả, thức rau. Mảnh vườn của bà là cả một thế giới thần tiên kỳ diệu. Chỗ này là giàn mướp trổ hoa vàng ruộm. Chỗ kia là luống rau cải xanh non. Bên trái là triền oải hương tím biếc. Bên phải là cây ổi cao nghều. Mỗi mùa một thức, vườn bà thêu những đường nét lung linh, ấm áp của quả, của hoa, nổi bật lên giữa vùng núi vốn dĩ u huyền, tĩnh lặng...
Đứng bên mái hiên thơm mùi nắng mới của bà, có thể đưa tầm mắt ra xa ngắm xóm làng, đồng ruộng như bức tranh sơn dầu hài hòa, sinh động. Tất cả hiện lên thênh thang và yên bình quá đỗi. Nhịp sống nơi đây tựa một cõi thiền, bồng bềnh mây, lãng đãng khói, bàng bạc sương. Không khí trong lành đượm mùi hương thảo mộc. Bà trẻ hơn tuổi thật rất nhiều. Da dẻ bà sáng hồng, tươi nhuận. Gặp ai, bà cũng niềm nở thăm hỏi với nụ cười rạng ngời. Tóc vấn khăn nhung đen gọn ghẽ, dáng đi từ tốn, khoan thai, trông vừa thanh cao lại vừa gần gũi, như bà tiên nhân hậu bước ra từ câu chuyện cổ tích thơ bé...
Bước lên những bậc thang bằng đá phủ kín rêu xanh dẫn lên nhà bà, chợt có cảm giác trầm buồn, quạnh quẽ. Cứ tưởng bà ở một mình bên sườn núi sẽ buồn. Nhưng bà điềm đạm nói rằng, hòa hợp với thiên nhiên cũng là niềm vui đáng quý. Ngôi nhà của bà luôn rộn ràng những bản nhạc trong veo. Là tiếng chim chuyền cành líu lo chào ngày mới. Là tiếng suối reo róc rách bốn mùa. Là tiếng mưa sa gieo vần trên mái lá. Là tiếng gió êm thao thức đêm dài. Chiều chiều, bà rải tấm trước vuông sân gạch cho lũ gà háu ăn. Chúng túc túc ùa về tranh nhau nhặt nhạnh. Mấy chú sẻ sa xuống mót những hạt tấm sót lại, dạn dĩ đậu trên vai bà...
Không được đi đây đó nhiều, bà vẫn sở hữu cả một kho tàng tri thức, ca dao, tục ngữ khiến nhiều người phải nể phục. Bởi, dẫu mắt đã mờ hơn trước, mỗi bình minh, bên chiếc bàn đặt gần ô cửa sổ, bà luôn giữ thói quen đeo kính đọc những cuốn sách cũ ám mùi mối mọt. Trong ngôi nhà nhỏ hai gian ấy, ngoài chiếc giường nan, bộ cốc chén bằng sứ và bình gốm cắm đầy hoa dại, bà dành khoảng trống rộng nhất trưng một chiếc giá gỗ nhiều ngăn xếp đầy gáy sách. Và những cuốn báo biếu có bài viết của tôi được bà cất giữ cẩn thận trong chiếc hòm tôn. Chạm vào đây cũng thấy toàn chữ nghĩa. Sách là người bạn lớn của bà tôi...
Đến nhà bà chơi, việc đầu tiên của tôi là hí hửng sà ngay vào bếp xem bà đang chuẩn bị món gì. Bà sống giản dị, nên gian bếp cũng thật mộc mạc với bó củi khô, dăm cái niêu đất và mấy lọ gia vị. Rau củ đã có sẵn ngoài vườn. Hôm nào con cháu đến chơi tề tựu đông vui thì bà thịt thêm con gà trống thiến. Ngồi bên bà, nghe tiếng củi lửa lép bép nổ đều mà thấy lòng xôn xao đến lạ. Bà khẽ khàng sắp từng món một lên chiếc phiên mây ọp ẹp: Cơm trắng thơm lừng niêu đất, thịt gà nấu xáo vàng ươm, lạc rang béo giòn sém vỏ, bát canh rau bí đưa hương. Đôi khi sự sang trọng được bắt đầu từ những điều rất đỗi đơn sơ như vậy...
Khi trưởng thành, mỗi chúng ta đều muốn sở hữu một ngôi nhà theo mong ước của bản thân. Có người thích một ngôi nhà sàn bằng gỗ. Có người thích một căn chung cư rộng rãi đầy đủ tiện nghi. Có người thích một khu biệt thự khang trang, tráng lệ. Lại có người thích một thiết kế riêng theo phong cách châu Âu. Với tôi, căn nhà lý tưởng là nơi mình khao khát trở về những lúc đi xa, nơi luôn mang lại cảm giác thoải mái xua tan mọi xô bồ, mỏi mệt. Dù đã xuôi ngược từ Nam chí Bắc, đã được tận hưởng sự hiện đại trong những khách sạn hạng sang đắt đỏ, tôi vẫn cho rằng ngủ trong ngôi nhà của bà là thảnh thơi và an lành nhất...
Tôi thường nói đùa với bà, sau này lỡ như thất nghiệp, vợ chồng chúng cháu sẽ lên núi ở cùng bà, làm những người nông dân chất phác, sống vô tư, thanh dã giữa cuộc đời...
Tản văn của PHAN ĐỨC LỘC