Thông tin này nhận được sự quan tâm của nhiều viên chức nghệ thuật biểu diễn giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV thuộc đối tượng nhận hỗ trợ lần này. Đã hơn một tháng qua, đến nay, họ vẫn đang chờ...

Đợi... tiếp sức

Bệnh dịch ập đến, từ đầu năm 2020 đến nay, chị Trần Thị Mai Anh là một trong số hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của Nhà hát Múa rối Thăng Long không còn “đất diễn”. “Nhà hát từng đạt kỷ lục “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm”, thế nhưng từ khi bị dịch Covid-19 đến nay, nhà hát đóng cửa, lại là loại hình nghệ thuật múa rối chủ yếu phục vụ khách du lịch nước ngoài nên hoạt động biểu diễn gần như bằng không”, chị Mai Anh chia sẻ và cho biết thêm: Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát lâm vào tình cảnh rất khó khăn, không có hoạt động biểu diễn, lương thấp, nhiều diễn viên hợp đồng quê ở xa phải thuê nhà, để sống được, nhiều người phải xoay xở đủ việc từ bán hàng online, làm xe ôm, làm thuê... Dù công tác trong ngành đến nay đã 17 năm, nhưng do tốt nghiệp hệ trung cấp nên chức danh nghề nghiệp của chị chỉ ở hạng IV, lương 3,7 triệu đồng/tháng. Nhưng chị nói mình vẫn còn may mắn vì có nhà ở Hà Nội, không phải đi thuê như nhiều bạn diễn khác. Song gia đình cũng gặp nhiều khó khăn bởi một mình nuôi hai con, đứa lớn vừa thi tốt nghiệp THPT, đứa nhỏ học lớp 4. Cũng vì bươn chải công việc làm thêm mà hồi tháng 2 chị bị tai nạn gãy chân, có chút tiền tích lũy phải lo chữa bệnh hết. “Đói thì đầu gối phải bò”, nhiều tháng qua, chị được hàng xóm cho ngồi nhờ trước cửa nhà mặt đường Quán Thánh để bán bánh giò, mỗi ngày có thêm thu nhập khoảng 200.000 đồng, nhưng từ khi thực hiện giãn cách toàn thành phố, không được bán hàng nữa, gia đình chị đang lâm vào tình cảnh ăn hôm nay lo bữa mai.

Tiết mục biểu diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam trong chương trình biểu diễn trực tuyến “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”. 

Khi biết thông tin về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, chị Mai Anh cũng như hơn 2.000 viên chức là nghệ sĩ (theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV khấp khởi mừng. “Thực tế trong xã hội còn có rất nhiều người gặp khó khăn, bản thân nghệ sĩ chúng tôi không phải ai cũng muốn nhận sự hỗ trợ, nhưng quả thực khi trên sân khấu biểu diễn chỉ biết hết mình cho nghệ thuật, rời ánh đèn sân khấu, nhất là những nghệ sĩ làm nghệ thuật truyền thống như chúng tôi chẳng biết làm nghề gì khác. Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, chúng tôi thấy ấm lòng, giữ nhiệt huyết với nghệ thuật truyền thống”, chị Mai Anh bày tỏ.

Cần triển khai sớm

NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc (LĐX) Việt Nam cho biết, liên đoàn lập danh sách hơn 100 trường hợp thuộc đối tượng được hỗ trợ. Tuy nhiên, tới nay sau khi gửi danh sách lên cơ quan chức năng, nghệ sĩ vẫn tiếp tục chờ. “Mức hỗ trợ cho họ được khoảng 3,7 triệu đồng/người/lần. Khoản tiền không lớn nhưng có vai trò động viên tinh thần, nghệ sĩ cảm kích vì cảm nhận không bị bỏ lại phía sau”, NSND Tống Toàn Thắng nói. Cũng theo lãnh đạo LĐX Việt Nam, nhiều tháng qua, đơn vị đã phải huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ mua gạo, mì ăn liền, dầu ăn... để các diễn viên, nhất là diễn viên hợp đồng đang sinh sống trong khu tập thể ở khuôn viên liên đoàn yên tâm sinh sống. Bởi hầu hết các em mới ra trường, thu nhập thấp, quê lại xa, thực hiện giãn cách xã hội không thể đi lại được.

Nhà hát Chèo Việt Nam cũng trong hoàn cảnh tương tự LĐX Việt Nam, diễn viên phần nhiều là hợp đồng, tốt nghiệp trung cấp và cao đẳng nên lương thấp. “Hiện nhà hát trích nguồn ngân sách ít ỏi để giúp đỡ các em yên tâm sinh sống. Nhưng với đà này thì không biết sẽ trụ thêm được bao lâu”, NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ. Nhà hát cũng đã lập danh sách hơn 40 diễn viên đề nghị lên cơ quan chức năng để được hỗ trợ, còn lãnh đạo nhà hát thì mong mỏi, cần có sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan để những chính sách, sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ kịp thời đi vào đời sống.

Đề cập đến gói hỗ trợ nghệ sĩ, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc cho biết: “Chính sách hỗ trợ cho nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có ý nghĩa và rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. Vì thế dù Nhà nước hỗ trợ ít hay nhiều, nghệ sĩ cũng cảm nhận mình được quan tâm, chia sẻ để vượt qua khó khăn trong mùa dịch, có thêm động lực cống hiến, giữ lửa nghề. Vì dịch Covid-19 và đặc thù nghề nghiệp, nghệ sĩ chịu ảnh hưởng trước tiên vì phải dừng hoạt động, đến khi các lĩnh vực được hoạt động, nghệ sĩ cũng chỉ được hoạt động cuối cùng”.

Dù vậy, các đơn vị nghệ thuật mong rằng, khi có chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn do dịch Covid-19, ngành văn hóa nên tổ chức các cuộc tọa đàm, hay tổ chức một cuộc họp trực tuyến để lắng nghe ý kiến của các đơn vị nghệ thuật. Từ đó, cơ quan chức năng có thể linh hoạt, xác định đúng đối tượng cần được hỗ trợ. Hiện nay, các diễn viên trẻ, diễn viên hợp đồng vẫn được các đơn vị nghệ thuật hỗ trợ từ bữa ăn, trợ cấp tiền lương từ nguồn quyên góp, ủng hộ để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN