Ngày Tết Trung thu đang đến gần cũng chính là thời điểm cơ sở chế tác lân sư rồng của nghệ nhân Bùi Viết Tưởng tại xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Khi chúng tôi tìm đến cơ sở chế tác, là lúc nghệ nhân Viết Tưởng đang cặm cụi hoàn thiện những chiếc đầu lân chuẩn bị giao cho các đội lân đã đặt hàng để sử dụng nhân dịp Tết Trung Thu sắp tới. Đây là một trong số ít cơ sở còn duy trì sản xuất đầu lân, đầu rồng tại Hà Nội hiện nay.
 |
Nghệ nhân trẻ Bùi Viết Tưởng tỉ mỉ chế tác đầu lân.
|
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề đặc biệt này, anh Tưởng tâm sự: “Từ võ mới đến lân, từ nhỏ tôi đã có niềm đam mê với võ thuật và quyết tâm theo học rồi trở thành một võ sinh. Mong muốn truyền đạt lại những gì mình được học, tôi đã mở lớp giảng dạy võ thuật cho các bạn yêu thích bộ môn này”.
Với niềm đam mê võ thuật cùng với sở thích xem múa lân từ nhỏ đã hướng anh đến với nghệ thuật múa lân sư rồng và sản xuất đầu lân, đầu rồng để cung cấp cho thị trường. Gần 10 năm nay, bằng niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề, anh đã cho ra thị trường những đầu lân, đầu rồng với số lượng lớn và kiểu loại phong phú. Xưởng đắt hàng nhất vào 2 đợt trong năm, đó là Tết Nguyên Đán và Tết Trung thu.
Theo nghệ nhân Bùi Viết Tưởng, để sản xuất ra một đầu lân hay đầu rồng phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ làm khung, đến cắt, may, làm phụ kiện trang trí…tất cả đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Để mắt và tai của chú lân, chú rồng hoạt động ăn khớp với nhau có lẽ là công đoạn phức tạp, đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mẩn cao nhất.
 |
Học trò của anh Tưởng chăm chút tạo ra những chiếc đầu lân nhiều màu sắc. |
 |
Những chiếc đầu lân mới hoàn thành để phục vụ cho mùa Trung thu năm nay. |
“Các bước trang trí giống như “thổi hồn” cho đầu lân, mỗi đôi mắt của lân cần toát lên được thần thái riêng. Hơn nữa, cũng cần tính toán về trọng lượng, độ chắc chắn, chịu lực khi biểu diễn”, anh Tưởng chia sẻ thêm.
Thực tế, nghề làm đầu lân, đầu rồng khá vất vả nhưng thu nhập lại không cao. Toàn bộ các công đoạn đều được làm thủ công bằng đôi bàn tay khéo léo, kiên trì và bộ óc sáng tạo của những người thợ làm nghề. Tùy vào từng kích cỡ, chất lượng, mẫu mã, số lượng của từng đơn đặt hàng mà quy định ra giá. Với thợ lành nghề phải mất 5 – 6 ngày mới hoàn thiện được một sản phẩm. Nhưng với tình yêu nghề, yêu nghệ thuật múa lân sư rồng, anh Tưởng luôn động viên mọi người gắn bó với nghề.
Để có thể chế tác hoàn thiện một bộ lân sư rồng bên cạnh phần đầu đó chính là phần thân. Chị Nguyễn Thị Mẫn (vợ anh Tưởng cho biết): “Thấy chồng ham mê chế tác đầu lân, đầu rồng cũng đã khiến mình yêu thích công việc này. Chính bởi vậy mình đã học hỏi nhiều nơi về cách may thân cho lân sư rồng để phụ giúp chồng”.
 |
Chị Mẫn (vợ anh Tưởng) đảm nhận may phần thân cho lân sư rồng.
|
Mới tròn 34 tuổi nhưng nghệ nhân Viết Tưởng đã có gần 10 năm kinh nghiệm chế tác lân sư rồng và anh đã làm trưởng đoàn lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường 16 năm nay, là "nhạc trưởng" của 300 thành viên chuyên đi múa lân, múa rồng thuê tại các sự kiện, lễ, Tết, khai trương, khởi công công trình xây dựng...
Đoàn lân sư rồng của nghệ nhân Viết Tưởng tập hợp được nhiều thanh niên không có việc làm ổn định tham gia biểu diễn thuê để tạo nguồn thu nhập, qua đó còn góp phần rèn luyện sức khỏe, hạn chế tệ nạn xã hội cho các thành viên. Từ khi thành lập đến nay, đoàn lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường đã đi biểu diễn, thi đấu khắp nơi, mang về rất nhiều thành tích, hiện nay tại cơ sở chế tác có gần 100 bằng khen, giấy khen từ các cấp về lĩnh vực này của cá nhân anh Tưởng và tập thể.
 |
Đoàn lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường tập luyện để biểu diễn cho những ngày Trung thu sắp tới.
|
Bạn Trần Văn Xuân , 21 tuổi (tại xóm Dinh, xã Quảng Bị) cho biết: "Em tham gia vào đoàn lân của thầy Bùi Viết Tưởng đã gần 4 năm nay, mỗi lần đi múa thuê em lại có thêm nguồn thu nhập. Những lúc không đi biểu diễn thầy nhiệt tình hướng dẫn chúng em cách chế tác lân sư rồng và từng bước truyền nghề lại cho các đệ tử. Càng học, em càng thấy yêu và gắn bó với nghề này hơn”.
Anh Tưởng cho biết: “Múa lân là nghệ thuật kết hợp sự mạnh mẽ, dứt khoát của bộ môn võ thuật cổ truyền cùng với sự khéo léo uyển chuyển khi điều khiển lân tạo nên những màn trình diễn độc đáo, đặc sắc”.
|
Rộn ràng tiếng trống múa lân.
|
Trong những lần biểu diễn trong và ngoài nước, với sự khéo léo và những kỹ thuật tinh xảo đoàn lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường đã gây được tiếng vang, tạo ấn tượng mạnh cho du khách. Đây cũng chính là “nhân duyên” để anh mở rộng thị trường cho sản phẩm lân sư rồng của mình. Đến nay, cơ sở sản xuất của anh đã cung cấp đầu lân, đầu rồng cho hầu khắp thị trường trong nước và 8 quốc gia trên thế giới. Mới đây anh đã gửi những chiếc đầu lân, đầu rồng màu sắc cho khách đặt hàng bên Australia.
Gìn giữ và phát triển nghề sản xuất đầu lân, đầu rồng hơn nữa cũng như nghệ thuật múa lân là điều mà thầy trò nghệ nhân trẻ tuổi Bùi Viết Tưởng luôn luôn ấp ủ. Qua đó, góp phần gìn giữ và làm sống dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ta.
Bài, ảnh: DIỆU HUYỀN