Vào một buổi sáng đầu Thu chúng tôi có dịp ghé thăm làng nghề bánh mứt kẹo truyền thống Xuân Đỉnh, hỏi thăm người dân về gia đình có truyền thống làm nghề lâu đời nhất trong làng, ai nấy đều chỉ chúng tôi đến cơ sở sản xuất bánh ngọt cổ xưa Sinh Hùng. Tìm đến nơi, gia đình ông Dũng đón tiếp chúng tôi nhiệt tình, chia sẻ về những câu chuyện làm nghề.

Dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng bánh ông Dũng cho biết: “Theo như bố tôi kể lại, trước đây cụ và người anh tên Bảo Phương cùng nhau đi học nghề làm bánh Trung Thu. Sau đó cụ ông nhận thấy lợi ích mà nghề làm bánh Trung thu mang lại không chỉ gìn giữ về mặt văn hóa mà còn phát triển cả về kinh tế, cụ đã chia sẻ công thức và phát triển thành làng nghề như hiện nay. Còn cụ Bảo Phương lúc bấy giờ phát triển nghề tại Thụy Khuê (Hà Nội)”.

Tiếp lời của chồng, bà Đỗ Thị Nhuận (55 tuổi) chia sẻ: “Được cha truyền lại, chồng tôi rất đam mê theo nghề làm bánh Trung thu nên chỉn chu từng khâu, từng quy trình trong quá trình làm bánh. Các nguyên liệu dùng để làm bánh như: Bột, thịt, mỡ, đỗ, hạt bí,… đều được chồng tôi lựa chọn kỹ càng”.

leftcenterrightdel

Làm nhân bánh được coi là công đoạn quan trọng nhất. 

Lần đầu tận mắt chứng kiến các công đoạn làm bánh Trung thu, chúng tôi cảm nhận rõ sự tỉ mỉ, công phu trong quy trình sản xuất ra từng chiếc bánh. Công đoạn đầu tiên là nhào bột rồi chia đều bột để cán thành vỏ bánh. Tiếp tới làm nhân bánh, đây là phần mà người thợ làm bánh coi là quan trọng nhất, mỗi chiếc bánh có trọng lượng khác nhau sẽ có lượng nhân quy định. Sau khi cho nhân vào vỏ bánh, người thợ tiếp tục ép bánh vào khuôn để thành hình. Trước khi đưa vào lò, bánh sẽ được xịt một lớp lòng đỏ trứng lên bề mặt để tạo độ thơm và màu bánh đẹp tự nhiên. Tiếp đến là nướng bánh và cuối cùng là công đoạn đóng gói.

leftcenterrightdel

Trước khi nướng, bánh sẽ được xịt một lớp lòng đỏ trứng để tạo màu tự nhiên. 

leftcenterrightdel

Mỗi mẻ bánh sẽ được nướng 2 lần, mỗi lần khoảng 10-15 phút tùy vào kích cỡ và trọng lượng của bánh. 

Hiện nay cơ sở sản xuất bánh ngọt cổ xưa Sinh Hùng có khoảng 20 loại nhân bánh Trung thu khác nhau với nhiều loại hình hài như: Hình tròn, hình vuông, con cá, vầng trăng. Giá bánh Trung thu dao động từ 35.000 đến 70.000 đồng/chiếc.

Cầm những chiếc bánh Trung thu với vị thập cẩm trên tay, chị Nguyễn Thị Phương (tại quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Hằng năm cứ mỗi dịp Trung thu đến tôi đều xuống đây mua, mỗi lần thường mua với số lượng lớn mang về cho gia đình và biếu tặng cho người thân. Nhà tôi đã tin tưởng và sử dụng bánh ở đây từ đời cha mẹ đến đời tôi cũng gần 20 năm. Bánh Trung thu Sinh Hùng mang hương vị truyền thống, đặc sắc riêng không phải ở đâu cũng có, nhân bánh dày thơm đậm vị với vỏ bánh mỏng nướng đủ nhiệt chín, hợp khẩu vị với rất nhiều gia đình Việt”.

leftcenterrightdel

 Khách hàng nhộn nhịp mua bánh Trung thu từ sáng sớm. 

Có mặt từ sáng sớm tại tiệm bánh, chị Nguyễn Hằng Thương (sống ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ: “Mỗi mùa Trung thu đến, tôi muốn tìm về hương vị truyền thống nên đi xe máy hơn 10km đến đây mua 2 chiếc bánh nướng, 2 bánh dẻo nhân thập cẩm và đậu xanh về cùng gia đình thưởng thức, nhâm nhi ấm trà trong những ngày Hà Nội sang thu”.

Hằng năm, xưởng sản xuất đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 người lao động và cho thu nhập ổn định. Thời điểm sản xuất bánh Trung thu thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch. Đối với ngày thường, tại đây chủ yếu sản xuất các sản phẩm như bánh khảo, bánh chả, bánh vừng,… để phục vụ khách hàng.

leftcenterrightdel

 Xưởng sản xuất bánh đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động. 

Hiện nay, để tiếp tục phát triển nghề truyền thống, hai người con trai của vợ chồng ông Dũng cũng học nghề ông cha truyền lại và cùng bố mẹ làm bánh, bán bánh mỗi mùa Trung thu về. Bạn Phạm Duy Sĩ, 19 tuổi (con trai út ông Dũng) tâm sự: “Được bố mẹ kể cho em nghe những câu chuyện làm nghề ngay từ khi còn nhỏ, đặc biệt ông nội đã là người đem nghề về làng nên em muốn cùng anh trai gìn giữ và phát triển nghề này mãi mãi về sau”.

leftcenterrightdel

Vẻ thơm ngon, hấp dẫn của bánh Trung thu tại cơ sở sản xuất bánh ngọt Sinh Hùng. 

Bánh Trung thu vẫn luôn là một món ăn được mọi người yêu thích mỗi dịp thu về. Nghề làm bánh Trung thu không chỉ mang đến giá trị kinh tế mà còn hàm chứa những nét đẹp, tinh hoa văn hóa ẩm thực. Những người làm nghề tại Xuân Đỉnh vẫn đang và luôn cố gắng gìn giữ một nét văn hóa truyền thống, vẫn mong lưu giữ hương vị cổ truyền của bánh Trung thu cho các thế hệ mai sau.

leftcenterrightdel
 

Bài, ảnh: DIỆU HUYỀN-THU HOÀI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.