Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, GS, TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về những phong tục truyền thống của Tết Việt.

Phóng viên (PV): Xin bà cho biết phong tục của Tết Việt có những nét đặc sắc gì?

GS, TS Từ Thị Loan: Phong tục Tết của người Việt khác với những dân tộc khác của Việt Nam bởi những đặc sắc rất riêng và trở thành truyền thống lâu đời. Đầu tiên là trước Tết (tức là ngày 23 tháng Chạp Âm lịch) người dân bắt đầu cúng ông Công, ông Táo. Sau đó, các gia đình bao giờ cũng có bữa cơm tất niên vào ngày 30 Tết và chờ đón Giao thừa. Sang đến mồng Một Tết thì cả gia đình quây quần và tập hợp về nhà con trưởng, sau đó phân công nhau đi chúc Tết họ hàng. Có thể nói, ngày Tết tuy bận rộn nhưng ai cũng cảm thấy vui vì không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

 GS, TS Từ Thị Loan.

PV: Quan niệm của người Việt là “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy”, xin bà cho biết ý nghĩa của tục lệ này?

GS, TS Từ Thị Loan: Quan niệm này đã đi sâu vào tâm thức và văn hóa truyền thống của người Việt. Bao giờ mồng Một Tết thì các gia đình cũng ưu tiên cho nhà nội, cả nhà sẽ về thăm ông bà bên nội, và mồng Hai thì về thăm bố mẹ của bên ngoại. Còn mồng Ba thì học trò đến chúc Tết thầy cô giáo.

Các phong tục lễ Tết này mang ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc, thể hiện nét đặc trưng văn hóa của Tết Nguyên đán, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “tôn sư trọng đạo”, trọng chữ nghĩa của người Việt.

PV: Những phong tục truyền thống ngày Tết hiện vẫn được giữ gìn và phát huy cho đến nay, cảm nhận của bà ra sao về vấn đề này?

GS, TS Từ Thị Loan: Tôi cho rằng, trước đây thì mọi người có quan niệm rằng nếu cuộc sống ngày càng hiện đại thì truyền thống sẽ bị phai nhạt nhưng thực tế thì ngược lại. Đương nhiên là ai cũng muốn đời sống ngày càng được cải thiện, xã hội càng phát triển thì đất nước càng hưng thịnh. Nếu nói “phú quý sinh lễ nghĩa” chưa hẳn đúng bởi thực tế khi càng có điều kiện về vật chất thì mọi người lại càng muốn quay về với các giá trị truyền thống. Trong đó có vấn đề vô cùng thiêng liêng đó là hướng về tổ tiên, cội nguồn và lễ nghĩa; phong tục của một gia đình cũng như phong tục, tập quán của dân tộc sẽ phát triển khi có sự bồi đắp thường xuyên từ mỗi cá nhân.

Chẳng hạn như trước đây thì việc mặc áo dài có vẻ không được nhiều người hưởng ứng nhưng gần đây ngày càng được phục hồi. Giờ đây, vào dịp Tết rất nhiều người chọn mặc áo dài để đi chúc Tết, du xuân. Điều này thể hiện sự tôn trọng truyền thống đối với Tết Nguyên đán đồng thời mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra, những năm gần đây, việc mừng tuổi cũng được thể hiện trang trọng hơn, mọi người thường mua những bao lì xì in hình ảnh về Tết rồi đặt những đồng tiền mới vào trong đó. Điều này thể hiện sự tế nhị, văn minh, để người mừng tuổi và được mừng tuổi đều cảm thấy vui vẻ.

Điểm đặc biệt trong ngày Tết đó là sự sum vầy ở mỗi gia đình. Tết là sự đoàn viên, những nghi thức, thủ tục Tết trở thành điều hấp dẫn từ trẻ em đến người già. Tết đến thì trẻ con có áo đẹp, người già được mừng tuổi nên ai nấy đều cảm thấy rất vui, đó cũng là nét đặc sắc của ngày Tết.

Ngoài ra, bây giờ tôi thấy không thiếu các mùi hương liệu, nhưng ai cũng thích “mùi của Tết” rất đặc trưng cho năm mới, đó là mùi hương của cây mùi già. Ngày 30 Tết, các gia đình ở Hà Nội thường đun cây mùi già để xông nhà hoặc để tắm. Hương của cây mùi gợi lại mùi Tết xưa và mùi hương như để xua đi những điều không may của năm cũ, để nhà cửa thơm tho, sạch sẽ trước khi bước sang năm mới. Đây là nét văn hóa đặc sắc chỉ có ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Một góc phố Hàng Mã ngày Tết 2023. 

PV: Đầu năm mới, nhiều địa phương trong cả nước tổ chức lễ hội, theo bà có nên duy trì những hoạt động này?

GS, TS Từ Thị Loan: Có ý kiến cho rằng, những năm gần đây, nhiều địa phương tổ chức lễ hội tràn lan, gây tốn kém. Tôi cho rằng, điều này chưa chính xác bởi cái gì có nhu cầu và cần cho cuộc sống thì tồn tại chứ những vấn đề không đáp ứng nhu cầu của người dân thì có bảo duy trì cũng không tồn tại được. Tôi thấy, rõ ràng, lễ hội thể hiện được những nhu cầu về tâm linh cho đến nhu cầu về tinh thần. Ngoài ra, còn góp phần giáo dục truyền thống, cấu kết cộng đồng thì nên duy trì.

Những lễ hội chủ yếu diễn ra vào mùa xuân, tập trung trong tháng Giêng, lác đác đến tháng Hai và tháng Ba. Tôi thấy rằng, đi lễ hội là đi du xuân đầu năm, hành hương, vãn cảnh các di tích, đình, chùa, đền, miếu thì cũng là giáo dục về truyền thống lịch sử dân tộc. Tôi cho rằng, tổ chức lễ hội phải có các phương án quản lý tốt, không để lễ hội biến tướng thành các tụ điểm cờ bạc, kinh doanh trá hình…

Những chiếc bánh chưng thắm tình đoàn kết quân dân.  

PV: Theo bà, làm thế nào để văn hóa truyền thống về Tết của người Việt được duy trì và tồn tại mãi cho thế hệ sau này?

GS, TS Từ Thị Loan: Văn hóa truyền thống chính là sự trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu các bậc ông bà, cha mẹ vẫn duy trì truyền thống đó thì sẽ không thể bị mai một, còn nếu như các bậc làm cha, làm mẹ mà không quan tâm thì theo thời gian, thế hệ sau sẽ không hiểu về văn hóa truyền thống và dần dần các phong tục ngày Tết sẽ nhạt phai. Chẳng hạn như bây giờ cứ đến Tết, một số gia đình trẻ lại đi du lịch nước ngoài. Hơn nữa, họ không tạo điều kiện cho con tham gia vào những hoạt động Tết cổ truyền như gói bánh chưng, chúc Tết ông, bà, họ tộc thì những phong tục Tết sẽ không được thế hệ trẻ hiểu và đón nhận.

Tôi nghĩ rằng, việc tôn trọng truyền thống và trao truyền trong gia đình, xã hội cũng sẽ tạo nên tập tục. Đã là phong tục tập quán thì phải được duy trì và phát triển thường xuyên thì mới được lưu truyền mãi mãi. Đương nhiên có những tập tục thái quá hoặc lạm dụng quá mức thì phải điều chỉnh, lên án, chẳng hạn những lễ hội gây tốn kém, lãng phí hoặc có hành vi phản văn hóa, không có tác dụng tích cực thì phải sàng lọc, loại bỏ.

PV: Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)