Tết Nguyên đán là một dịp đặc biệt của người Việt. Sau 365 ngày cuốn vào guồng quay lao động, làm việc để sinh kế và tồn tại, những ngày Tết là khoảng thời gian vô giá để ông bà, cha mẹ, con cháu quây quần, đoàn viên. Với rất nhiều gia đình, Tết thực sự là niềm vui, niềm hạnh phúc đong đầy. Nhưng cũng có không ít gia đình, Tết bỗng dưng trở thành nỗi buồn, thậm chí là tang tóc, đau thương đến tột cùng. Gây ra nỗi sầu thảm không mong muốn ấy chính là “sát thủ vô hình” mang tên rượu, bia. Bởi nhiều cái Tết gần đây, chỉ vì “ma men” mà xảy ra các vụ xô xát, ẩu đả, đánh nhau, tai nạn giao thông khiến không ít người bị thương tích, tử vong.
 |
Tranh biếm họa của Mạnh Tiến. |
Xin nhắc lại một thông tin không mới, nhưng bất cứ ai nặng lòng với việc bảo toàn sức khỏe, nòi giống Việt lại không trăn trở. Cách đây 5 năm, ngành chức năng đã đưa ra con số ám ảnh khi sản lượng bia Việt Nam đạt khoảng 4,3 tỷ lít/năm và chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm, chiếm 3% số thu ngân sách; đưa Việt Nam trở thành quốc gia sử dụng rượu, bia đứng thứ 29 trên thế giới.
Theo Bộ Y tế, rượu, bia được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới; là nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây ra hơn 200 loại bệnh khác nhau. Hiện có khoảng 4,5 triệu người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật như ung thư, xơ gan, tim mạch, viêm gan, tâm thần, viêm loét dạ dày, ngộ độc... do hậu quả của rượu, bia gây ra. Mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 168.000 người mắc mới ung thư, trong đó, ung thư gan do rượu, bia là phổ biến với hơn 25.000 ca mắc mới và tử vong. Lạm dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính khiến gần 5.000 người thiệt mạng do tai nạn giao thông mỗi năm. Quả là những con số rất rùng mình!
Nói đến việc lạm dụng rượu, bia không thể không nói đến tâm lý người Việt. Đã từ lâu, trong văn hóa Việt Nam, những người kiêng hay ít uống rượu, bia thường bị chê bai, chế nhạo là “phái yếu”, là “mặc váy”, là “không chân thành”, là “không nam tính”... Dân gian có câu: “Nam vô tửu như kỳ vô phong” như ngầm khích lệ nhiều đấng mày râu từ trẻ đến già thích nâng chén “trăm phần trăm” trong niềm vui liên tu bất tận, mà không thấu hiểu rằng, đó chính là ngọn nguồn thúc đẩy nhiều người lạm dụng rượu, bia một cách âm thầm, tinh vi, nguy hại.
Người Việt ta về bản tính là xởi lởi, hiếu khách, nhất là mỗi dịp Tết. Ngày Tết, gặp nhau thưởng thức, nhâm nhi một chút rượu, bia để cầu chúc cho nhau một năm mới mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng và động viên nhau cho tinh thần thêm hứng khởi, phấn chấn là chuyện thường tình, cũng là một nét văn hóa ẩm thực của người Việt.
Thời nay, giới trẻ thường nói với nhau “vui thôi, đừng vui quá”. Nếu “vui quá” trong chúc tụng nhau uống rượu, bia đến mức quá trớn, quá đà, không làm chủ, không kiểm soát được cảm xúc, lý trí của bản thân thì rượu, bia lúc đó trở nên "lợi bất cập hại".
Rượu ơi, rượu hỡi, rượu hời.../ Tại sao rượu lại đưa tôi vào tròng/ Rượu cay, rượu đắng, rượu nồng/ Rượu thường thấy khóc, rượu không thấy cười/ Ba chén, người đã chơi vơi/ Dăm chén, rượu biến thành người trên mây/ Trời nghiêng, đất ngả, người quay/ Miệng đầy, cổ ứ, chân tay mỏi nhừ/ Tôi đâu có mắc... bệnh ngu/ Nhưng chính men rượu chuốc thù lại tôi/ Than thân, trách phận ai ơi.../ Một phút quá chén đánh rơi... mất mình!
Uống rượu, bia là quyền, là niềm vui, thậm chí là sở thích của nhiều người. Nhưng có lẽ “bài thơ dân gian” nêu trên mà người viết sưu tầm được của một người sau một lần say rượu, hy vọng sẽ là lời nhắc nhớ, cảnh tỉnh những ai đó còn đang lơ mơ về tác hại của sự lạm dụng rượu, bia.
ĐỨC THUẬN