"Lính bay 2” dày 580 trang, bìa đẹp, khổ sách 14 x 20,5cm, in lần thứ nhất 2000 cuốn, sách được NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh xuất bản quý II năm 2018. “Lính bay 2”  là sự tiếp nối của “Lính bay 1”, xuất bản tháng 6 năm 2016, sau 3 tháng tái bản thêm 1000 cuốn do nhu cầu bạn đọc săn lùng, tìm kiếm.

Mở đầu “Lính bay 2”  là lời đề từ: “Tưởng nhớ các thế hệ đi trước đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Kính tặng các Liệt sĩ, các Phi công quả cảm và Anh hùng trong trận chiến trên không ác liệt với Không quân Mỹ”.

Trung tướng, phi công Phạm Phú Thái sinh năm 1949, quê gốc ở Đình Phùng, Kiến Xương, Thái Bình nhưng suốt những năm tháng tuổi thơ anh sống và học cấp 1, 2, 3 tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Tháng 7 năm 1965 khi đang học tại Trường cấp 3 Hùng Vương (nay là Trường THPT Hùng Vương, thị xã Phú Thọ) anh xung phong lên đường nhập ngũ và là học viên đoàn bay MIG-21 khóa 3 tại Liên Xô. “Phạm Phú Thái về nước năm 1968, lần đầu trực chiến ngày 18-4-1968. Trong chiến tranh chống Mỹ, phi công Phạm Phú Thái xuất kích 121 lần, bắn rơi 4 máy bay P-4 của Mỹ” (1).

Bìa cuốn sách “Lính bay 2”. 

Sau: Lời nói đầu, Đặt bút viết… tập hồi ký gồm 55 câu chuyện, sự kiện với 55 tiêu đề, trong đó có nhiều câu chuyện cảm động, hấp dẫn: Ấn tượng sau 10 năm gặp lại Bác Hồ, Nhiệm vụ phát sinh và những chuyến bay cảm tử, Chuẩn bị cho đòn hiểm và những nhiệm vụ tuyệt mật, Tìm cách đánh và săn B52, Bùng phát đối đấu, Vài mối tình thời chiến mà tôi biết, Võ Sỹ Giáp tượng đài trong lòng dân, Những trận đánh tháng Năm, Tháng Sáu vinh quang, Đại tướng - Tổng tư lệnh chỉ đạo tác chiến không quân, Sự thật về việc diệt gọn cả tốp 4 chiếc F-4, Cuộc đua bắn rơi máy bay Mỹ thứ 4000 trên chiến trường Bắc Việt Nam, Trận đánh cuối cùng, Moretsev của Việt Nam Lê Thanh Đạo, Những trận đánh cuối cùng tháng 12-1972 - Linebacker 2, Duyệt binh mừng chiến thắng…

Trong “Lời nói đầu”, tác giả Phạm Phú Thái viết “Bằng nguồn tư liệu khổng lồ, tôi mong muốn tái hiện lại những trận đánh hào hùng của các phi công thế hệ chúng tôi trong những năm 1970-1972 với thật nhiều chiến công nhưng cũng đầy máu và nước mắt”.

Lính bay 2” miêu tả chân thực, sinh động cuộc chiến đấu của các chiến sĩ không quân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tác phẩm nêu bật những phẩm chất tốt đẹp của những người lính bay: Tình yêu Tổ quốc, tình cảm đồng chí đồng đội, dũng cảm trong chiến đấu và thầm lặng hy sinh, tình cảm gia đình và tình yêu lứa đôi…

Trước và sau năm 1975, một số tác phẩm viết về chiến tranh và người lính thường “tuân theo lối kể tuyến tính, nhân vật chỉ là sự phát ngôn cho tư tưởng của tác giả, lối tự sự tác giả toàn tri, bao quát mọi vấn đề, quan niệm nghệ thuật về con người một chiều, mọi cuộc chiến đơn thuần cuối cùng ta thắng, địch thua, địch bị tiêu diệt toàn phần, ta không tổn thất hoặc tổn thất không đáng kể”(2).

Nét mới, nét đặc sắc của “Lính bay 2”  là không đi theo lối mòn đó. Tác phẩm viết về chiến thắng hay thất bại đa trị, nhiều chiều; không né tránh khuyết điểm của người lính như có lúc nóng giận, cáu gắt; không né tránh những tổn thất, hy sinh của các chiến sĩ không quân. “Chúng ta tự hào về chiến thắng, về những sự hy sinh vẻ vang, nhưng cũng nhìn thẳng trong đó sự mất mát to lớn, quá trình dằn vặt tâm lý, những bi kịch của gia đình, cá nhân… trước sự mất mát to lớn không thể nào bù đắp được trong bom đạn và cái chết” (3).

Tác phẩm miêu tả sinh động chiến công của chiến sĩ không quân Nguyễn Tiến Sâm: “Một điểm đặc sắc nữa trong các trận đánh của Nguyễn Tiến Sâm là có tới ít nhất ba trận đánh mà cả hai phi công đều lập công bắn rơi hai chiếc trong một trận. Các trận đánh đều có những động tác chiến đấu cực kỳ quyết đoán, dũng mãnh và hiệu quả”. Các chiến công của những lính bay xuất sắc khác: Đặng Ngọc Ngự, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Đức Soát, Phạm Tuân, Phạm Phú Thái, Bùi Thanh Liêm, Ngô Duy Thư, Võ Sỹ Giáp và nhiều lính bay khác…

Tác phẩm “Lính bay 2” cũng không né tránh những tổn thất, hy sinh của chúng ta: Ngày 8-7-1972 là một ngày không quân ta bị tổn thất nặng nề. Đại đội trưởng Đặng Ngọc Ngự - một phi công dày dặn chiến trận đã bắn rơi bảy chiếc máy bay Mỹ, anh đã anh dũng hy sinh, cùng lúc với cả biên đội Nguyễn Ngọc Hưng - Vũ Văn Hợp. Trong những ngày cuối 1972, tại sân bay Gia Lâm đã có tới gần hai mươi cán bộ chiến sĩ không quân hy sinh vì bom B-52, trong đó có ba người trong tổ bay vận tải quân sự.

Tác phẩm giành nhiều trang viết về tình cảm đồng chí, đồng đội sâu sắc; một số trang viết về tình quân dân cá nước, về tình cảm vợ chồng; một số trang viết về tình yêu thơ mộng, trong sáng giữa hai nhân vật Thái và Nga - “Cô bé tàu hỏa” năm xưa, cô sinh viên “Trường Đại học công nghiệp nhẹ” dịu dàng, xinh đẹp.

“Sau chiến tranh, phi công Phạm Phú Thái giữ nhiều cương vị quan trọng như Trung đoàn trưởng các Trung đoàn 929, 927, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 371, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-không quân, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng. Trung tướng Phạm Phú Thái được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2010” (4).

Cảm nhận về tập hồi ký của tác giả Phạm Phú Thái, Trung tướng, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc viết: Tôi đọc hồi ký của Trung tướng Phạm Phú Thái, một trong những phi công tài hoa của không quân nhân dân Việt Nam, người đã từng bay và chiến đấu với tôi từ chiến tranh chống Mỹ, tôi thấy thật bất ngờ!

Bất ngờ về khả năng lưu giữ sự kiện, bất ngờ về ý tưởng làm sống lại những ký ức của thế hệ phi công MIG - 21 chúng tôi trong chiến tranh bằng những trang viết rất chân thực nhưng cuốn hút như tiểu thuyết!

Đọc “Lính bay”, tôi có cảm tưởng như mình cũng đang bay, đang cầm cần lái cùng biên đội với phi công Phạm Phú Thái quần nhau với máy bay Mỹ năm nào. Mong rằng cuốn hồi ký sẽ là một trong những tài liệu quý giá giúp các thế hệ trẻ phi công Việt Nam học tập và vận dụng”. (Nguyễn Văn Cốc - bìa 4 “Lính bay 2”).

--------------

1), (4): Nguyễn Sỹ Hưng, Nguyễn Nam Liên và nhóm tác giả - Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr663.

(2), (3): Ngọc Khuê - Văn học viết về chiến tranh và người lính: Hướng đi nào cho thực tiễn sáng tạo?, Tạp chí Văn nghệ quân đội, 12-2020, tr177, 178, 179.

ĐOÀN HỮU HƯNG