Chú ấy là một nông dân thuần khiết, chính hiệu cầm bút đấy”. Đó là những bộc bạch của Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý khi cầm trên tay cuốn tiểu thuyết “Những ngày thơ ấu chưa xa” thơm mùi giấy mới của Nguyễn Duy Hiến được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (NXB QĐND) ra mắt bạn đọc.
Từ một người nông dân trên quê hương cát trắng Quảng Bình, rồi lăn lộn khắp chốn cùng nơi để tự mưu sinh và cuối cùng trụ lại trên mảnh đất Bình Phước với những cánh rừng già bát ngát, văn chương đã đến với người nông dân ấy như một định mệnh. Nguyễn Duy Hiến chia sẻ: “Nỗi day dứt của kiếp sống tha hương ấy đã cho tôi ngồi chép lại những khát khao của một thời thơ ấu. Rồi như một cái duyên với nghiệp viết, những kỷ niệm của “một thời thơ ấu” ấy đã được NXB QĐND đón nhận. Dưới bàn tay của những biên tập viên áo lính, những dòng tâm sự ấy đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực thụ và gắn tôi với nghiệp viết như hôm nay”.
 |
Cây bút Nguyễn Duy Hiến (thứ ba, từ phải sang) nhận Giải thưởng Văn học,nghệ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ I, giai đoạn 2016-2020. Ảnh: ANH TUẤN |
NXB QĐND nhìn thấy được những tiềm ẩn phía sau những con chữ và khát khao của Nguyễn Duy Hiến. Ngay sau năm đó (2016), khi tổ chức Trại sáng tác văn học về đề tài lực lượng vũ trang-chiến tranh cách mạng ở Nhà sáng tác Tam Đảo, Nguyễn Duy Hiến là trường hợp trại viên duy nhất không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cũng là trại viên ở xa nhất.
Là người ít được va chạm với văn chương nên khi đến trại, tiếp xúc với những “cây đa, cây đề” trong làng văn, Nguyễn Duy Hiến rất rụt rè. May sao ở trại viết lần đó, những người làm công tác tổ chức đã tế nhị mời nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cùng tham gia. Có anh trai là một nhà thơ tên tuổi bên cạnh, Nguyễn Duy Hiến như mạnh dạn hơn trong giao tiếp và học hỏi. Và không phụ sự kỳ vọng của những người làm công tác tổ chức, ngay sau trại viết, Nguyễn Duy Hiến đã hoàn thành bản thảo tập truyện ngắn và được đánh giá có chất lượng tốt (NXB QĐND đã cho xuất bản tập truyện ngắn “Hai cơn bão” năm 2017).
Kể từ đó, cái tên Nguyễn Duy Hiến xuất hiện đều đặn trên các mặt báo, tạp chí với nhiều bài viết, nhiều đề tài, nhiều thể loại khác nhau. Năm nào cũng vậy, mỗi dịp NXB QĐND tổ chức trại sáng tác, cái tên Nguyễn Duy Hiến đều xuất hiện trong danh sách trại viên. Đến với trại viết, Nguyễn Duy Hiến không ngần ngại học hỏi các thế hệ nhà văn đàn anh để bồi đắp thêm kiến thức cho mình. Những bản thảo anh đem đến trại viết luôn được các nhà văn thẩm định và góp ý chân thành. Sau khi đọc xong bản thảo “Phận trăng” của anh, nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng đã nhận xét: “Mặc dù vào nghề chưa lâu nhưng Hiến đã có những đột phá độc đáo. Văn chương không phải ai muốn có là được, mà là “cái duyên trời cho” mỗi người. Dẫu chưa phải xuất sắc, nhưng văn của Hiến có một lối đi riêng. Điều đó chứng tỏ sự nỗ lực tìm tòi trong lao động nghệ thuật của cá nhân Hiến. Và tôi tin, với những nỗ lực của mình, chắc chắn Hiến còn tiến xa hơn nữa”.
Cùng quan điểm với nhà phê bình Bùi Việt Thắng, Đại tá, nhà báo Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc, Phó tổng biên tập NXB QĐND nhận xét: “Là người tổ chức trại, cũng là người trực tiếp đọc duyệt những tác phẩm khi xuất bản, trong những năm gần đây, tôi thật sự bất ngờ về những đổi mới trong văn phong cũng như sức viết dồi dào của anh Hiến. Qua mấy trại viết, giờ đây anh Hiến như đã biến thành một người khác. Với bút pháp mạnh mẽ, những góc nhìn đa dạng và một lối tư duy độc đáo, anh đã từng bước khẳng định mình bằng những tác phẩm cụ thể, điều mà không phải ai cũng có thể làm được”.
Qua mỗi trại viết, Nguyễn Duy Hiến có sức viết dồi dào hơn, nhiều sáng tạo hơn. Năm 2021, với tiểu thuyết “Đêm cháy”-tác phẩm viết về những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, anh đã được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước trao giải thưởng. Gần đây nhất (tháng 4-2022) là tiểu thuyết “Phận trăng” viết về người chiến sĩ biên phòng những năm sau ngày đất nước giải phóng.
Nguyễn Duy Hiến-“một người nông dân thuần khiết” giờ đây đã trở thành một cây bút thực thụ. Những tác phẩm của anh tuy chưa dám nói là xuất sắc nhưng cũng đã đủ sức nặng để khẳng định chỗ đứng trên văn đàn đương đại. Những sáng tạo của anh đã một lần nữa minh chứng cho “sự ưu ái mà Đảng, Nhà nước dành cho các văn nghệ sĩ” (theo cách nói của nhà văn Dương Duy Ngữ)-đó là hệ thống các nhà sáng tác của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học-nghệ thuật mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản để phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên toàn quốc tổ chức, cho ra đời những tác phẩm văn học-nghệ thuật phục vụ công chúng và xã hội.
QUÂN BÁCH