Rêu đá là món ăn truyền thống của người dân tộc Thái. Món rêu đá bắt nguồn từ truyền thuyết một đôi trái gái yêu nhau nhưng gặp phải sự cản trở của vị thần cai quản nơi họ sinh sống. Họ đã quyết định cùng nhau chạy đến một đỉnh núi cao, nước mắt của cô gái chảy thành dòng nước lớn từ trên đỉnh núi. Cuối cùng, để được ở bên nhau mãi mãi họ đã cùng nhau lao xuống dòng nước chảy siết đó.

Món ngon rêu nướng của người Thái.  

Cơ thể của chàng trai đã hoá thành những tảng đá còn mái tóc của cô gái hoá thành một loại rêu mọc và bám chặt vào những tảng đá để họ có thể ở bên nhau đời đời kiếp kiếp. Từ câu chuyện huyền thoại, người dân tộc Thái đã lấy món rêu đá sử dụng trong lễ cưới hỏi thể hiện tình yêu, thủy chung và hạnh phúc.

Bà Lương Thị Thanh, xã Yên Nhân (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá), người dân tộc Thái cho biết: “Rêu mọc tự nhiên không ai gieo trồng hay chăm sóc nên người Thái coi đây là món quà của đất trời ban tặng. Đặc biệt, khi Tết đến xuân về, thưởng thức rêu đá với một ước muốn năm mới an lành, sung túc. Đến mùa thì chúng tôi cứ rủ nhau ra sông suối hái rêu, ai cũng được hái bao nhiêu tuỳ ý”.

Rêu thường mọc nhiều vào mùa xuân tại các con suối lớn hoặc dưới chân thác nơi có những tảng đá to. Rêu có màu xanh lục hay xanh non phụ thuộc vào mực nước nông hay sâu, có những tảng rêu dài rộng bằng ca gang tay. Theo phong tục của người Thái, khi đi hái rêu họ sẽ chọn một ngày đẹp trời, lúa thóc đầy bồ cả bản nghỉ nương rẫy cùng rủ nhau đến các bãi rêu như đi trẩy hội. Từ đó mà đã hình thành nên một nét đẹp trong văn hoá ẩm thực ngày xuân của người Thái.

Rêu được người Thái chia làm 3 nhóm gồm: "Gui" là loại rêu mọc thành sợi như sợi tóc màu hơi sẫm; "tay" là loại rêu mọc rời rạc màu xanh và "tau" là loại rêu mọc thành từng mảng, không bám chặt vào đá. Khi thu lượm rêu, người phụ nữ Thái thường dùng thanh tre gạt rêu vào rổ. Trước khi chế biến, phải đặt rêu lên thớt hoặc phiến đá phẳng và dùng chày gỗ đập cho các tạp chất bong ra nhưng phải đập khéo để rêu không bị nát. Sau đó tách sạn, đá trong từng sợi rêu. Cuối cùng là công đoạn giặt rêu bằng cách thả vào chậu nước dùng tay vò qua vò lại. Rêu đá chỉ bảo quản được khoảng 3 ngày nên người Thái thường được sử dụng luôn khi hái về để rêu không bị khô, mất vị vị tươi ngon vốn có.

Rêu có nhiều cách chế biến thành món ăn như canh rêu, rêu xào, rêu lam, nộm rêu và đặc biệt là món rêu nướng. Sau khi chế biến rêu sạch đem bỏ trộn với gia vị như dấm, ớt và không thể thiếu là mắc khén (hạt tiêu rừng). Người Thái ở huyện Thường Xuân còn cho thêm nòng nọc vào trộn sau đó gói bằng lá chuối hoặc lá dong trước khi đem nướng trên than hồng.

Ngoài ra, món canh rêu cũng rất phổ biến và được du khách ưa chuộng. Rêu được thả và nước luộc gà hoặc xương hầm rồi nêm thêm gia vị. Bát canh có màu xanh tự nhiên trông rất hấp dẫn. Canh rêu có vị ngọt mát, rêu có vị bùi tạo nên một bát canh rêu mời khách tuyệt vời. Rêu cũng tốt cho sức khoẻ giúp lưu thông khí huyết, thanh nhiệt và ổn định huyết áp, trị được mụn nhọt, phong hàn, giảm mỡ máu và tốt cho hệ tiêu hoá.

Chị Lò Thị My (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá) cho biết: "Các món rêu suối thường được ăn ngay khi còn nóng, thưởng thức phải từ từ mới cảm nhận được đầy đủ các vị ngọt, mềm, trơn và thơm mát đặc trưng của rêu. Mùa xuân, đến chơi nhà người Thái mà không thưởng thức một món rêu thì thật uổng phí".

Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.