Cuộc thi thu hút sự tham gia của 100 sinh viên đang theo học tiếng Hàn ở một số trường đại học.

Tổ chức vào năm 2022-kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc, cuộc thi như cái duyên kết nối những mối quan hệ tình cảm sâu lắng, kết nối nền văn hóa của hai quốc gia. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Viện Nguồn lực Văn hóa Hàn Quốc và Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, lần đầu tiên giới trẻ Việt Nam thi viết chữ Hangeul với nội dung là những câu danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là cách vừa giao lưu văn hóa Hàn Quốc, vừa cảm nhận triết lý sống, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sâu sắc.

leftcenterrightdel
       Ban tổ chức trao thưởng cho tác giả đoạt giải đặc biệt.  

Chia sẻ về sự kết hợp những giá trị tinh thần từ danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và niềm tự hào của người Hàn Quốc về chữ Hangeul, Tiến sĩ Seung Yong Uhm, Viện trưởng Viện Nguồn lực Văn hóa Hàn Quốc cho biết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa kiệt xuất. Được viết những câu danh ngôn của Người bằng nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc là điều vô cùng vinh hạnh.

Triết lý sống sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện di nguyện của vị lãnh tụ dành cả cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam. Qua cuộc thi viết và trưng bày, giới trẻ nhận thức rõ hơn về tình yêu, sự hy sinh lớn lao của Người, từ đó khích lệ tinh thần không ngừng học hỏi, vươn lên trong cuộc sống. Đây là cách hữu hiệu để truyền lại cho đời sau về những giá trị văn hóa quý báu của hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc”.

Lấy cảm hứng từ Thạch nghiên, một di sản văn hóa có giá trị của thành phố Boryeong (Hàn Quốc), một trong "văn phòng tứ bảo" (4 đồ dùng văn phòng thời xưa, gồm giấy, mực, bút và nghiên), chương trình thể hiện nét văn hóa chung giữa Việt Nam và Hàn Quốc; tạo sân chơi sáng tạo, thu hút các bạn trẻ, giúp họ hiểu và thúc đẩy giao lưu văn hóa, từ đó thắt chặt hơn mối quan hệ giữa hai nước. Các tác phẩm đã tạo nên những giá trị mới, mang tư duy và sức sống đương đại trên nền tảng di sản văn hóa phi vật thể vốn có lâu đời của hai quốc gia như: Nghệ thuật viết thư pháp, nghề làm giấy truyền thống, nghệ thuật điêu khắc gỗ và nghề làm nghiên mực, mực, bút lông...

Với bút pháp mềm mại, uyển chuyển nhưng đầy nội lực, em Nguyễn Vũ Thúy Hằng đã giành giải đặc biệt của cuộc thi khi thể hiện câu nói của Bác Hồ: “Có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”. Hằng chia sẻ: “Câu nói phản ánh khát vọng độc lập từ xa xưa của người Việt. Câu nói của Bác như phương châm để chúng em phấn đấu vươn lên, có ý chí và khát vọng khẳng định bản thân. Đây là thông điệp truyền sức mạnh cho giới trẻ, những người sẽ đưa đất nước trở thành một quốc gia phồn vinh, hùng cường trong tương lai”.

Là tác giả giành giải bạc cuộc thi, em Nguyễn Thị Thùy Trang chia sẻ: “Em chọn câu danh ngôn của Bác: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” để viết nhằm nhắc nhở bản thân cũng như giới thiệu đến bạn bè Hàn Quốc những giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam”.

Những câu danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết bằng thư pháp Hàn Quốc không những đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa mà còn khích lệ thế hệ trẻ hai nước không ngừng học hỏi và vươn lên trong tương lai.

Bài và ảnh: THU HÀ