Chiều 2-6, tại Hà Nội, Phường Bách Nghệ-Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển, Ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt phối hợp cùng các nghệ nhân trẻ tổ chức chuyên đề “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề”.
Nghề in khắc gỗ (in mộc bản) thôn Thanh Liễu (phường Tân Hưng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đã tồn tại hơn 500 năm. Theo thời gian, nghề in ở đây đã dần bị mai một và hiện chỉ còn ít hộ giữ được nghề truyền thống.
 |
Nghệ nhân Nguyễn Công Đạt thực hành kỹ thuật in khắc gỗ. |
Tại buổi ra mắt chuyên đề, các nghệ nhân đã chia sẻ quá trình tâm huyết giữ nghề in khắc gỗ, đồng thời tổ chức một số hoạt động, như: Triển lãm ảnh về mộc bản Thanh Liễu, trải nghiệm tự tay in mộc bản, pha trà sen, thưởng thức ca trù…
Chia sẻ tại sự kiện, anh Nguyễn Công Đạt (nghệ nhân khắc mộc bản làng Thanh Liễu) nói: “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” nhằm nỗ lực bảo tồn di sản, đồng thời sẽ tạo cơ hội để phát triển và đổi mới cho làng nghề Thanh Liễu. Chúng tôi mong muốn nghề mộc bản sẽ tiếp tục phát triển và được nhiều người đón nhận hơn trong tương lai”.
 |
Không gian triển lãm về mộc bản Thanh Liễu. |
Các hoạt động trải nghiệm in mộc bản và triển lãm ảnh trong khuôn khổ chuyên đề “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” sẽ phục vụ miễn phí người dân đến hết tháng 6-2024, tại Phường Bách Nghệ (HY 01-5, Hoàng Thành Villas, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội).
Tin, ảnh: PHƯƠNG LY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.
Ngày 13-5, tại Bắc Ninh diễn ra lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận Bảo vật quốc gia đối với Mộc bản chùa Dâu và khai mạc Lễ hội chùa Dâu năm 2024.
Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, nhiều gia đình chọn điểm đến là làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) để tham quan Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, thú vị nhất là trẻ được tham gia hoạt động nặn gốm.