Văn học viết về mảng đề tài rộng lớn này đã có vai trò quan trọng góp phần làm nên sức mạnh của dân tộc trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước qua các thời kỳ.

Một đề tài từng là dòng chảy chính của văn học Việt Nam

Qua thực tiễn sáng tạo và quá trình vận động của đời sống văn học Việt Nam từ sau năm 1945, có thể khẳng định rằng, văn học viết về đề tài LLVT&CTCM là một dòng chủ lưu của nền văn học cách mạng. Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một hình mẫu nhân cách đẹp trong lòng nhân dân, là kết tinh lý tưởng của thời đại Hồ Chí Minh. Chính văn học viết về đề tài này đã góp phần quan trọng trong xây dựng hình tượng cao đẹp của người lính trong lòng nhân dân.

Trong lịch sử văn học cách mạng Việt Nam, đề tài LLVT&CTCM đã làm nên tên tuổi đối với không ít nhà văn. Những tượng đài văn học như Chính Hữu, Quang Dũng, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Phan Tứ, Anh Đức, Lê Anh Xuân... và nhiều tên tuổi khác đã gắn bó máu thịt với hình ảnh người lính trong hành trình sáng tạo.

       Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng sáng tác về biên giới, biển đảo (đợt 1), tháng 11-2020. Ảnh: AN NHI 

Nếu “văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm” như cách diễn đạt của nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu, thì kể từ năm 1975, hiện thực đời sống nước ta đã có những chuyển mình đáng kể, đất nước bước vào thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất. Khoảng một thập niên đầu sau khi đất nước thống nhất, văn học Việt Nam vẫn phát triển trong quán tính của dòng văn học cách mạng với hệ hình thi pháp và quan niệm nghệ thuật quen thuộc của thời kỳ trước, trong khi hiện thực đời sống đã có những thay đổi lớn lao. Chính điều này đã làm dòng văn học chiến tranh và người lính có sự giảm đi đáng kể về số lượng cũng như chất lượng tác phẩm và cả sức hút, sự quan tâm của người đọc.

Với khát khao đưa văn học viết về đề tài chiến tranh và người lính vượt thoát khỏi những giới hạn trong mười năm đầu sau khi đất nước thống nhất, được cổ vũ bởi tinh thần của ngọn gió đổi mới từ Đại hội VI của Đảng, nhiều nhà văn gắn bó với mảng đề tài này đã thực hiện thành công quá trình tự làm mới bản thân trên hành trình sáng tạo. Sự cách tân trong cách nhìn về chiến tranh đã góp phần mang lại những mảnh đất màu mỡ cho nhà văn. Cái nhìn suy tư đa chiều, hướng đến thế giới nội cảm của con người trong và sau cuộc chiến đã trở nên phổ biến. Cảm hứng thế sự dần thay thế cho cảm hứng sử thi trong phản ánh hiện thực chiến tranh. Trong giai đoạn này, nhà văn cũng dành nhiều sự quan tâm đến bi kịch của con người do chiến tranh gây ra và cả những chấn thương, nỗi đau con người thời hậu chiến. Những nỗ lực cách tân về bút pháp cũng đã được quan tâm thể hiện, như thủ pháp dòng ý thức, trần thuật phi đẳng thời, xoắn bện thời gian hiện tại, quá khứ trong nghệ thuật trần thuật... Chính những điều đó đã làm nên sức sống cho văn học về đề tài LLVT&CTCM từ sau đổi mới.

Đang thiếu hụt những tác phẩm có chất lượng  

Tuy nhiên, dẫu đạt được những thành công đáng kể, có những tác phẩm lớn như: "Ăn mày dĩ vãng" (Chu Lai), "Bến không chồng" (Dương Hướng)... nhưng phải thừa nhận một thực tế rằng, văn học viết về đề tài chiến tranh và người lính từ sau khi đất nước thống nhất không thể so sánh với thời kỳ trước đó trên cả 3 phương diện: Số lượng tác phẩm, chất lượng nghệ thuật và sự quan tâm của công chúng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này.

Thứ nhất, trong điều kiện đất nước hòa bình, con người không còn đắm mình trong “không gian chiến trận” nữa, dẫn đến việc họ dành nhiều sự quan tâm về các vấn đề khác cũng bức thiết và không kém phần nóng bỏng của cuộc sống đời thường. Nhà văn có nhiều mảng đề tài mới mẻ, hấp dẫn để viết, mà công chúng cũng có nhiều lựa chọn trong sự đọc.

Thứ hai, là sự phát triển của nhiều loại hình nghệ thuật cùng cạnh tranh với văn học trong tiếp cận công chúng, sự phát triển các loại hình giải trí ngoài văn chương ở nước ta làm cho văn học mất đi một lượng người đọc đông đảo. Cùng với sự mất đi một số lượng lớn công chúng văn học do sự cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật và hình thức giải trí khác thì văn học viết về chiến tranh và người lính cũng mất đi một lượng lớn bạn đọc của mình.

Thứ ba, nhà văn chuyên chú với mảng đề tài LLVT&CTCM hầu hết là những người đã đi qua chiến tranh, nay tuổi tác đã cao, họ đã ở sườn dốc bên kia của sự nghiệp, khó có thể vượt qua được chính mình trên hành trình sáng tạo. Với những nhà văn trẻ có cảm hứng với mảng đề tài này thì lại thiếu sự trải nghiệm cần thiết. Đồng thời, trên hành trình sáng tạo, người trẻ đối diện với nhiều thách thức, như phải viết dưới những cái bóng quá lớn của thế hệ đi trước. Ám ảnh phạm phải những điều “nhạy cảm” ở mảng đề tài này trong tâm lý sáng tạo cũng là một trở lực kìm hãm những nhà văn trẻ cho ra đời những tác phẩm mà họ thật sự khao khát, kỳ vọng.

Thứ tư, công tác quảng bá những giá trị của dòng văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế. Ưu thế của không gian mạng chưa được sử dụng một cách tối đa trong quảng bá những tác phẩm đến với công chúng. Có những nhà văn sử dụng mạng xã hội để tương tác với bạn đọc và giới thiệu đến công chúng tác phẩm của mình, nhưng số nhà văn thực hiện việc này không nhiều, hoặc chưa hiệu quả trong tiếp cận công chúng.

Thứ năm, sự hợp tác giữa văn học và các loại hình nghệ thuật khác (đặc biệt là điện ảnh) chưa được tiến hành một cách bài bản, dẫn đến các dự án chuyển thể tác phẩm viết về đề tài LLVT&CTCM được thực hiện còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực hiện có, dẫn đến việc các tác phẩm văn học chỉ tiếp cận được một bộ phận cố định là những độc giả quen thuộc với mình.

Quan tâm đầu tư, nâng cao hiệu quả sáng tác văn học về người lính

Để có được những tác phẩm xứng tầm với lịch sử hào hùng của dân tộc, có thể thực hiện một số việc làm trước mắt và lâu dài. Trước hết, cần bồi dưỡng có chiến lược cho những nhà văn trẻ. Nên tổ chức nhiều hơn, thường xuyên hơn các chuyến thực tế, tham quan học tập và các trại sáng tác cho những nhà văn trẻ không kinh qua chiến tranh nhưng tâm huyết với mảng đề tài này để họ có thêm vốn sống và sự trải nghiệm, nhằm tích lũy vốn liếng cho những đứa con tinh thần được sản sinh trong tương lai. Có thể việc này không đem lại hiệu quả ngay lập tức trong thời gian ngắn hạn, nhưng về lâu dài, đây chính là việc chăm chút những vườn cây lưu niên để những ngày sau ta thu về những mùa quả ngọt.

Cần tận dụng tối đa nền tảng số và mạng xã hội để quảng bá tác phẩm viết về LLVT&CTCM đến bạn đọc mọi thành phần trong xã hội. Khi thực hiện công tác này, chúng ta thu về được hai kết quả tích cực: Bồi đắp lòng yêu nước và thấu hiểu truyền thống lịch sử dân tộc cho những người trẻ tuổi-đối tượng chiếm ưu thế trong tương tác trên môi trường mạng; quảng bá giá trị của dòng văn học chiến tranh và người lính đến với cộng đồng.

Quan tâm chú trọng hơn việc giới thiệu các tác phẩm viết về đề tài LLVT&CTCM đến đông đảo đội ngũ học sinh hiện nay trong các nhà trường trung học. Chính hoạt động giao lưu giữa tác giả với bạn đọc là học sinh phổ thông, hoạt động đọc sách về mảng đề tài này trong các nhà trường trung học vừa góp phần làm cho chương trình Ngữ văn trong các nhà trường trở nên sinh động, mang đậm hơi thở của đời sống đương đại, đồng thời góp phần nuôi dưỡng tình yêu của học sinh với tác phẩm văn chương viết về mảng đề tài này một cách dài lâu.

Bên cạnh đó, cần có những dự án quy mô, bài bản chuyển thể những tác phẩm văn học viết về đề tài LLVT&CTCM sang các loại hình nghệ thuật khác để giới thiệu những giá trị của mảng văn học này đến với công chúng. Đây là việc làm khó khăn, nhưng lợi ích thu được sẽ lớn lao trên nhiều phương diện, mà trong thời gian tới không thể không ưu tiên tiến hành.

Đối với nhà văn, những người trực tiếp cầm bút phải thực sự đổi mới trong tư duy nghệ thuật, tích cực khai phá những vùng đất còn nhiều sức hút mới mẻ như đề tài bảo vệ biên giới, chủ quyền biển đảo... Đồng thời, cần tham khảo những hướng đi của các nhà văn như Nguyễn Xuân Khánh trong "Đội gạo lên chùa" hay Hồ Anh Thái trong "Những đứa con rải rác trên đường". Trong những tác phẩm này, nhà văn khai thác song hành nhiều mảng đề tài như văn hóa-lịch sử, chiến tranh cách mạng và người lính, bi kịch tha hóa của con người trong cuộc sống đời thường... Nhưng rốt cùng, lịch sử hào hùng của dân tộc qua các cuộc chiến, tinh thần, bản lĩnh và phẩm chất cao đẹp của người lính vẫn là dư âm đọng lại sâu sắc nhất trong lòng người đọc.

Đọc tác phẩm văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính là hành trình trở về nguồn cội, thông hiểu chính mình để chọn một lối ứng xử minh triết cho những biến động của đời sống trong tương lai. Đó là một hành trình nhọc nhằn nhưng lý thú, và biết đâu, trong khi đang mỏi mắt mong chờ, thì những tác phẩm giá trị có thể “đã, đang ở quanh ta rồi”, như cách nói của nhà văn quân đội Đỗ Tiến Thụy.

Thạc sĩ PHAN TRẦN THANH TÚ