Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc bằng thắng lợi vang dội, toàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được giải phóng, ghi vào lịch sử mốc son sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Để tri ân những người con đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đồng thời ca ngợi chiến công lẫy lừng của quân và dân ta trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, Điện ảnh Quân đội nhân dân vừa hoàn thành bộ phim “Trở về Khe Sanh” và dự kiến công chiếu vào những ngày đầu tháng 7-2023, nhân kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh (1968-2023).

Đạo diễn, Trung úy Bùi Thanh Hải đã chia sẻ về quá trình thực hiện tác phẩm điện ảnh mà anh và ê kíp đã dành nhiều tâm huyết.

Phóng viên (PV): “Trở về Khe Sanh” được hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh, xin đồng chí cho biết nét đặc sắc của bộ phim này là gì?

Đạo diễn Bùi Thanh Hải: Đây là bộ phim tài liệu được tái hiện những chi tiết của chiến dịch lịch sử qua câu chuyện và những thước phim của một thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên tại thị trấn Khe Sanh. Trong đó có nhân vật Hoàng Anh Tuấn, Bí thư đoàn Thị trấn Khe Sanh.

Cảnh Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Hữu Bào và cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi đang thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hướng Hóa, Quảng Trị được tái hiện trong phim. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Bộ phim không chỉ toát lên sự khốc liệt của chiến tranh, những mất mát đau thương của người lính mà còn thể hiện được những suy nghĩ, tình cảm của thế hệ trẻ ngày nay đối với những câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ.

Theo chân những người lính trở về Khe Sanh, Hoàng Anh Tuấn đã được nghe những câu chuyện về họ, được chạm tới trái tim và khát vọng của họ; được chứng kiến cựu binh Mỹ trở lại và bày tỏ niềm kính trọng đối với những người lính Khe Sanh và anh đã có những trải nghiệm thật khó quên, đã khơi dậy trong người thanh niên này bao nhận thức mới.

Những địa danh "lửa" trong chiến tranh như Tà Cơn, các điểm cao 689, 595 đã được tái hiện qua lời kể của các nhân vật trực tiếp tham gia chiến đấu tại đây. Qua lời kể của các cựu chiến binh đã cho người xem thấy được sự khốc liệt của chiến tranh, những tấm gương hy sinh anh dũng. Họ đã chiến đấu vì đồng đội, chiến đấu vì niềm tin sẽ giành được độc lập dân tộc. Câu chuyện của các cựu chiến binh đã truyền cho thế hệ trẻ lòng tự hào về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

PV: Là một đạo diễn trẻ sinh ra trong hòa bình, khi làm phim tài liệu mang tính lịch sử, đồng chí có gặp khó khăn gì và đoàn làm phim đã khắc phục như thế nào?

Đạo diễn Bùi Thanh Hải: Tôi là một đạo diễn trẻ chưa có sự hiểu biết sâu sắc về chiến tranh. Vì vậy, tôi đã phải tìm tòi, nghiên cứu các tư liệu lịch sử để hiểu rõ về sự kiện đã qua và thực hiện bộ phim một cách tốt nhất. Trước quá trình đi quay tiền kỳ, tôi cũng đã ngồi làm việc với biên tập, biên kịch, quay phim nhiều lần để lắng nghe và trao đổi, sau đó đưa ra được những phương án tốt nhất cho quá trình thực hiện bộ phim.

PV: Làm thế nào để đoàn làm phim có được những tư liệu, hình ảnh của 55 năm về trước ở Đường 9-Khe Sanh?

Đạo diễn Bùi Thanh Hải: Điện ảnh Quân đội nhân dân là nơi có kho phim tư liệu lưu giữ lớn và duy nhất trong toàn quân. Chính vì có được thế mạnh này nên tôi đã chủ động đề xuất để có thể xem và sử dụng những tư liệu của đơn vị mình trong quá trình làm phim. Đồng thời tôi cũng tìm tòi, sưu tầm các tư liệu của phía Mỹ để có thể đem đến cho người xem góc nhìn khái quát nhất.

Bộ phim “Trở về Khe Sanh” có sự tham gia của các cựu chiến binh. Đặc biệt có sự tham gia của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Hữu Bào; Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2 đã hơn 90 tuổi... tất cả đều mong muốn trở về bên những người đồng đội, về nơi họ đã không tiếc thân mình để bảo vệ.

Trở về bên đồng đội, các cựu chiến binh đã kể lại cho thế hệ ngày nay nghe những câu chuyện hào hùng của 55 năm về trước. Trong quá trình thực hiện cảnh quay vào thời gian tháng 5 của mùa hạ, thời tiết có những lúc cao điểm lên đến 40 độ C, vì tuổi đã cao, sức khỏe không còn được như trước nên đoàn làm phim đã phải tính toán rất cẩn thận để đưa các cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa một cách an toàn nhất và có thể sắp xếp thực hiện các cảnh quay tại Khe Sanh, Quảng Trị một cách hiệu quả nhất.

Anh Hoàng Anh Tuấn, Bí thư đoàn Thị trấn Khe Sanh đang kể lại câu chuyện lịch sử cho các em học sinh huyện Hướng Hóa, tại Bảo tàng Sân bay Tà Cơn. 

PV: Đồng chí đã dùng những phương thức điện ảnh gì để xây dựng bộ phim?

Đạo diễn Bùi Thanh Hải: Về mặt hình ảnh, tôi đã dùng phương thức kể chuyện là các cảnh quay được thực hiện bằng nhiều máy quay và phải sử dụng nhiều thiết bị quay. Chính vì vậy, để có được những thước phim tốt nhất, tôi cùng quay phim đã phải bàn bạc rất kỹ lưỡng để tận dụng hết được các chức năng của thiết bị, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các khung hình của các máy quay để đem lại hiệu quả cao nhất về mặt hình ảnh.

Về mặt âm thanh, đây là bộ phim không dùng lời bình mà chỉ sử dụng lời tự sự của nhân vật Tuấn và lời phỏng vấn của các cựu chiến binh. Các cảnh quay chủ yếu được thực hiện tại không gian ngoại (cảnh quay bên ngoài) và lại thu trong thời gian của mùa ve nên chất lượng thu thanh tiền kỳ cũng chưa được đảm bảo tốt nhất. Sau quá trình làm hậu kỳ, phần âm thanh cũng phải cố gắng chỉnh sửa, lọc các tạp tiếng, đặc biệt là tiếng ve để có thể đưa tới người xem những lời thoại, cũng như tiếng động tốt nhất.

PV: Bộ phim là sự tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại, thông điệp mà bộ phim gửi đến khán giả là gì, thưa đồng chí?

Đạo diễn Bùi Thanh Hải: Bộ phim tài liệu “Trở về Khe Sanh” muốn gửi tới người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ những bài học không thể lãng quên. “Trở về Khe Sanh”, trở về tuổi đôi mươi bất tử, với bầu trời khát vọng của người lính, với lý tưởng vì nhân dân, vì dân tộc. Đây cũng là ý nghĩa mà bộ phim muốn lan toả đến với các bạn trẻ, để những người trẻ tuổi ít nhất một lần được trở về Khe Sanh bằng những thước phim do những nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện.

Các cựu chiến binh chia sẻ những khoảnh khắc chiến đấu tại mảnh đất Khe Sanh, ở nhà cựu chiến binh Hồ Văn Xang, thị trấn Khe Sanh. 

Bộ phim "Trở về Khe Sanh" chính là mạch nguồn kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Qua đó giúp thế hệ ngày nay hiểu rõ hơn về những năm tháng chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta.

Biên kịch Phạm Thị Hoài Thương: Bộ phim là cuộc hành trình trở về với ký ức của các cựu chiến binh

Sinh ra trong thời bình – một thế hệ lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa, nhưng khi khoác trên mình bộ quân phục, bản thân tôi có ý thức được mình phải chia sẻ thật nhiều những câu chuyện lịch sử, những câu chuyện về chiến tranh để giúp các bạn trẻ hình dung trọn vẹn hơn cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của dân tộc mình.

Trong quá trình tìm hiểu để viết kịch bản “Trở về Khe Sanh”, bản thân tôi phải đọc và xem rất nhiều thông tin để chắt lọc những thông tin, sự kiện quan trọng đưa vào phim. Cùng với đó là hành trình tìm kiếm, tiếp xúc với các nhân vật và nhân chứng. May mắn cho tôi khi đã gặp được Hoàng Anh Tuấn – một bạn trẻ rất nhiệt huyết và năng động. Hoàng Anh Tuấn đã không quản ngại khó khăn để giúp đỡ tôi hiểu hơn về Khe Sanh, Hướng Hóa, về những tâm tư, suy nghĩ của các bạn trẻ hiện nay, để tôi có thể mang những suy nghĩ, cảm xúc của các bạn vào phim được trọn vẹn.

Về các nhân chứng trong phim, các cựu chiến binh đã tuổi cao, sức yếu, cách trở về mặt địa lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tôi không được tiếp xúc với các bác nhiều, đôi khi tôi lo lắng không biết dự định mời tất cả các cựu chiến binh trở về lại Khe Sanh có thành hiện thực được không. Những câu chuyện các cựu chiến binh chia sẻ cho tôi trong quá trình viết kịch bản rất cảm động, và điều đó càng làm tôi quyết tâm phải mời bằng được các bác trở lại chiến trường Khe Sanh, cùng ôn lại kỷ niệm và kể cho con cháu nghe những câu chuyện đã trở thành huyền thoại. Bộ phim là cuộc hành trình trở về với ký ức, trở về thanh xuân của các cựu chiến binh, và từ cuộc trở về của các cựu chiến binh, thế hệ trẻ hôm nay đã hiểu được những giá trị lịch sử to lớn của những hy sinh mà các liệt sĩ, chiến sĩ đã cố gắng gìn giữ và bảo vệ.

Tôi hy vọng rằng, bộ phim này sẽ góp phần tái hiện một ký ức hào hùng của dân tộc, giải mã những lý tưởng và khát khao độc lập của các liệt sĩ, chiến sĩ năm xưa, thể hiện sự tiếp nối truyền thống anh hùng của thế hệ trẻ hôm nay đối với những gì mà cha ông đã dành cho họ.

 

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)