Chuyện kể về nhân vật chính là Cuội mê cô Lụa nhưng không dám bày tỏ.

Chiều 12-10 tại Hà Nội, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã biểu diễn báo cáo vở kịch nói “Lời nói dối cuối cùng” của kịch gia Lưu Quang Vũ; Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng đạo diễn. Đây là vở diễn được nhà hát lựa chọn dàn dựng để triển khai lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ biểu diễn cho các nghệ sĩ, diễn viên năm 2023.

Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và các cơ quan, đơn vị chức năng đã tới dự buổi diễn báo cáo, bế mạc chương trình tập huấn.

Theo Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lê Thị Mai Phương, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội, mặc dù trong thời gian này nhà hát đang tập trung nâng cao chất lượng cho 2 đoàn tham gia dự thi Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài Quốc phòng toàn dân năm 2023 (hai vở diễn của nhà hát diễn vào 20 giờ ngày 18-10 và 9 giờ 30 phút ngày 19-10 tại Nhà hát Quân đội - Mai Dịch, Hà Nội), nhưng chương trình tập huấn là một trong những hoạt động nghiệp vụ cũng không kém phần quan trọng trong năm của nhà hát. Đây là hoạt động nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật biểu diễn, cách xử lý âm thanh, ánh sáng, chuyển cảnh cho toàn thể cán bộ, diễn viên, nhân viên, kỹ thuật viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Công tử con phú ông tên Lãng đần độn, ngốc nghếch cũng mê Lụa. 

Thay vì chọn kịch bản mang đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng hay hình tượng người lính, nhà hát đã chọn kịch bản nổi tiếng của kịch gia Lưu Quang Vũ mang đậm chất liệu dân gian từ ngôn ngữ trào lộng thâm thúy của kịch bản đến cách kết hợp triệt để của đạo diễn khi xử lý không gian, thời gian theo cách ước lệ của sân khấu truyền thống. Nhà hát cũng đã mời các chuyên gia tài năng, có uy tín để lên lớp tập huấn, dàn dựng vở diễn.

“Điều này đã làm cho các diễn viên, kỹ thuật viên trẻ được trải nghiệm một hơi thở mới trong chuyên môn. Lần đầu tiên trong chương trình tập huấn, diễn viên được tiếp cận một vai diễn dài hơi, hội tụ đủ các cung bậc cảm xúc của cuộc sống nên có nhiều đất diễn cho các diễn viên thể hiện kỹ thuật biểu diễn”, Đại tá, NSƯT Lê Thị Mai Phương cho hay.

Cuội bày trò bằng cách mỗi lần Lãng đi gặp Lụa, Cuội đều đứng sau lưng lên tiếng hộ.

Kịch bản được kịch gia Lưu Quang Vũ viết năm 1985, được đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành dựng cho Nhà hát Tuổi trẻ công diễn năm 1986, hội tụ thế hệ vàng nghệ sĩ tham gia, như: NSND Lê Khanh, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Đức Hải... góp phần đưa vở diễn trở thành cơn sốt trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội trong năm 1986 và 1987.

Tác phẩm được Lưu Quang Vũ lấy cảm hứng từ những tích dân gian, với tên nhân vật là Cuội, Bờm và Lụa. Dù mượn tích dân gian, nhưng vở diễn gắn với hơi thở đời sống đương đại, phản ánh nhiều vấn đề thời sự bên cạnh việc đào sâu thế giới nội tâm đa sắc màu của con người.

 

 Nhiều hỉ, nộ, ái, ố của vở diễn mở ra khi Cuội bước vào hoàng cung.

Mạch truyện xoay quanh nhân vật Cuội. Cuội là kẻ chuyên bày trò với sự tinh quái và tính cách dối trá nhưng có tài thổi sáo, làm thơ. Anh thích Lụa - một thôn nữ xinh đẹp. Công tử con phú ông tên Lãng đần độn, ngốc nghếch cũng mê Lụa, thường có những hành động lố lăng, kệch cỡm. Họ bày trò bằng cách mỗi lần Lãng đi gặp Lụa, Cuội đều đứng sau lưng lên tiếng hộ. Cuội dối trá nhưng đó là cõi lòng thật của Cuội nên anh ta rất nhập tâm. Mỗi lần núp dưới bóng công tử Lãng để thổi sáo, làm thơ cho Lụa đều là tiếng lòng sâu xa của Cuội.

Không chỉ trong chuyện tình cảm, Cuội với sự thông minh, tinh quái, đáng yêu nhưng cũng rất thủ đoạn đã khiến nhiều chuyện rối tung rối mù, cái danh cái thực lẫn lộn. Đến cuối vở kịch, Cuội mới nhận ra và đau khổ với chính sự dối trá của mình.

 

 

 Mọi chuyện rối tinh và Cuội nhận ra sự giả dối không đem lại hạnh phúc.

“Thông điệp của tác phẩm là mọi ý định dù tốt đẹp nhưng được xây dựng trên sự giả dối cũng không đem lại hạnh phúc mà phải xây dựng dựa trên lòng tin và sự chân thực”, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ. Do đó, ê kíp dàn dựng vở diễn trung thành với thông điệp đó của tác giả.

Với mỗi tác phẩm của kịch gia Lưu Quang Vũ, người xem cảm nhận được, rằng đằng sau những hình tượng, câu thoại là tâm sự của Lưu Quang Vũ về một xã hội đòi hỏi sự trung thực, chống lại tất cả dối trá và những điều làm con người không còn tin vào cuộc sống. Tác phẩm làm cho mọi người nhận thức và thấy được cả những cái yếu như bệnh thành tích, dối trá bằng cấp, chạy chọt chức quyền làm xói mòn lòng tin trong xã hội, cần phải loại bỏ ngay.


Thủ trưởng Cục Tuyên huấn chúc mừng vở diễn và hoạt động tập huấn chuyên môn nghiệp vụ của Nhà hát Kịch nói Quân đội.

Sau buổi diễn báo cáo, nhà hát tiếp tục chỉnh sửa, nâng cao để đưa đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân trong thời gian tới.

Bài và ảnh: HÀ VƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.